Các cơ sở cai nghiện tập trung của TPHCM
Sau nhiều vụ việc học viên quậy phá, trốn trường tập thể ở tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, các cơ sở cai nghiện ma túy của TPHCM đã có nhiều biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn việc xảy ra các vụ việc bất ổn tại đơn vị; tiếp tục chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần của học viên. Theo ghi nhận của chúng tôi tại các cơ sở cho thấy, hiện nay, tình hình tư tưởng học viên không có biểu hiện bất ổn.
Công khai chế độ chính sách
Trung tâm Chữa bệnh Đức Hạnh đang quản lý, chăm sóc 1.183 học viên. Gần 65% học viên có tiền án, tiền sự và trên 46% từng sử dụng ma túy tổng hợp, có biểu hiện bất ổn về tâm lý nên gặp khó khăn trong quản lý. Ông Nguyễn Hữu Tài, Giám đốc Trung tâm, cho biết qua các vụ học viên quậy phá, trốn trường tập thể ở các tỉnh, trung tâm đã có nhiều biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn xảy ra các vụ việc bất ổn. Các thành viên ban giám đốc được phân công trực tiếp phụ trách mỗi khu quản lý học viên, thường xuyên nắm bắt tâm tư tình cảm của học viên để giải quyết triệt để những phát sinh, vướng mắc. Phòng bảo vệ được tăng cường lực lượng.
Học viên cai nghiện ma túy học nghề đan ghế tại Trung tâmCai nghiện ma túy Bố Lá (tỉnh Bình Dương) Ảnh: Dũng Phương
Theo ông Nguyễn Hữu Tài, quan trọng và cơ bản nhất là các giải pháp “mềm” - giáo dục, quan tâm hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần cho học viên, người sau cai nghiện. Trung tâm Đức Hạnh luôn đảm bảo các chế độ do ngân sách nhà nước cấp, thường xuyên công khai tài chính, chế độ lương thực, thực phẩm cho học viên. Bên cạnh đó, trung tâm còn tăng gia rau xanh để bổ sung vào khẩu phần ăn, nhằm cải thiện chất lượng bữa ăn hàng ngày của học viên. Hàng tháng, trung tâm đều lấy phiếu dân chủ theo từng chủ đề về chế độ ăn uống, thời gian lao động, học tập… Đơn giản như ăn món gì hàng tuần, đều do học viên quyết định, báo lại nhà bếp để chuẩn bị nguyên liệu. Chính việc tiếp nhận thông tin và thực hiện tốt quy định về tiếp công dân, đối thoại, dân chủ với học viên nên đã góp phần ổn định tư tưởng học viên, giải đáp kịp thời các thắc mắc.
Tại Trung tâm Giáo dục - lao động và bảo trợ xã hội Phú Văn, ông Đỗ Thế Minh, Giám đốc trung tâm, cho biết thời gian gần đây, trung tâm đẩy mạnh công tác giáo dục, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của học viên. Song song với công khai minh bạch các thủ tục, chế độ của học viên, việc lấy phiếu dân chủ thay vì 1 tháng thực hiện 1 lần thì giờ đây được tăng lên 2 lần nhằm hiểu thêm nguyện vọng của học viên, nhất là những học viên mới đến trung tâm và những học viên cá biệt, từ đó kịp thời tư vấn, động viên. Ông Đỗ Thế Minh cho hay, trung tâm còn chú trọng tạo môi trường xanh, sạch, thân thiện và gần gũi. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe cho học viên được duy trì thường xuyên. Cán bộ trung tâm thường phối hợp với thân nhân gia đình học viên tư vấn giáo dục, động viên giúp đỡ học viên chấp hành tốt quy định, yên tâm học tập, rèn luyện. “Liên tục từ 2015 đến nay, trung tâm luôn đảm bảo tốt tình hình an ninh trật tự, không có tình trạng trốn trường. Học viên ổn định tư tưởng, chấp hành tốt nội quy, không xảy ra các trường hợp xung đột”, ông Đỗ Thế Minh chia sẻ.
