LTS: Năm 1998, từ ước nguyện cao đẹp trước khi qua đời của bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, người thầy thuốc mẫu mực của ngành y tế Việt Nam, Báo Sài Gòn Giải Phóng đã thành lập Quỹ học bổng Nguyễn Văn Hưởng nhằm giúp sinh viên ngành y vượt khó học giỏi. Quỹ học bổng còn hướng đến hỗ trợ các y, bác sĩ tình nguyện công tác ở vùng sâu, vùng xa. Xin giới thiệu một số sinh viên được nhận học bổng năm 2015.
* Sinh viên Nguyễn Hoài Thanh, Trường ĐH Y Dược TPHCM: Sẽ là bác sĩ giỏi tại quê nhà
Ước mơ trở thành bác sĩ đã ấp ủ trong lòng cô sinh viên có đôi mắt sáng, giọng nói lạc quan mang tên Nguyễn Hoài Thanh, sinh viên năm nhất Trường ĐH Y Dược TPHCM từ những ngày theo chân mẹ vào làm điều dưỡng ở Bệnh viện Y học cổ truyền Tây Ninh. Năm lên lớp 7, mặc dù gia đình ra sức ngăn cản, sợ con gái theo nghề y sẽ vất vả nhưng Hoài Thanh vẫn kiên trì thuyết phục ba mẹ. Mãi đến khi em tốt nghiệp lớp 9, mẹ mới tạm đồng ý cho con gái học ban B, theo đuổi nghề nghiệp mơ ước. Hoài Thanh ra sức học ngành y vì đây là nghề nghiệp đong đầy tình người trong xã hội, nhất là giúp người bệnh nghèo. Dù những ngày học là những ngày vô cùng vất vả, nhưng Thanh cảm giác hạnh phúc khi lần đầu tiên được mặc áo blouse trắng, cùng sở thích được ngửi “mùi” bệnh viện… Nhưng để hoàn thành ước mơ đó, Hoài Thanh đang ra sức học hành thật tốt, phấn đấu tốt nghiệp loại ưu để sau đó quay trở về quê mình ở Tây Ninh chữa bệnh giúp người nghèo.
Thanh cho biết, quê em còn nhiều vùng đất nghèo khó, điều kiện chăm sóc y tế hết sức khó khăn, thiếu thốn. Do đó, dự định của em sau khi tốt nghiệp ra trường là tích lũy thêm những mối quan hệ, kêu gọi sự ủng hộ từ các nhà hảo tâm để tạo tiền đề thành lập một bệnh viện mà ở đó không có sự phân biệt giàu nghèo, giữa bệnh nhân và bác sĩ không có khoảng cách, mỗi bệnh nhân đều nhận được dịch vụ y tế như nhau…
* Sinh viên Tô Trọng Tuân, Trường ĐH Y Dược TPHCM: Tận tâm với người bệnh
Mặc dù sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân, bản thân nhiều lúc phải đi làm thêm ở nhà máy xay xát gạo để kiếm thêm thu nhập, trong suốt 2 năm lớp 10 và 11 học chuyên Toán, nhưng Tô Trọng Tuân (quê ở Bình Định) đã quyết định rẽ hướng sang học nghề y. Tuân chia sẻ, từ nhỏ em đã trải qua nhiều đợt điều trị trong bệnh viện nên giúp em cảm nhận được hết ý nghĩa cao quý của nghề nghiệp này. Từ đó em đã ra sức học và thi đậu Trường ĐH Y Dược TPHCM với quyết tâm học hành thành đạt để sau này tiếp bước những bác sĩ lớp trước trị bệnh giúp người nghèo và cũng là tự chăm sóc bản thân mình.
Chia sẻ về dự định trong nghề, Tuân tâm niệm sau này trở thành bác sĩ giỏi, chữa được nhiều bệnh giúp mọi người, nhưng đặc biệt phải là bác sĩ tận tâm, lúc nào cũng niềm nở, thân thiện với tất cả bệnh nhân. Nhưng để hoàn thành ước mơ đó, mỗi ngày Tuân nỗ lực rất nhiều để tiếp thu bài vở với lượng kiến thức vô cùng lớn. Từ khi bước chân vào trường y, Tuân hiểu mình phải có trách nhiệm hơn với lựa chọn của mình, từng bước khắc phục những trở ngại để hoàn thành ước mơ…
* Sinh viên Nguyễn Thị Thùy Trang, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch: Thôi thúc học ngành y vì mẹ
Từ nhỏ, gia đình của Trang không suôn sẻ như bạn đồng lứa khi cùng mẹ rong ruổi khắp các khu nhà trọ. Năm em lên lớp 9, mẹ cùng lúc bị bệnh phổi có nước và hở van tim. Suốt 3 năm THPT, cuộc sống của Trang gắn liền với bệnh viện: Sáng đi học, trưa chạy vô bệnh viện chăm mẹ, chiều về làm việc nhà và lo 2 đứa em. Trang tâm sự: “Chỉ những ai từng ở trong hoàn cảnh sắp sửa mất mẹ như em mới hiểu tình cảm gia đình, càng quý trọng sự thiêng liêng của nghề thầy thuốc trị bệnh cứu người”. Chính vì lý do đó, em luôn cố gắng phải học thật tốt, đem những điểm 10, bằng khen, thành tích về làm quà tặng mẹ với hy vọng sẽ có phép mầu giúp mẹ nhanh chóng khỏe lại để cùng sống với 3 chị em.
Trang đậu cùng lúc Trường ĐH Sư phạm TPHCM và Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch nhưng em đã chọn nghề y vì muốn theo đuổi giấc mơ trở thành bác sĩ trị bệnh cho mẹ. Nguyễn Thị Thùy Trang, sinh viên năm nhất Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, luôn động viên bản thân: “Cố lên, chỉ cần cố thêm một chút nữa thôi sẽ thành công vì bỏ cuộc lúc này em sẽ mất tất cả. Sau này thành đạt em sẽ tập hợp những trẻ em có hoàn cảnh kém may mắn giống như mình, giúp các bạn nhỏ có cái nhìn khác về cuộc đời, đừng gục ngã trước mọi khó khăn”.
THU TÂM