"Thời thơ ấu, gia đình tôi rất nghèo, nhiều lúc cả tuần không có một hạt gạo nấu cháo, chỉ ăn toàn rau độn với khoai mì chấm muối. Còn bé tí, tôi đã phải đi chăn trâu cho bà con để có cơm ăn, để có tiền đi học, mỗi ngày phải đội trên đầu thúng bánh ít hoặc mâm bánh da lợn đi bán dạo khắp xóm. Những ngày hè, tôi làm bạn với đàn vịt chạy đồng của ông hàng xóm và tôi không thể nào quên những đêm mưa dông lạnh buốt, sấm chớp rợn người, một mình giữa ruộng đồng mênh mông…”, lời tâm sự của thầy giáo Nguyễn Văn Cải, giáo viên Trường THPT Quang Trung (Củ Chi) tại lễ kỷ niệm 10 năm học bổng khuyến tài của Hội khuyến học TPHCM khiến cả hội trường lặng người trong xúc động.
Thầy Cải là một trong những sinh viên đầu tiên được học bổng khuyến tài của Hội Khuyến học TPHCM.
Chính vì thế mà nhiều người còn gọi đây là học bổng từ trái tim. Học bổng khuyến tài là nơi hội tụ những tấm lòng nhân ái, từ những mạnh thường quân giàu có đến những thầy cô giáo với đồng lương ít ỏi nhưng cũng chắt chiu chia sẻ với các trò nghèo dụng cụ học tập, học phí, giúp đỡ các em trong suốt quá trình học.
Cũng bởi ý nghĩa thiết thực này, học bổng khuyến tài đã trở thành một mô hình khuyến học độc đáo của TPHCM và được nhiều tỉnh thành trong cả nước học tập, nhân rộng. Học bổng này cũng đã phát triển thành lập câu lạc bộ sinh viên khuyến tài, hội tụ những sinh viên đã ra trường, có việc làm lại tiếp sức cho các em sinh viên khó khăn khác tiếp tục con đường học vấn của mình.
Từ một học bổng chỉ có 5 sinh viên được hỗ trợ, đến nay đã có hơn 1.116 sinh viên được giúp sức. Một mạnh thường quân sẽ nhận tài trợ cho 1 hoặc 2 sinh viên trong thời gian các em còn đi học. Hiện đã có 277 sinh viên tốt nghiệp đi làm, nhiều em giờ là cán bộ chủ chốt ở các đơn vị, 20 sinh viên đi du học nước ngoài…
Xã hội vẫn còn rất nhiều những hoàn cảnh khó khăn cần được quan tâm hỗ trợ không chỉ đơn thuần là những suất học bổng mà cần thiết nhất vẫn là sự hỗ trợ xuyên suốt, một chương trình học bổng xuất phát từ trái tim như học bổng khuyến tài. Đây chính là giải pháp căn cơ trong công tác khuyến học.
Cả xã hội cùng làm khuyến học góp phần xã hội hóa giáo dục, có ý nghĩa tích cực trong việc xóa đói giảm nghèo và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước đúng như ý nghĩa và mục đích của công tác khuyến học, khuyến tài mà Nhà nước đã đề ra.
Mong rằng, ngày càng có nhiều tấm lòng đến với công tác khuyến học, khuyến tài góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập để con đường học tập và tương lai của các học sinh, sinh viên nghèo không còn là một cánh đồng bất tận.
Lê Linh