Hội nghị COP21: Tìm kiếm giải pháp hạn chế sự nóng lên toàn cầu

Hội nghị quốc tế thường niên lần thứ 21 của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) sẽ diễn ra tại Paris, Pháp vào tháng 12-2015 với sự tham gia của 195 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Mục tiêu chính của hội nghị này là nhằm tìm ra giải pháp để hạn chế sự nóng lên toàn cầu và hướng đến một thỏa thuận ràng buộc có thể áp dụng từ năm 2020 đối với 195 quốc gia để thực hiện.
Hội nghị COP21: Tìm kiếm giải pháp hạn chế sự nóng lên toàn cầu

Hội nghị quốc tế thường niên lần thứ 21 của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) sẽ diễn ra tại Paris, Pháp vào tháng 12-2015 với sự tham gia của 195 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Mục tiêu chính của hội nghị này là nhằm tìm ra giải pháp để hạn chế sự nóng lên toàn cầu và hướng đến một thỏa thuận ràng buộc có thể áp dụng từ năm 2020 đối với 195 quốc gia để thực hiện.

Hạn chế nóng lên không quá 2°C

Theo nhóm chuyên gia liên chính phủ về biến đổi khí hậu (BĐKH), nhiệt độ bề mặt của trái đất đã tăng trung bình 0,85°C kể từ năm 1880 và dự báo sẽ tăng 0,3-4,8°C từ nay đến năm 2100, tùy thuộc vào sự phát ra của khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Chính vì thế, các quốc gia tham gia Hội nghị COP21 sắp tới sẽ đàm phán một thỏa thuận toàn cầu nhằm hạn chế sự nóng lên không quá 2°C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Hiệp định sẽ ký chủ yếu nhằm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính với mục đích duy trì kịch bản về sự ấm lên không quá 2°C từ nay đến cuối thế kỷ.

Trồng nhiều cây xanh giúp giảm phát thải nhà kính tại các đô thị (Ảnh: Huy Anh)

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn rất ít nước đưa ra cam kết, trong đó các nước nhỏ chưa sẵn sàng cho thỏa thuận tại COP21, vì họ sợ rằng thỏa thuận COP21 có thể kìm hãm tăng trưởng. Các nhà đàm phán của Liên hợp quốc cho biết đến nay vẫn chưa đạt được nhiều tiến bộ hướng tới một thỏa thuận toàn cầu. Hiện 2 nước có phát thải lớn lượng khí gây hiệu ứng nhà kính là Trung Quốc và Mỹ đã đưa ra mục tiêu giảm 26% đến 28% lượng khí thải vào năm 2025 so với năm 2005. Liên minh châu Âu cũng cam kết sẽ hạn chế ít nhất 40% lượng khí thải từ nay đến năm 2030 so với mức năm 1990. Hiện đã có 58 quốc gia, chiếm hơn 60% lượng khí thải toàn cầu, đưa ra các cam kết của mình, nhưng những đề xuất cắt giảm này không đủ để hạn chế sự nóng lên của khí hậu trái đất chỉ đến 2°C.

Tại Hội nghị COP21, các quốc gia sẽ đàm phán về các mục tiêu và các biện pháp thích ứng với BĐKH như: giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, tài trợ cho các quá trình chuyển đổi năng lượng, chuyển giao công nghệ... Cùng với đó, Hội nghị COP21 cũng nhắm đến một thỏa thuận về tài chính mà Pháp (ứng cử viên duy nhất đăng cai tổ chức COP21) hy vọng có thể đạt được 100 tỷ USD/năm kể từ năm 2020 để giúp các nước nghèo thích ứng với mục tiêu giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Hội nghị mong muốn qua các cuộc đàm phán có thể dẫn đến hành động thật sự của tất cả các nước, để chung tay giải quyết vấn đề BĐKH toàn cầu.

