Bởi vì tuyển bóng đá quốc gia xứ mình sắp có huấn luyện viên mới, cho nên nhựt trình, tạp chí, tivi, báo mạng... những ngày qua bàn tán xôn xao. Càng bàn, càng thấy rối nùi. Vì phương án tùm lum, chẳng cái nào giống cái nào, nhưng ai cũng gân cổ lên cãi “chuyện này đã chắc 90%”.
Rốt cuộc thì thế nào huấn luyện viên cũng được chọn thôi. Và dù ổng đến từ xứ nào, bao nhiêu tuổi, có thành tích lẫy lừng hay chỉ lưng lửng, ổng cũng phải học một số từ mới mang tính đặc thù chẳng giống ai tại làng bóng nằm ở cái ao Đông Nam Á. Đó là:
– Đá banh trên bàn: ở đây người ta nhiều khi “đá chính” lúc nhậu, ngoắc tay, nháy mắt, cười đểu. Ra sân là đá chơi cho đủ tụ thôi.
– Hợp tác xã: câu lạc bộ yếu thì bị quây đánh te tua; cầu thủ lên tuyển mà không có “rơ, cạ” thì bị cô lập, giống như tình trạng không phải... xã viên.
– Bẻ còi: dù còi làm bằng chất dẻo hay chất cứng thì đều có thể quặt quẹo trong một số tình huống bỗng nhiên nhạy cảm.
– Ghế ba chân: cầu thủ luôn nắm chân còn lại.
– Nhà trẻ: đó là phương pháp quản lý cầu thủ phổ biến nhất.
– Giống ngắn ngày: không cần làm gì căn cơ, cứ mang thành tích về là được. Nếu không, chính huấn luyện viên cũng trở thành “ngắn ngày” vì bị sa thải sớm.
– Lặn: động tác phổ biến của cán bộ khi có sự cố.
Trở ngại lớn nhất khi học từ mới là không ai dịch được chính xác những từ này!
TƯ QUÉO