
Tại Hội thi “Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM tổ chức, có một cựu quân nhân mái tóc màu muối tiêu với câu chuyện “Đôi dép và chiếc ô tô” đã thu hút sự chú ý của nhiều người.
“Đôi dép cũ nhưng còn “thọ” lắm!”

Ông Vũ Đình Chiến (quận Bình Tân) thi kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Bằng chất giọng truyền cảm, ông Vũ Đình Chiến (quận Bình Tân, TPHCM) kể lại lời của Bác:
“Các cháu nói đúng nhưng chỉ đúng một phần. Đôi dép của Bác đã cũ nhưng nó chỉ mới tụt quai, cháu đã chữa lại chắc chắn cho Bác thế này thì còn “thọ” lắm. Mua đôi dép khác chẳng đáng là bao, nhưng khi chưa cần thiết cũng chưa nên. Ta phải tiết kiệm vì đất nước ta còn nghèo…”.
“Đôi dép của Bác “ra đời” vào năm 1947, được làm từ một chiếc lốp ô tô quân sự của thực dân Pháp bị bộ đội ta phục kích ở Việt Bắc. Bằng đôi dép ấy, Bác đã lội ruộng, băng đồng thăm bà con nông dân đang cày cấy trên các cánh đồng rét mướt. Cũng đôi dép ấy, Bác đã đi thăm gia đình thương binh, liệt sĩ ở những nơi xa xôi, cách trở. Rồi đôi dép lại đồng hành cùng Bác trong những chuyến đi công tác nước ngoài. Nhiều người thân cận với Bác đã từng đề nghị Bác đổi dép nhưng Bác đều gạt đi và nói: Đất nước ta còn nghèo…”.
Câu chuyện trên đã được ông Vũ Đình Chiến kể suốt từ hội thi tổ chức ở phường Bình Hưng Hòa A, rồi cấp quận, cấp TP và cả ở những hội thi do các đoàn thể tổ chức. Ở cuộc thi nào cũng vậy, câu chuyện tuy không mới nhưng vấn đề mà ông đưa ra lại luôn mới. Đó là chuyện cần, kiệm, liêm, chính của Bác mà mỗi người phải học tập và thực hiện theo.
Ông tâm sự: “Tôi chọn câu chuyện này vì việc chống tham nhũng lãng phí, tham ô luôn là điều mà tôi quan tâm. Nhất là khi đất nước ta còn chưa giàu thì mỗi người dân càng cần phải tiết kiệm hơn bao giờ hết”.
Bài học của Bác sống mãi với thời gian
Là một người “vác tù và” có tiếng ở địa phương với một loạt các chức danh như: ủy viên BCH Hội Cựu chiến binh, thành viên tổ hòa giải, cán bộ mặt trận của khu phố rồi tổ trưởng tổ cán sự tình nguyện, ông Vũ Đình Chiến vẫn dành thời gian để làm “báo cáo viên” tại các buổi sinh hoạt ở Câu lạc bộ Ông bà cháu ở khu phố.
Những câu chuyện mà ông hay đem ra kể tại các buổi sinh hoạt này thường là những mẩu chuyện về Bác. Đó là câu chuyện mà ông mày mò, tìm tòi khá công phu từ sách báo, Internet.
Ông tâm sự: “Mình phải đem vốn hiểu biết của mình giáo dục, vận động tuyên truyền cho thế hệ trẻ hiểu biết sâu rộng hơn về Bác, nhất là những câu chuyện về tấm gương của Bác để đám nhỏ học theo”.

Ông quan niệm, nói phải đi đôi với làm. Vì thế, học tập qua những mẩu chuyện về Bác, ông cũng áp dụng vào cuộc sống hàng ngày của mình. “Mình kể chuyện về Bác mà không làm gương học tập theo Bác thì ai nghe và có nghe người ta cũng sẽ nói mình là - nói thì ai chả nói được, nhưng có làm không kìa!”, ông tâm sự.
Quan trọng nhất với ông vẫn là chuyện tiết kiệm. Tiết kiệm điện của Nhà nước khi tổ chức hội nghị; rồi khi tổ chức các hoạt động lễ lạt ở địa bàn cũng phải đặt tiết kiệm lên làm đầu. Còn ở nhà, ông luôn đem câu chuyện Bác Hồ tiết kiệm cơm nguội cũ để nấu cháo ăn thay cơm khi đất nước ta còn chiến tranh để kể cho con, cháu nghe.
Ông Chiến kể: “Từ ngày phát động cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tại địa phương, tôi thấy hội hè đình đám, tiệc tùng ở địa phương cũng giảm hẳn. Cán bộ, đảng viên cũng bắt đầu chuyển biến, tiết kiệm điện nước của Nhà nước hơn trước. Nhất là ở các cơ quan, khi không sử dụng, đèn đều được tắt đi. Ở khu phố tôi, cũng đã xuất hiện nhiều tấm gương người tốt việc tốt cần kiệm, siêng năng. Đó chính là thành công lớn nhất…”.
Ông rất tâm đắc câu nói của đồng chí Phan Xuân Biên, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM tại lễ khai mạc Hội thi Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh: “Mỗi thí sinh ở đây ngoài việc kể chuyện về Bác thì sau này ở địa phương, họ chính là những báo cáo viên, đem những mẩu chuyện về Bác tuyên truyền cho mọi tầng lớp nhân dân cùng hiểu và học tập theo tấm gương của Người”.
Để trở thành “báo cáo viên” chuyên đề về Bác, hàng ngày công việc của người cựu quân nhân lái xe trên chiến trường Tây Nguyên năm xưa không chỉ là sưu tầm, tìm tòi tư liệu về Bác mà còn học tập theo Bác từ những điều nhỏ nhất. Từ việc nấu nồi cơm vừa đủ ăn cho đến việc với tay tắt đèn, tắt quạt tại công sở khi không cần thiết. Bài học của Bác luôn luôn mới mẻ, sống mãi với thời gian…
THẠCH THẢO