Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC: Hướng tới cân bằng thương mại

Theo AFP, ngày 6-11, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính của 21 nền kinh tế thuộc Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) họp tại Kyoto, Nhật Bản đã thông qua Tuyên bố chung và Báo cáo Kyoto về Chiến lược tăng trưởng và tài chính của khu vực APEC để trình lên Hội nghị cấp cao APEC, dự kiến sẽ khai mạc vào ngày 13-11 tới ở thành phố Yokohama.
Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC: Hướng tới cân bằng thương mại

Theo AFP, ngày 6-11, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính của 21 nền kinh tế thuộc Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) họp tại Kyoto, Nhật Bản đã thông qua Tuyên bố chung và Báo cáo Kyoto về Chiến lược tăng trưởng và tài chính của khu vực APEC để trình lên Hội nghị cấp cao APEC, dự kiến sẽ khai mạc vào ngày 13-11 tới ở thành phố Yokohama.

Tại hội nghị, các bộ trưởng và quan chức tài chính của 21 nền kinh tế thành viên APEC cùng đại diện của các tổ chức tài chính quốc tế như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tập trung thảo luận các biện pháp nhằm đảm bảo sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và sự lành mạnh của nền tài chính công, giải quyết tình trạng mất cân đối trong thương mại và hợp tác để chống phá giá tiền tệ.

Từ trái sang, Bộ trưởng Tài chính Singapore Tharman Shanmugaratnam, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Yoshihiko Noda và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC.

Từ trái sang, Bộ trưởng Tài chính Singapore Tharman Shanmugaratnam, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Yoshihiko Noda và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC.

Tuy nhiên, qua 2 ngày họp, các bộ trưởng không thể thống nhất đề nghị của Mỹ, theo đó đề ra cụ thể tỷ lệ thâm hụt và thặng dư mậu dịch so với GDP của từng nước. Mỹ đã đưa ra đề xuất cho rằng Nhóm G-20 cần phải quy định mức trần thặng dư và thâm hụt tài khoản vãng lai đối với mỗi nền kinh tế thành viên ở mức 4% trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2015 nhằm đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững trên toàn thế giới. Vấn đề này đã không được đưa vào thông báo chung.

Trong thông báo chung, các bộ trưởng tài chính APEC cho rằng “nền kinh tế toàn cầu đang phục hồi từ cuộc khủng hoảng tài chính nhưng vẫn còn nhiều rủi ro. APEC cam kết dùng nhiều chính sách phối hợp để giảm mất cân bằng mậu dịch, đồng thời thúc giục các nền kinh tế thâm hụt mậu dịch từng bước gia tăng tiết kiệm và giảm thâm hụt ngân sách để không phải phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu. Ngoài ra các nền kinh tế này phải thúc đẩy nhu cầu nội địa”.

Các nền kinh tế Đông Nam Á cũng bày tỏ quan ngại về đề nghị của Mỹ khống chế thặng dư mậu dịch, xem đây là cách bảo hộ mậu dịch của Mỹ. Đối với các nền kinh tế châu Á thì bày tỏ quan ngại nhiều bước đi của Washington nhằm giảm giá USD để hưởng lợi xuất khẩu, biến dòng USD ồ ạt đổ vào châu Á để nâng giá các đồng tiền khu vực này. APEC cảnh báo nguy cơ dòng vốn bên ngoài ồ ạt đổ vào các nền kinh tế mới nổi dẫn đến tình trạng bong bóng tài sản.

Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Korn Chatikavanij cho rằng với việc Cục Dự trữ LB Mỹ bơm thêm vào thị trường 600 tỷ USD sẽ làm tăng dòng vốn vào châu Á. Tân Hoa xã dẫn lời các nhà phân tích cho biết, để đối phó với dòng tiền nóng vào nước này, Trung Quốc sẽ siết chặt quản lý tài sản vốn, tăng thêm nhiều quy định như một rào cản để ngăn dòng vốn USD tràn vào.

Bên lề hội nghị, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Yoshihiko Noda và người đồng cấp Timothy Geithner của Mỹ đã nhất trí rằng hai nước này cần phải hợp tác để thực hiện các chính sách nhằm giúp giải quyết tình trạng mất cân bằng thương mại trên thế giới.

Các bộ trưởng APEC cũng đã thảo luận các biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác công - tư trong hoạt động đầu tư và khả năng xây dựng các tuyến đường bộ xuyên biên giới. Hội nghị cũng kêu gọi các nền kinh tế mới nổi không tạo ra các gánh nặng tài chính quá lớn đối với các thế hệ tương lai khi mở rộng hệ thống an sinh xã hội. 

K.MINH

Tin cùng chuyên mục