Năm 1942, từ khi chưa giành được chính quyền, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã căn dặn:
Dân ta phải biết sử ta
Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam
Nhưng thời gian qua, xã hội lấy làm lo ngại trước việc một bộ phận thanh thiếu niên không hiểu biết lịch sử nước nhà, trong trường học môn Lịch sử bị xem nhẹ, học sinh chán học, học qua loa chỉ cốt để trả bài. Thậm chí cả người có trách nhiệm trong ngành giáo dục cũng từng nhận xét rằng, học sinh thi rớt nhiều ở môn sử cũng là chuyện bình thường vì các nước khác cũng thế (!).
Lịch sử là sợi dây nối quá khứ với hiện tại và soi sáng cho tương lai. Nhìn vào lịch sử, với những trang bi tráng, người đời sau tự hào về cha ông, từ đó có thêm năng lượng tinh thần đóng góp sức mình cho quê hương, đất nước. Còn khi đối diện với những thời đoạn khó khăn, nước mất nhà tan, đồng bào chịu thân phận nô lệ thì lòng ta thấy rưng rưng, những muốn được chia sẻ số phận với tiền nhân. Hết thế hệ này đến thế hệ khác người trước ngã xuống người sau đứng lên làm nên lịch sử dân tộc.
Trong dòng chảy của lịch sử, có những con người đã làm rạng danh non sông ta, đất nước ta. Chúng ta tự hào có Bà Trưng, Bà Triệu; tự hào có các triều đại Đinh - Lê - Lý - Trần; tự hào có những anh hùng vô danh mang gươm đi mở cõi. Và chúng ta cũng vô cùng căm phẫn những kẻ mang trọng trách quốc gia nhưng lại “cõng rắn cắn gà nhà”, “rước voi về giày mả tổ”.
Nhìn vào lịch sử nước nhà, có rất nhiều nhân vật kiệt xuất mà số phận không khỏi thăng trầm. Đại thi hào Nguyễn Trãi - Danh nhân văn hóa thế giới, khi đầu xanh tuổi trẻ từng lội bộ tiễn cha tới tận ải Nam Quan khi cha ông bị giặc phương Bắc bắt. Rồi sau đó, thù nhà nợ nước phải báo đền, Nguyễn Trãi đã tìm đến với nghĩa quân Lam Sơn, dâng Bình Ngô sách cho Lê Lợi, cùng những người lính áo vải chân trần làm một cuộc chiến tranh giải phóng ròng rã gần chục năm trời, cho đến khi ngoại bang thất bại rút về và lúc đó “Cáo bình Ngô” vang lên như một bản Tuyên ngôn độc lập lần thứ hai của nước nhà. Nhưng chốn quan trường không đơn giản, sau đó bậc đại công thần bị thất sủng, phải lui về “một góc thành Nam” ẩn dật với tấm lòng đau đáu thương nước thương dân. Ông lên núi Phượng Hoàng lánh xa cõi tục nhưng vẫn không yên để rồi cuối đời lại dính cái vạ “lệ chi viên” oan khốc...
Nhắc lại chuyện này để nhớ rằng việc viết sử, dạy sử, học sử không được khô khan và thiếu trung thực. Lịch sử không chỉ là những con số, ngày tháng, những sự kiện mà cần nêu bật được danh phận, công trạng, tài năng, thái độ sống của những cá nhân đã từng góp phần quan trọng tạo ra bước ngoặt thời thế, thúc đẩy dòng chảy lịch sử trở nên mãnh liệt. Sự kiện phải gắn với con người thì những bài học lịch sử mới sống động. Học và hiểu lịch sử để biết rằng dù một dân tộc lớn đến đâu cũng không được quyền rẻ rúng bất cứ một dân tộc nào dù là nhỏ bé nhất và một dân tộc dù bé nhỏ nhưng kiên cường, đoàn kết một lòng và chính nghĩa thì không một kẻ thù nào cóù thể khuất phục.
Vì thế, thật vui khi mới đây tại Văn Miếu - Quốc Tử giám (Hà Nội), Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã tổ chức trao thưởng cho 211 em đoạt các giải môn Lịch sử trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia bậc THPT năm 2012. Và cũng trong buổi lễ ấy, vị tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp đã gửi lẵng hoa chúc mừng.
NAM VIỆT