Hội nghị COP21 chật vật vì 2°C

Sau 2 tuần thảo luận và 3 đêm cuối cùng đàm phán liên tiếp không ngừng nghỉ, cuối cùng Dự thảo Thỏa thuận Paris về kiềm chế sự ấm dần lên của trái đất đã được hoàn tất ngày 12-12 và đợi các nhà đàm phán của 195 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới thông qua vào chiều tối cùng ngày, tức sáng nay 13-12 (giờ Việt Nam).
Hội nghị COP21 chật vật vì 2°C

Sau 2 tuần thảo luận và 3 đêm cuối cùng đàm phán liên tiếp không ngừng nghỉ, cuối cùng Dự thảo Thỏa thuận Paris về kiềm chế sự ấm dần lên của trái đất đã được hoàn tất ngày 12-12 và đợi các nhà đàm phán của 195 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới thông qua vào chiều tối cùng ngày, tức sáng nay 13-12 (giờ Việt Nam).

Điều này cho thấy, để Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP21) đạt được thỏa thuận nhằm hạn chế khí thải gây hiệu ứng nhà kính, đe dọa bầu khí quyển của Trái đất, là không hề dễ dàng.

Các nhà lãnh đạo thế giới vui mừng khi Hội nghị COP21 đạt được dự thảo thỏa thuận Paris

Chờ đợi Thỏa thuận Paris

Cũng trong ngày 12-12, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius, người chủ trì các cuộc đàm phán kéo dài gần 2 tuần tại Paris, đã trình lên hội nghị của LHQ về biến đổi khí hậu bản thỏa thuận để các phái đoàn của các nước tham dự nghiên cứu trước khi được thông qua lần cuối tại phiên họp toàn thể. Thỏa thuận này sẽ là bước đột phá trong nỗ lực của LHQ suốt hơn 2 thập kỷ qua nhằm thuyết phục chính phủ các nước hợp tác để giảm lượng khí thải gây ô nhiễm do con người tạo ra mà các nhà khoa học cho rằng đang khiến nhiệt độ của Trái đất gia tăng, đe dọa người dân trên khắp thế giới.

Mặc dù vẫn còn nhiều điều tranh cãi, chủ yếu xoay quanh 3 vấn đề lớn là phân chia trách nhiệm giữa các nước phát triển và đang phát triển, đóng góp tài chính và mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ, song bản Dự thảo thỏa thuận Paris cuối cùng đã nhất trí giới hạn nhiệt độ tăng thêm ở mức dưới 2oC và nỗ lực cho một mục tiêu tham vọng hơn là 1,5°C. Mục tiêu 1,5°C là yêu cầu của hơn 100 quốc gia, không chỉ gồm những nước bị tác hại nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, mà gồm cả Liên minh châu Âu. Trong khi đó, những nước như Saudi Arabia, Nga và Ấn Độ, tức là trong số những quốc gia sản xuất dầu lớn nhất thế giới, thì lại chống lại mục tiêu đó.

Thỏa thuận đồng nghĩa với việc mỗi năm, kể từ năm 2020, sẽ huy động tối thiểu 100 tỷ USD (92 tỷ EUR) để giúp các nước đang phát triển đối phó với hiện tượng ấm lên trên toàn cầu. Một mức tài trợ mới sẽ được ấn định trễ nhất là vào năm 2025. 

Có bền vững và ràng buộc pháp lý?

Mặc dù ngoại trưởng Pháp khẳng định đây là một thỏa thuận công bằng, bền vững và có tính ràng buộc về pháp lý, nhưng sau khi đạt được thỏa thuận rồi thì phải làm sao giám sát việc thực hiện hay có những chế tài thế nào để buộc các nước phải tuân thủ? Khó khăn lớn là sự minh bạch khi mà các nước giàu muốn có một hệ thống duy nhất về đo lường, báo cáo và kiểm tra cam kết của các nước và được đưa vào trong thỏa thuận. Điều này rất quan trọng với Mỹ, nước muốn đảm bảo rằng Trung Quốc cũng được giám sát theo các tiêu chuẩn này. Ngược lại, Trung Quốc và Ấn Độ lại không “hào hứng” với quy định này.

Trong khi các cuộc thương lượng diễn ra căng thẳng trong phòng nghị sự, thậm chí thâu đêm, thì bên ngoài phòng họp, các nhà hoạt động, các tổ chức phi chính phủ vẫn không tin lắm vào việc triển khai thỏa thuận, liệu có tôn trọng và có sự ràng buộc hay không. Tuy nhiên, lạc quan mà nói, cho dù thỏa thuận được thông qua sẽ không tránh khỏi còn nhiều điều chưa như mong muốn, song COP 21 những ngày qua thực sự là sự tụ họp của các nỗ lực chung toàn cầu, với sự tham gia đông đảo chưa từng có của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức dân sự bên cạnh các đại diện quốc gia. Vì các thảm họa của biến đổi khí hậu không phân biệt các đường biên giới, nói như Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon.

HẠNH CHI (tổng hợp) 

Tin cùng chuyên mục