Có nên cho con học chữ trước hay không? Câu hỏi này khiến nhiều bậc phụ huynh có con đang học mẫu giáo lúng túng, cũng là vấn đề mà các nhà tâm lý, giáo dục, các nhà hoạch định chiến lược giáo dục cần tìm câu trả lời. Là người từng giảng dạy tâm lý và nghiên cứu tâm lý, tôi xin đưa ra một số ý kiến để bạn đọc tham khảo.
1. Vui chơi là hoạt động chủ đạo của trẻ mẫu giáo: Khoa học tâm lý lứa tuổi khẳng định hoạt động vui chơi của trẻ ở giai đoạn này là hoạt động chủ đạo, chứ không phải là học tập. Với sự phát triển và đang hoàn thiện những chức năng sinh học cũng như khả năng tham gia thế giới xung quanh thì thông qua vui chơi hình thành những nét tâm lý mới, là cơ sở, tiền đề của hoạt động học tập trong những năm vào tiểu học.
Hoạt động về mặt chủ đạo sẽ quyết định những nét tâm lý đặc trưng nhất của lứa tuổi học sinh mẫu giáo. Nếu như hoạt động chủ đạo được diễn ra tốt đẹp thì kéo theo sự phát triển tâm lý của trẻ cũng đúng hướng, thuận lợi và ngược lại.
Vì vậy, nếu các bậc phụ huynh nắm được những khó khăn tâm lý của trẻ và có biện pháp phù hợp thì ngay từ thời gian nghỉ hè này trẻ sẽ được chuẩn bị tâm lý một cách tốt nhất, vững vàng bước vào lớp một. Đó mới là phát triển theo quy luật tâm sinh lý của trẻ.
2. Mức độ sẵn sàng của trẻ còn ít: Trẻ chưa đến tuổi học chữ (dưới 6 tuổi) chưa có tâm lý sẵn sàng để viết và học chữ. Nếu cho trẻ học chữ trước thì thời gian và công sức dành cho việc luyện chữ phải nhiều hơn so với trẻ đúng tuổi. Do vậy dẫn đến khả năng lĩnh hội cũng như những thao tác chữ viết, logic câu từ còn hạn chế, trẻ không tập trung vào học tập mà hướng nhiều vào hoạt động mang lại niềm vui của chúng, nhất là trò chơi.
Do vậy, theo quy luật phát triển chung, phụ huynh cần hướng các hoạt động vui chơi vào học tập, chơi để học, chơi để lĩnh hội những thao tác cần thiết để năm học mới không hẫng hụt.
3. Trẻ mất hứng: Khi trẻ mẫu giáo biết viết, biết đọc thì vào lớp 1 trẻ dễ hình thành tâm lý chủ quan, hờ hững. Thật là tai hại cho trẻ, vì khi lên lớp 2 và các lớp sau thành thói quen, trẻ sẽ không tích cực suy nghĩ, vừa không bắt kịp chương trình, trẻ vừa chậm phát triển trí tuệ hơn so với các bạn. Không ít học sinh hình thành tâm lý ỷ lại, tự ti, không còn hứng thú với chuyện học. Vì vậy, thời gian sau đó số học sinh này thường có kết quả thấp và ít có chiều hướng phấn đấu.
TS giáo dục Nguyễn Minh Thức (Chủ nhiệm bộ môn Tâm lý - Giáo dục, ĐH Nguyễn Huệ) cho rằng: “Trước khi vào cấp 1 phụ huynh nên chú ý phát triển cho con mình mạnh mẽ về thể chất và biết được những kỹ năng cơ bản, chẳng hạn kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng giao tiếp với người lớn, chia sẻ đồng cảm… đó chính là những tiền đề quan trọng giúp trẻ nhanh chóng phát triển khi bước vào lớp tiểu học”.
4. Rối loạn tâm lý: Sự không phù hợp với độ tuổi cũng có thể dẫn đến hiện tượng trẻ bị căng thẳng, lo âu dẫn đến những rối loạn về nhận thức, cảm xúc, ảnh hưởng trong sự phát triển nhân cách cũng như quá trình chuyển sang hoạt động học tập chủ đạo.
5. Ngoại lệ: Nếu trẻ có khả năng quan sát, ghi nhớ tốt, nhớ được mặt chữ, thậm chí biết đọc sớm hoặc có những biểu hiện phát triển trí tuệ vượt trội so với bạn bè cùng tuổi thì phụ huynh nên khuyến khích để trẻ bộc lộ, phát huy. Các em biết đọc trước khi đến trường không có gì là xấu, nếu kết quả đó là do quá trình tìm hiểu một cách tự nhiên, vừa sức.
Việc cho trẻ tập viết trước thì không nên khuyến khích vì hoạt động này phức tạp, ảnh hưởng tới nhiều yếu tố như tư thế ngồi, sự phát triển xương của trẻ.
Dù xét ở bất kỳ khía cạnh nào, thời kỳ trước khi vào lớp một đã là một quá trình chuẩn bị lâu dài cả về thể chất và tâm lý, làm cơ sở, nền tảng cho trẻ vào lớp 1. Không có gì hại hơn là nhồi nhét vào trí nhớ và bàn tay của trẻ một khối lượng kiến thức rời rạc hay những kỹ xảo đọc và làm tính, mà lẽ ra nó dành cho tiểu học. Hãy để trẻ phát triển một cách tự nhiên.
NGUYỄN VĂN CÔNG (Giảng viên tâm lý học - ĐH Nguyễn Huệ)