Hội nghị chất lượng châu Á 2011 - Nhiều kinh nghiệm được chia sẻ

Tiếp cận những kiến thức mới
Hội nghị chất lượng châu Á 2011 - Nhiều kinh nghiệm được chia sẻ

Từ kinh nghiệm thực tiễn của các đoàn quốc tế tham dự, Hội nghị chất lượng châu Á 2011 (ANQ Congress Ho Chi Minh City 2011) đã giúp các doanh nghiệp Việt Nam có cái nhìn toàn diện hơn trong vấn đề quản lý chất lượng được coi là chìa khóa của sự phát triển bền vững.

Vấn đề sống còn

Thật vậy, ANQ 2011 đưa ra thông điệp và công tác quản lý chất lượng phải hướng đến mục tiêu “xanh”, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và chống biến đổi khí hậu. Ông Nguyễn Quang Toản, Chủ tịch Hội Chất lượng TPHCM, cho rằng: “Việt Nam và một số nước đang phát triển đang trong tình trạng phát triển “nóng” nhưng các doanh nghiệp lại bỏ quên chất lượng tăng trưởng. Việc áp dụng các chứng chỉ ISO vào quản lý doanh nghiệp sẽ giải quyết đồng thời 2 vấn đề: Giảm giá thành sản phẩm và nâng cao công tác bảo vệ môi trường sống”.

Các đại biểu dự hội nghị trao đổi trong giờ giải lao. Ảnh: MAI HẢI

Các đại biểu dự hội nghị trao đổi trong giờ giải lao. Ảnh: MAI HẢI

Tiên phong trong lĩnh vực này có thể kể đến Tập đoàn Siam Cement của Thái Lan, là tập đoàn công nghiệp hàng đầu Đông Nam Á với hệ thống quản lý chất lượng toàn diện đạt tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài xác định hướng phát triển dựa trên nguồn nhân lực trình độ cao, quản lý rủi ro hiệu quả, Siam Cement còn quy định các công ty con phải tuân theo chính sách quản trị tài nguyên và môi trường của tập đoàn. Chính sách đó kết hợp chặt chẽ chiến lược 3Rs (Reduce, Reduce/Recycle, Replenish). Reduce là làm giảm nguyên liệu sử dụng; Reduce/Recycle là tái sử dụng các sản phẩm cũ đã qua sử dụng hay những phế liệu và Replenish là lưu trữ hay tìm kiếm những nguồn tài nguyên thay thế để tối thiểu hóa những ảnh hưởng đến môi trường.

Để “Quản lý chất lượng là chìa khóa của sự phát triển bền vững” như chủ đề của ANQ 2011, theo ý kiến các chuyên gia quản lý chất lượng hàng đầu thế giới, nhà nước một mặt phải có cơ chế “rắn”, chỉ mở cửa và cấp phép kinh doanh cho các doanh nghiệp khi họ đã áp dụng đầy đủ các quy chuẩn và tiêu chuẩn về quản lý chất lượng hiện Việt Nam đang áp dụng. Ngoài ra, khuyến khích người tiêu dùng tìm đến những sản phẩm xanh, đạt chất lượng. Khi đó, để sống được, các doanh nghiệp sẽ tự trang bị cho mình những công cụ quản lý chất lượng tiên tiến nhất.

Tăng cường quản lý chất lượng giáo dục

Áp dụng hệ thống ISO quản lý chất lượng trong giáo dục vẫn còn là một điều khá mới mẻ. Số lượng các đơn vị đào tạo có áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ở nước ta đến thời điểm này chưa được 10 đơn vị. Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM được xem là một trong số ít các trường thành công với hệ thống ISO phiên bản 2008 kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO. PGS-TS Đặng Vũ Ngoạn, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm, cho biết: “Áp dụng ISO vào quản lý giáo dục thật sự không khó nếu có sự đồng lòng từ lãnh đạo cho đến nhân viên. Hiện Việt Nam có rất ít đơn vị đào tạo áp dụng ISO 2008 bởi lo ngại tính minh bạch và công khai của hệ thống quản lý chất lượng này”.

Dù có điểm xuất phát chậm hơn Việt Nam rất nhiều, nhưng đến nay lãnh thổ Đài Loan đi trước chúng ta một bước trong vấn đề quản lý chất lượng đào tạo. Ở đây, có hẳn một hệ thống đánh giá chất lượng giảng dạy, độ hài lòng giữa hai đối tượng người dạy và người học, đồng thời các khảo sát được thực hiện 2 lần/học kỳ và trực tiếp công khai trên các website của nhà trường. Giáo sư Tsong Shin Sheu, Trường ĐH Kỹ thuật Nan Kai, lãnh thổ Đài Loan, cho biết sau nhiều năm nghiên cứu và khảo sát thực tế, bản thân ông đã xây dựng các mô hình và phép tính khoa học, chính xác công bằng trong việc đánh giá chất lượng giáo dục lãnh thổ Đài Loan thông qua các yếu tố cảm nhận, đánh giá, hài lòng… Công cụ này hoàn toàn có thể triển khai thành công tại Việt Nam.