Việt Nam đang xây dựng báo cáo

Ban công tác đàm phán của Việt Nam về BĐKH cho biết, trên cơ sở tất cả các nghiên cứu của Việt Nam từ trước đến nay về vấn đề BĐKH cũng như dự báo phát triển kinh tế, xã hội từ nay tới năm 2030, Việt Nam cũng đã thành lập nhóm công tác phụ trách nghiên cứu, xây dựng và tập hợp các nội dung báo cáo của Việt Nam để chuẩn bị cho Hội nghị COP21. Đặc biệt, trong hội nghị sắp tới, lần đầu tiên Việt Nam sẽ có một gian trưng bày về những tác động của BĐKH tới Việt Nam, bên cạnh các cuộc thảo luận, trao đổi bên lề hội nghị.

Liên quan đến bản báo cáo tại Hội nghị COP21 sắp tới, đại diện nhóm công tác cho hay, một trong những nội dung rất quan trọng tại Hội nghị COP21 là bản báo cáo dự kiến đóng góp do các quốc gia tự xây dựng và đệ trình vì đó là báo cáo đóng góp do quốc gia tự quyết định, tức là cam kết của từng nước tham gia Công ước khung của LHQ về BĐKH (UNFCCC), góp phần làm giảm lượng phát thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu. “Việt Nam đang tích cực chuẩn bị xây dựng và hoàn thiện Báo cáo đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định trình bày tại Hội nghị COP21. Bản báo cáo này đang thu hút sự tham vấn của đông đảo các tổ chức, trong đó có các tổ chức phi Chính phủ vì đây là những cơ quan, đơn vị có tiếp xúc trực tiếp, thường xuyên và hiểu rõ những khó khăn do tình trạng BĐKH gây ra đối với cộng đồng dân cư”- vị này cho hay.

Ban công tác đàm phán của Việt Nam về BĐKH cũng cho biết, Việt Nam đang xếp thứ 31 về tổng lượng phát thải trên thế giới. Với tốc độ phát triển kinh tế hiện nay, lượng phát thải của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng. Nước có lượng phát thải gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất là Hoa Kỳ và Trung Quốc, chiếm tới 40% tổng lượng phát thải thế giới. Theo Ban công tác đàm phán của Việt Nam về BĐKH, Việt Nam đã tham gia đàm phán về chống BĐKH từ 2007 tại Hội nghị Bali, đến năm 2009 dự kiến xong thỏa thuận toàn cầu nhưng không đạt được kỳ vọng nên đã bị chậm lại 6 năm. Do đó, Hội nghị COP21 là hạn chót cho việc đàm phán chống BĐKH. Nếu thỏa thuận được thông qua, Hội nghị COP21 sẽ được áp dụng cho mọi quốc gia và thỏa thuận sẽ dựa trên nguyên tắc trách nhiệm chung nhưng có phân biệt và phù hợp với hoàn cảnh từng quốc gia.

Theo đại diện Tổ chức Oxfam tại Việt Nam, tác động về BĐKH với Việt Nam sẽ khác nhau giữa các nhóm, tuy nhiên những người nghèo thường bị ảnh hưởng nhiều hơn. Chính vì thế, Việt Nam tham gia vào Hội nghị COP21 với kỳ vọng đóng góp vào thỏa thuận quốc tế và để quốc tế thấy Việt Nam dễ bị tổn thương thế nào, từ đó chung tay cùng Việt Nam có các giải pháp hạn chế tác hại của BĐKH. Trong khi đó, không ít ý kiến các chuyên gia về BĐKH cho rằng, Việt Nam là một trong những nước bị ảnh hưởng BĐKH nặng nhất, chính vì thế cắt giảm phát thải gây hiệu ứng nhà kính là việc cần làm ngay, thay vì chờ đợi những hứa hẹn sau Hội nghị COP21. Theo các chuyên gia thì ngoài việc ưu tiên phát triển kinh tế, cũng cần cân nhắc tới vấn đề tiết kiệm năng lượng, giảm GDP đầu người/ lượng phát thải. Ngoài ra, ngay cả những hành động đơn giản như sử dụng đèn LED thay vì đèn huỳnh quang; sử dụng năng lượng sạch, giảm sản xuất điện từ đốt than đá, trồng rừng… sẽ góp phần giảm phát thải nhà kính.

HÀ PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục