Đang trực chiến, nghe cấp trên ra lệnh: “Lên đường cấp cứu người bị nạn!”. Lập tức thượng úy Phạm Anh Tuấn, Thuyền trưởng tàu BP 14-1202 thuộc Hải đội 2, Bộ đội Biên phòng TPHCM cùng đồng đội lái tàu lao nhanh đến nơi có người bị nạn. Hôm đó là đi cứu các em học sinh bị sóng cuốn ở bãi biển Cần Giờ trong chuyến dã ngoại định mệnh hồi cuối năm 2013.
Suốt từ 14 giờ đến gần 3 giờ sáng, thượng úy Tuấn cùng đồng đội vật lộn với sóng to gió lớn để đưa lực lượng người nhái của Sở PCCC xuống biển tìm kiếm nạn nhân, nhưng rất tiếc vì quá muộn nên mọi người đành bất lực.
Nhớ lại khoảnh khắc đau buồn ấy, thượng úy Tuấn tâm sự: “Lúc đó trời tối đen, sóng rất mạnh khiến tàu chúng tôi không thể áp sát vào bờ nên phải neo đậu từ xa để đưa hết người này đến người khác lặn xuống biển tìm xác các em. Đến khoảng 3 giờ sáng, công việc hoàn thành thì cũng là lúc những người cứu nạn đuối sức…”.
Đây không phải lần đầu tiên người sĩ quan trẻ này tham gia tìm kiếm cứu hộ cứu nạn trên biển. Trước đó, khi anh còn công tác tại Hải đoàn Biên phòng 28 ở ấp Xẻo Rô, xã Hưng Yên, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang, Phạm Anh Tuấn đã từng nhiều lần lao vào tâm bão để cứu ngư dân.
Tuấn kể về chuyến cứu nạn đầy nguy hiểm hồi anh còn là Thuyền phó tàu BP 28-0161 ở Kiên Giang. Lúc đó khi nhận lệnh đi cứu ngư dân, anh cùng đồng đội lên đường ngay mà không hề suy nghĩ gì. Nào ngờ khi ra đến nơi, những cơn sóng to gió lớn dữ dội khiến con tàu cứu nạn của anh suýt bị đánh chìm, cột cờ, cột buồm bị gãy tả tơi, nhiều chiến sĩ kiệt sức. Không cho phép mình gục ngã, anh cố ôm chặt la bàn để xác định vị trí tọa độ tàu đi trên biển và chỉ huy đồng chí lái tàu vật lộn với sóng dữ, tìm kiếm ngư dân. Sau khi vượt qua tâm bão, anh và đồng đội phải dạt vào một hòn đảo nhỏ. Thấy bóng các chiến sĩ biên phòng, bà con ngư dân òa khóc vì mừng.
Năm nay thượng úy Phạm Anh Tuấn 31 tuổi đời nhưng đã có tới 14 năm tuổi quân và 9 năm tuổi Đảng. Sau khi học xong lớp 12, Tuấn thi đậu vào Học viện Hải quân. Sau 5 năm tốt nghiệp ra trường, Tuấn được phong quân hàm thiếu úy và được phân công về Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang làm Thuyền phó tàu BP 28-0106 của Hải đoàn 28. Sau đó, Tuấn được đề bạt lên làm thuyền trưởng, rồi trợ lý tác huấn Bộ Tham mưu Hải đoàn Biên phòng 28. Anh đã từng ra đảo Song Tử Tây và đảo Sơn Ca thuộc quần đảo Trường Sa công tác nên rất yêu biển.
Năm 2011, BĐBP TPHCM được UBND TPHCM cấp 2 chiếc tàu quân sự để tăng cường tuần tra trên sông và Tuấn được điều về Hải đội 2 thuộc BĐBP TPHCM làm Thuyền trưởng tàu biên phòng 14-1202. “Tôi tự hào vì được làm lính biển. Tôi sinh ra lớn lên ở vùng biển nên giờ đây tôi gắn bó với biển và yêu biển tha thiết đến không thể rời xa…”, thượng úy Phạm Anh Tuấn thổ lộ.
MINH NGỌC