Mô hình giáo dục chung châu Á là một trong những điểm nhấn trong Hội nghị ANQ 2011. Đây là mô hình được xây dựng dựa trên sự thống nhất của các thành viên ANQ, với 4 môn học chung, được cấp bằng bởi Hội Chất lượng châu Á và có giá trị tại tất cả các nước là thành viên ANQ. Qua đây, TS Nguyễn Phục Nghiệp, Giám đốc điều hành ANQ Việt Nam, nhận định: “Với mô hình này, chúng ta tin tưởng chất xám của người Việt Nam sẽ được trọng dụng tại các quốc gia tiên tiến, điều này phá vỡ khoảng cách trình độ giữa lao động các nước phát triển và đang phát triển. Trước mắt, mô hình này sẽ triển khai ở bậc trung, dành cho các đối tượng là đốc công để thử nghiệm, trước khi áp dụng ở bậc cao hơn dành cho các giám đốc và kỹ sư chuyên nghiệp”.

TƯỜNG HÂN

Tiếp cận những kiến thức mới

Lần đầu tiên đăng cai tổ chức Hội nghị chất lượng châu Á 2011 (ANQ Congress Ho Chi Minh City 2011), Việt Nam đã khơi gợi sự hứng thú chung của các học giả hàng đầu thế giới. Với chủ đề gợi mở và thiết thực: “Quản lý chất lượng là chìa khóa để phát triển bền vững”, có hơn 500 đại biểu từ 20 quốc gia đã đến lắng nghe và chia sẻ những kinh nghiệm quý giá về nghiên cứu và phát triển triết lý, lý luận, phương pháp và các ứng dụng trong lĩnh vực chất lượng như GS Noriaki Kano (Nhật Bản), Chủ tịch danh dự Hội Chất lượng châu Á; Gregory H. Watson (Mỹ), Viện trưởng Viện Chất lượng thế giới, nguyên Chủ tịch Hội chất lượng Hoa Kỳ; Janak Mehta (Ấn Độ), Chủ tịch Viện Chất lượng thế giới, Chủ tịch Hội Chất lượng châu Á 2009-2010… Còn phía Việt Nam có hơn 300 đại biểu đến từ các tổ chức, doanh nghiệp, trường đại học… và trong số đó có gần 30 báo cáo chuyên đề có chất lượng.

Cần nói rõ, đây không chỉ là diễn đàn quốc tế trình bày các quan điểm, kết quả nghiên cứu, phát triển lý luận mà còn là nơi chia sẻ các ý tưởng và kinh nghiệm trong hoạt động nghiên cứu triển khai khoa học quản lý chất lượng nên ANQ 2011 nhận được nhiều sự quan tâm từ các cấp quản lý cho đến các doanh nghiệp trong nước.

Trong số các doanh nghiệp tham dự ANQ 2011, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) được xem là đơn vị tiên phong tại Việt Nam áp dụng quản lý chất lượng trong sản xuất, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, nhất là áp dụng nghiêm ngặt các hệ thống quản lý chất lượng quốc tế như ISO 9000, ISO 14000, SA 8000, OHSA 18001, WRAP...

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vinatex mong mỏi: “Vinatex trong thời gian tới sẽ thực hiện một chiến lược đầu tư tăng tốc để đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 12%-14%/năm, với nhiều dự án được triển khai đồng bộ, nhằm nâng cao sản lượng cũng như chất lượng sản phẩm. Vì vậy, chúng tôi cần sự chia sẻ kinh nghiệm từ các hội viên ANQ để thực hiện chiến lược đầu tư này tốt nhất, làm sao đảm bảo chất lượng tăng trưởng, hài hòa mối quan hệ giữa doanh nghiệp và xã hội cũng như với môi trường”.

Còn với cơ quan quản lý nhà nước, đây cũng là một cơ hội tiếp cận những kiến thức mới trong quản lý chất lượng. Ông Trịnh Minh Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng TPHCM, cho biết: “Kinh nghiệm và công cụ quản lý từ nước bạn là những điểm để chi cục định hướng cho công tác quản lý chất lượng. Đặc biệt, công cụ sản xuất tinh gọn hay một nền nông nghiệp ghép là những vấn đề mới sẽ được chi cục thảo luận tại hội nghị chất lượng TPHCM trong tháng 11 tới đây. Riêng với ANQ 2011, đây là một trong những hoạt động chính, có tầm ảnh hưởng lớn đến xã hội trong Thập niên chất lượng lần 2 (2006-2015)”.

Tham dự hội nghị, bà Trương Thùy Trang, Phó Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, nhấn mạnh hiện trên thế giới vấn đề biến đổi khí hậu được đặc biệt quan tâm, bởi thế tất cả các dịch vụ, sản phẩm đưa ra phục vụ nhu cầu xã hội cần được kiểm định một cách gắt gao, đó không chỉ là những dịch vụ, sản phẩm có lợi cho sức khỏe của người tiêu dùng mà còn phải “xanh”, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.

Gần đây nhất, sau sự kiện nổ nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 tại Nhật Bản, vấn đề kiểm định chất lượng càng được quan tâm và xem đây là yếu tố quyết định sự phát triển bền vững của xã hội”. Chính vì thế, bà Trang chia sẻ: “Sở KH-CN TPHCM đến với ANQ 2011 như là một dịp để nhìn nhận lại công tác quản lý chất lượng của thành phố trong suốt những năm qua, đồng thời học hỏi các quốc gia mạnh về quản lý chất lượng sản phẩm như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore…”.

BÁ TÂN

Tin cùng chuyên mục