Học chữ, học nghề
Trong hành trình giành lại từng con người trước cám dỗ của ma túy, việc nâng cao trình độ văn hóa, tay nghề cho học viên luôn được chú trọng. Tại các trường và trung tâm, tất cả học viên trong độ tuổi đi học, có khả năng tiếp thu, có sức khỏe đảm bảo đều được tham gia các lớp học văn hóa, học nghề. Ông Hồ Văn Méo, Giám đốc Trung tâm Giáo dục lao động xã hội Phú Đức (quản lý 758 học viên), cho biết trong năm, trung tâm mở được 11 lớp học chữ và 11 lớp học nghề cho hơn 500 học viên. Trung tâm còn tổ chức hội thi tay nghề giỏi về nghề tin học và sửa xe gắn máy trong học viên. Tại Trung tâm Phú Nghĩa, năm 2016, cơ sở này đã phối hợp với Trung tâm Giáo dục thường xuyên Gia Định tổ chức xóa mù chữ và phổ cập tiểu học cho 236 học viên. Đặc biệt, phối hợp tổ chức dạy nghề may công nghiệp và qua đó, 180 học viên đã được cấp chứng chỉ sơ cấp nghề ngay tại trung tâm cai nghiện.
Học viên cai nghiện ma túy học nghề (phần lý thuyết)tại Trung tâm Chữa bệnh Đức Hạnh (Bình Phước) Ảnh: Dũng Phương
Giúp học viên an tâm trị bệnh, các trường, trung tâm đã tổ chức sản xuất trị liệu và tạo nguồn thu nhập cho học viên. Hiện nay, 100% học viên có đủ sức khỏe được tạo thu nhập ổn định, đạt khoảng 600.000 đồng/người/tháng. Học viên được hưởng 100% nguồn thu nhập để tự trang trải chi phí sinh hoạt cá nhân. Cùng với dạy chữ, dạy nghề, các cơ sở cũng quan tâm khen thưởng học viên có thành tích tốt. Mới đây, 60 học viên của Trường 3 đã được khen thưởng nhờ đạt thành tích xuất sắc trong học tập, rèn luyện. Trong đó, có 11 trường hợp đề nghị giảm thời gian cai nghiện. Trong khi đó, Trung tâm Cai nghiện ma túy Bố Lá hàng ngày từ thứ hai đến thứ sáu đều gặp gỡ học viên. Trong buổi sinh hoạt, học viên cập nhật tin tức thời sự, đánh giá, phê bình những hành vi chưa đúng quy định và tuyên dương người tốt việc tốt trong ngày. Trong khi đó, các cơ sở cai nghiện ở cụm Bình Phước cũng đang nghiên cứu tham mưu, thống nhất quy trình xét giảm thời hạn chấp hành thời gian còn lại cho học viên nhằm tạo động lực, khuyến khích học viên học tập và lao động tốt.
MẠNH HÒA
************************************
Quá tải học viên so với cán bộ
Một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay của các trung tâm cai nghiện ma túy tập trung là tình trạng quá tải học viên so với số cán bộ công nhân viên. Hầu hết các cơ sở đều thiếu từ 10 - 50 biên chế và tiếp tục thiếu trầm trọng nếu số học viên gia tăng. Lãnh đạo các cơ sở nói gì về tình trạng này?
Ông TRƯƠNG QUANG NAM - Giám đốc Trường Giáo dục - đào tạo và giải quyết việc làm số 3
Khó tuyển người mới và giữ chân người cũ
Ở ngoài thị trường, lao động thất nghiệp rất nhiều, có thể gọi là có tình trạng thừa lao động, nhưng ở cơ sở cai nghiện, chúng tôi vẫn thiếu cán bộ công nhân viên. Chúng tôi đang quản lý 1.254 học viên và có xu hướng tăng thêm, nhưng đội ngũ chỉ có 152 cán bộ công nhân viên. Việc tuyển dụng nhân sự gặp nhiều khó khăn do thu nhập thấp, áp lực công việc lại nặng nề, tính chất nguy hiểm. Chế độ chính sách cho cán bộ công nhân viên làm công tác quản lý, cai nghiện ma túy bao nhiêu năm nay dậm chân tại chỗ. Trong khi đó, “mác” thanh niên xung phong được các doanh nghiệp rất thích, cán bộ ở đây ra ngoài làm cho doanh nghiệp được lương cao hơn nhiều. TPHCM giờ cho thêm biên chế cũng khó tuyển. Tuyển người mới cực khó, giữ chân người cũ - lao động có kinh nghiệm, càng khó hơn.
