Học tập, làm theo tư tưởng, phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh

Tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định
Học tập, làm theo tư tưởng, phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh

Tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định

Nhân kỷ niệm 70 năm thành lập ngành ngoại giao (28-8-1945 - 28-8-2015), chào mừng 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, chiều 22-8, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gặp mặt thân mật đại diện các thế hệ cán bộ ngoại giao qua các thời kỳ. Tham dự cuộc gặp mặt có các đồng chí lãnh đạo Bộ Ngoại giao qua các thời kỳ, đại diện hơn 2.000 cán bộ ngoại giao đã nghỉ hưu và gần 2.400 cán bộ ngoại giao đang công tác, đã có nhiều đóng góp quan trọng vào thành công của ngoại giao Việt Nam.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các cán bộ ngoại giao tiêu biểu qua các thời kỳ.

Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh bày tỏ niềm vinh dự, tự hào của ngành ngoại giao luôn được Đảng, Bác Hồ quan tâm, chỉ đạo trực tiếp ngay từ những ngày đầu thành lập. Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên, người đặt nền móng cho ngoại giao cách mạng Việt Nam.

Ngành ngoại giao đã nỗ lực phấn đấu, đạt nhiều thành tựu, phục vụ đắc lực công cuộc xây dựng và phát triển đất nước; đó cũng là kết quả của việc phát huy sức mạnh tổng hợp của cả ba trụ cột: đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân. Được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, ngành ngoại giao đã đạt được những thắng lợi hết sức quan trọng từ việc ký kết Hiệp định Geneva 1954, Hiệp định Paris 1973, phá thế bao vây cấm vận những năm 80-90 của thế kỷ trước, mở rộng quan hệ đối ngoại, thiết lập các khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với các nước láng giềng, các nước quan trọng trên thế giới, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế Việt Nam trong khu vực và trên thế giới, tạo dựng môi trường hòa bình để xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc.

Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi lời thăm hỏi chân thành, thân thiết nhất tới đội ngũ cán bộ ngoại giao; đồng thời cảm ơn những tình cảm chân thành, sâu sắc và trách nhiệm của các thế hệ cán bộ ngoại giao đối với sự nghiệp chung của Đảng, của dân tộc.

Tổng Bí thư lưu ý, trong giai đoạn sắp tới, tình hình khu vực và thế giới tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, bên cạnh thời cơ, thuận lợi, cũng có không ít khó khăn, thách thức; đất nước hội nhập càng sâu rộng, ngành ngoại giao càng cần phát huy hơn nữa vai trò, vị thế, đóng góp nhiều hơn nữa cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mục tiêu cao nhất của ngoại giao là tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Tổng Bí thư khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi nhất để ngành ngoại giao hoàn thành tốt sứ mệnh của mình.

Văn hóa là sức mạnh trường tồn

Cùng ngày, tại Hà Nội, Bộ VH-TT-DL tổ chức kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành văn hóa (28-8-1945 - 28-8-2015), đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ 2 và Đại hội thi đua yêu nước lần thứ 2-2015. Đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, thay mặt Đảng, Nhà nước đã gắn Huân chương Hồ Chí Minh lên lá cờ truyền thống của ngành văn hóa.

Đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, cùng lãnh đạo Bộ VH-TT-DL tại buổi lễ.

Tới dự và chúc mừng ngành văn hóa, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Trải qua 70 năm trưởng thành và phát triển, ngành văn hóa đã luôn nỗ lực làm tròn sứ mệnh của đội quân xung kích trên mặt trận văn hóa tư tưởng, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong các cuộc kháng chiến vệ quốc, văn hóa văn nghệ là vũ khí, là sợi dây tinh thần kết nối giữa hậu phương với tiền tuyến góp phần khắc họa hình ảnh của một dân tộc đại nghĩa, anh hùng và đậm nét văn hóa với sức mạnh chẳng kẻ thù nào ngăn nổi bước ta đi tới hòa bình, độc lập, tự do. Trong hòa bình, văn hóa là động lực phát huy nguồn lực của đất nước, là sức hấp dẫn và lợi thế trong hợp tác, hội nhập quốc tế.

Gần 70  năm qua, lời kêu gọi “Thi đua ái quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn là động lực tinh thần to lớn để người người thi đua, ngành ngành thi đua, nhà nhà thi đua trên tất cả các mặt của đời sống xã hội. Trong đó không thể không nói tới vai trò quan trọng của ngành văn hóa với các phong trào “Tiếng hát át tiếng bom”, “Người tốt việc tốt”, “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”... Những phong trào này đã góp phần phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam đáp ứng nhu cầu phát triển trong tình hình mới. Từ các phong trào thi đua, xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến được xã hội phấn đấu noi theo.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: Văn hóa là nền tảng tinh thần, là sức mạnh trường tồn của cả dân tộc. Văn hóa Việt Nam hiển hiện trong di sản vật thể, phi vật thể, trong mỗi con người và toàn thể dân tộc ta. Ngày nay, người Việt Nam vinh dự và có trách nhiệm được thừa kế một nền văn hóa rực rỡ, với những di sản vô giá không chỉ với dân tộc mà với cả nhân loại. Phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và xây dựng con người Việt Nam là nhiệm vụ không chỉ trong một thời gian mà là hàng ngày, hàng giờ, từng phút, từng khoảnh khắc và mãi mãi.

NHÓM PV

Tin cùng chuyên mục