Mới đầu năm học nhưng học sinh các cấp tại TPHCM đã “ngộp thở” bởi lịch học quá dày, học tại trường, học ở nhà, rồi học thêm tại các trung tâm hay điểm dạy thêm. Vì vậy nhiều học sinh phải đi học vất vả còn hơn công nhân tăng ca: 6 giờ sáng rời khỏi nhà và chỉ về đến nhà khi đã gần 22 giờ.
Học trò căng thẳng
Sau giờ học ở trường, một nhóm 5 học sinh nam lớp 12 Trường THPT Võ Thị Sáu và THPT Hoàng Hoa Thám (quận Bình Thạnh) không về nhà, mà về quận Phú Nhuận để ở lại nhà một thầy giáo chuyên luyện thi đại học khối A để được thầy dạy kèm đến khuya. N.H.T. - một học sinh trong nhóm - cho biết vì nhà em ở tận quận 12, ba mẹ không có điều kiện đưa rước nên phải ở lại nhà thầy giáo để tiện việc luyện thi. Hầu hết các em đều thi hai khối, nên thời gian luyện thi cũng phải đầu tư nhiều. Sáng đi học, chiều 3 buổi/tuần học tăng tiết ở trường, 3 buổi còn lại học thêm ngay tại trường và các buổi tối trong ngày luyện thi đại học ở nhà thầy đến 22 giờ.
Dù không phải ở luôn tại nhà thầy như N.H.T., nhưng N.K.P. (nhà ở quận 11) cũng đang gồng mình “chạy sô” với lịch học kín mít, bắt đầu từ sáng học ở trường và trở về nhà lúc hơn 21 giờ từ lớp học thêm. Cả tuần em chỉ ăn cơm ở nhà vào ngày chủ nhật, còn lại là “cơm hàng, cháo chợ” cho xong. Em kể: “Nhiều bạn cùng lớp cũng không thể về nhà trước 21 giờ, không học thêm ở trường thì cũng học ở các trung tâm luyện thi, điểm dạy thêm. Tuy ở cùng nhà nhưng chỉ vào cuối tuần em và đứa em trai đang học lớp 9 mới có dịp gặp mặt nhau”.
Do áp lực thi đại học, học sinh lớp 12 phải học tăng ca là chuyện có thể hiểu được, nhưng ngay cả ở bậc tiểu học và trung học cơ sở, chuyện học tăng ca cũng đang diễn ra. Dù đang học lớp 3 nhưng V.T.P., học sinh Trường Tiểu học Lương Thế Vinh (quận Tân Phú) đã phải xách cặp ra khỏi nhà từ hơn 5 giờ sáng để kịp lên xe đưa rước học sinh đến trường; 16 giờ 30 tan học, xe đưa rước học sinh sẽ đưa em thẳng tới nhà cô giáo. Tại đây, em sẽ ăn tối cùng các bạn rồi sau đó học thêm luôn. Suốt 2 năm nay, V.T.P. luôn phải trong tình cảnh học tập căng thẳng như vậy, nên trông em luôn mệt mỏi, chậm chạp, mắt đã cận 3 độ. Nhiều phụ huynh cho rằng, muốn con giỏi thì phải đầu tư ngay từ lớp 1 và áp lực học hành đè nặng trên vai đôi bé nhỏ của các em.
Hàng ngày, từ 16 giờ, một điểm dạy thêm trên đường Lê Văn Sỹ (quận Phú Nhuận) lại tấp nập học sinh. Ngày lẻ là ca cho học sinh lớp 8 và ngày chẵn là ca cho lớp 9. Học sinh từ các trường THCS ở các quận 3, Phú Nhuận, Tân Bình… sau ca 2 ở một điểm học thêm nào đó, lại đến đây học ca 3 vì tiếng tăm thầy giáo. Học sinh đăng ký đông, chỗ ngồi có hạn, nhiều hôm đến 20 giờ, lớp vẫn còn sáng đèn. Tương tự, đã hơn 21 giờ nhưng tại các trung tâm học thêm như Trung tâm Bồi dưỡng văn hóa Lý Tự Trọng (Lý Tự Trọng, quận 1), Trường THPT Bùi Thị Xuân, Lê Quý Đôn (quận 1), Nguyễn Thái Học (Trần Hưng Đạo, quận 1)… hàng trăm học sinh vẫn còn trong bộ đồng phục đi học và khăn quàng đỏ, đứng dưới ánh đèn đường chờ phụ huynh tới đón với gương mặt mệt mỏi.
Phụ huynh ngán ngẩm
Chú Thanh chạy xe ôm, hàng ngày vẫn nhận chở một học sinh đang học tại một trường THCS ở quận 3 kể: “Cha mẹ của cháu này đi làm cả ngày, nên giao phó con cho tui lo việc đưa đón. Đành là chở thì ăn tiền công, nhưng nói thiệt, thấy cháu phải tất bật chạy đôn chạy đáo đi học cả ngày, tui thấy tội quá. Sáng học ở trường, buổi chiều học thêm lớp tăng cường tiếng Anh tại trường hoặc học thêm môn văn và toán tại nhà thầy, tối lại đến trung tâm ngoại ngữ. Nghe nói chỉ riêng tiền học thêm của cháu này mỗi tháng cũng gần 15 triệu đồng. Từ nhà ở quận 2, đến trường ở quận 3, rồi học thêm văn ở quận Phú Nhuận và toán ở quận Bình Thạnh. Mới đây cháu lại đi học thêm lý và hóa ở quận Tân Bình, mẹ cháu lại thuê tui đưa đón, đưa được vài tuần, cuối cùng tui cũng… chạy dài luôn. Mình chỉ đưa đón đã thấy cực quá, huống gì cháu nhỏ còn phải vất vả học!”.
Anh Châu ở Bình Thạnh cũng làm nghề chạy xe ôm, cho biết do nhiều học sinh phải chạy sô học thêm nên bây giờ nhiều người chạy xe ôm bỏ việc đứng đón khách vãng lai, chuyển qua chở mối đưa đón học trò đi học. Anh Châu tâm sự: “Đưa đón học trò đi học mà phải chạy muốn… khùng luôn. Chỉ có ngày chủ nhật là tui tạm rảnh rang, còn hầu như suốt ngày cứ như con thoi, hết đưa lại đón. Không hiểu bây giờ tụi nó học cái gì mà gần như phải học suốt ngày, chỉ nghỉ buổi trưa một chút là lại xách cặp đi học, chiều về hối hả ăn cơm rồi lại đi tiếp”.
Anh Đức, nhà ở tận quận Thủ Đức nhưng làm việc cho một công ty nước ngoài tại quận 1, có 2 con học cùng trường ở quận 3. Cứ trưa là anh đến đón cả 2 cháu, đưa ra trạm xe buýt ngay Đài Truyền hình TPHCM để về nhà ăn cơm. Chiều hai chị em lại đi xe buýt lên quận 3 học thêm. 17 giờ tan sở, anh lại đến đón rồi đưa cả hai đi học ca 3, còn anh thì phải ngồi quán cà phê chờ đến 21 giờ 30 đón về. Về tới Thủ Đức, trời đã tối mịt, ngày nào cũng vậy! Nhiều phụ huynh khác mà chúng tôi gặp tại các cổng trường hay các điểm dạy thêm, ai cũng lắc đầu với chung một nỗi băn khoăn: Cả xã hội đang bị cuốn vào chuyện học thêm, nhưng để đối phó nhiều hơn là trang bị kiến thức.
Cát Tường - Thu Hường