Học phí không thể tăng quá nhanh

Ngày 26-2, tại Hà Nội, đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dành trọn 1 ngày để làm việc với UBND TP Hà Nội và các trường đại học đóng trên địa bàn Hà Nội theo chương trình giám sát năm 2010.

(SGGP). – Ngày 26-2, tại Hà Nội, đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dành trọn 1 ngày để làm việc với UBND TP Hà Nội và các trường đại học đóng trên địa bàn Hà Nội theo chương trình giám sát năm 2010.

Theo ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội, tính đến nay, thực hiện chương trình giám sát năm 2010 của Ủy ban Thường vụ QH, đoàn giám sát đã làm việc với gần 40 trường ĐH đóng trên địa bàn khu vực miền Nam, Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng. Tới đây, đoàn tiếp tục làm việc với các ĐH ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên, làm việc với các bộ chủ quản của trường ĐH trước khi hoàn thiện báo cáo giám sát về giáo dục ĐH trình ra Quốc hội.

Báo cáo của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội Lê Văn Học về vấn đề thành lập mới một số trường ĐH-CĐ cho biết, việc thành lập mới chủ yếu từ nâng cấp (ví dụ từ CĐ lên ĐH), thành lập mới hoàn toàn hoặc thành lập từ các khoa trực thuộc (ví dụ thành lập ĐH từ một khoa trực thuộc ở ĐH Quốc gia), hoặc là chia tách các trường từ một thành hai, ba trường.

Trong các loại hình thành lập trường ĐH-CĐ mới này, đoàn giám sát cho rằng, việc lập trường ĐH trên cơ sở một khoa là thuận lợi nhất, hầu như chỉ khó khăn ở cơ sở vật chất nhưng lại có sẵn đội ngũ đang trực tiếp giảng dạy.

Còn theo báo cáo của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội Lê Minh Hồng, tại một số trường việc thành lập không đảm bảo dẫn đến ảnh hưởng chất lượng đào tạo. Vì vậy đoàn giám sát đề nghị các cơ quan chức năng phải xem xét nếu trường nào đủ điều kiện thì giữ, nếu không có thể cho ngừng hoạt động.

Đoàn giám sát cũng cho rằng Nhà nước không nên đầu tư dàn trải cho tất cả các trường, cần lựa chọn những dự án ưu tiên. Suất đầu tư cho một sinh viên bình quân còn thấp, khoảng 5 triệu đồng/sinh viên/năm. Trong khi đó, hầu hết các trường ĐH đều cho rằng mức học phí hiện nay quá thấp không thể đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo.

Theo ông Đào Trọng Thi,  bước đầu, đoàn giám sát nhận thấy còn nhiều vấn đề phải đánh giá lại, từ những việc cụ thể như quy trình thành lập trường đến việc thẩm định mở ngành đào tạo, từ việc đánh giá điều kiện để giao chỉ tiêu tuyển sinh đến việc mang tính tổng thế nhất là quy hoạch mạng lưới ĐH. “Phải xác định rõ quy mô, địa điểm, cơ cấu ngành nghề đào tạo ĐH của từng địa phương, khắc phục bằng được hội chứng mở trường, mở ngành đào tạo theo phong trào”, ông Đào Trọng Thi nói. 

Đặc biệt, về vấn đề đầu tư cho giáo dục, đoàn giám sát cho rằng thực tế hiện nay, nguồn lực nhà nước và nguồn lực xã hội đầu tư vào giáo dục không hề nhỏ. Các trường phải chú trọng đẩy mạnh huy động nguồn vốn của xã hội, còn việc đóng góp của người học (học phí) phải có lộ trình, cần cân nhắc đến điều kiện sống của người dân, không thể tăng học phí ồ ạt, quá nhanh.

Về phần mình, các trường ĐH nêu lên những khó khăn về đất đai, thủ tục xây dựng, về cơ chế tự chủ cũng như cơ chế tài chính. Nhiều ý kiến cũng cho rằng bộ cần để các trường tự chủ về tuyển sinh, bộ chỉ cần làm tốt khâu giám sát.

NHỊ HÀ

Tin cùng chuyên mục