Ông NGUYỄN THIỆN ĐÀI - Giám đốc Trung tâm Cai nghiện ma túy Bố Lá
Nhiều bảo vệ lương chỉ có hơn 3 triệu đồng/người/tháng
Trung tâm Bố Lá là đơn vị quản lý đối tượng cai nghiện ma túy thuộc diện cá biệt, đặc thù (người nghiện ma túy có tiền án, tiền sự) nên trung tâm đặt mục tiêu hàng đầu là phải đảm bảo tốt an ninh trật tự. Trung tâm tăng cường bố trí trực gác nghiêm ngặt hơn, yêu cầu cán bộ công nhân viên nâng cao ý thức trách nhiệm hơn trong công việc. Tình hình an ninh trật tự toàn trung tâm thời gian qua ổn định, không để xảy ra các trường hợp trốn trung tâm. Trách nhiệm hết sức nặng nề, tính chất công việc khó khăn, phức tạp, thường phải ở lại đơn vị để làm việc và trực gác, nhưng thu nhập của cán bộ công nhân viên chức thì thấp hơn nhiều so với làm việc cho công ty, xí nghiệp. Toàn bộ diện tích trung tâm chỉ có 1,5ha, không có nơi rộng rãi để tăng gia sản xuất nên điều kiện cải thiện đời sống, tăng thêm thu nhập của đơn vị còn khó khăn và thu nhập của từng cán bộ công nhân viên không cao. Đặc biệt, những người làm bảo vệ, phục vụ, lương chỉ hơn 3 triệu đồng/người/tháng. Đề nghị TP có chính sách hỗ trợ cho số cán bộ công nhân viên này.
Ông HOÀNG LIÊN SƠN - Giám đốc Trung tâm Giáo dục lao động xã hội Phú Nghĩa
Bác sĩ thành tài thường… bay mất
Học viên cai nghiện ma túy thường có sức khỏe không tốt. Trung tâm chúng tôi đang điều trị ARV cho 65 trường hợp là học viên nhiễm HIV. Tuy nhiên, cả trung tâm chỉ có 9 người túc trực hàng tuần, trong đó chủ yếu là y sĩ, điều dưỡng. Việc tuyển và giữ chân cán bộ công nhân viên rất khó, đặc biệt là bác sĩ. Không tuyển được bác sĩ, chúng tôi cử người tại chỗ đi học bác sĩ nhưng rồi khi học thành tài, họ cũng… nghỉ mất. Hiện nay, trung tâm có 1 người đang đi học bác sĩ, có mặt ở trung tâm chỉ còn y sĩ, điều dưỡng và 1 dược sĩ.
Ông NGUYỄN HỮU TÀI - Giám đốc Trung tâm Chữa bệnh Đức Hạnh
Cần có nhà công vụ cho hộ gia đình cán bộ công nhân viên
Bộ máy biên chế của trung tâm chưa được bổ sung kịp thời, số cán bộ công nhân viên còn quá “mỏng” so với biến động tăng quân số học viên quản lý, nên trung tâm gặp rất nhiều khó khăn. Theo Thông tư 21/2008, hiện chúng tôi còn thiếu 50 biên chế. Đặc biệt, nơi ăn ở của cán bộ công nhân viên chức rất xập xệ, thiếu thốn và không có nhà ở cho hộ gia đình. 15 năm trước, khi trung tâm được thành lập tại huyện Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước), trung tâm được thiết kế có dãy nhà tập thể dành cho cán bộ công nhân viên ở TPHCM tới làm việc và người ở địa phương công tác trong trung tâm (do tính chất công việc luôn đòi hỏi phần lớn cán bộ công nhân viên chốt trực làm nhiệm vụ). Sau 15 năm, đến nay đã có hơn 30 cặp gia đình cán bộ công nhân viên, cùng với đó là hơn 30 cháu nhỏ. Các hộ gia đình này không có nhà ở công vụ, buộc phải ở trong nhà tập thể vốn được thiết kế cho người chưa lập gia đình. Điều kiện học tập, sinh hoạt, vui chơi giải trí của các cháu nhỏ khó khăn. Chúng tôi mong muốn được TP xem xét, hỗ trợ nhà ở công vụ, giúp các hộ gia đình yên tâm công tác, con em có điều kiện học hành.
ĐƯỜNG LOAN (ghi)