Hội nghị hòa bình về Syria: Mờ mịt vì mâu thuẫn nội bộ

Ngày 19-10, Đặc phái viên LHQ về Syria - Lakhdar Brahimi bắt đầu chuyến đi tới Trung Đông với Ai Cập là điểm dừng chân đầu tiên nhằm chuẩn bị cho việc tổ chức một hội nghị quốc tế về Syria.
Hội nghị hòa bình về Syria: Mờ mịt vì mâu thuẫn nội bộ

Ngày 19-10, Đặc phái viên LHQ về Syria - Lakhdar Brahimi bắt đầu chuyến đi tới Trung Đông với Ai Cập là điểm dừng chân đầu tiên nhằm chuẩn bị cho việc tổ chức một hội nghị quốc tế về Syria.

        Nỗ lực bên ngoài

Martin Nesirky, người phát ngôn Tổng Thư ký LHQ, cho biết trong chuyến thăm kéo dài 2 ngày tới Ai Cập, ông L.Brahimi sẽ gặp ngoại trưởng nước chủ nhà để thảo luận về việc chuẩn bị cho Hội nghị Geneva II tại Thụy Sĩ. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon cho biết Hội nghị hòa bình Geneva II về Syria có thể sẽ được tổ chức vào cuối tháng 11. Hội nghị Geneva I được tổ chức tháng 6-2012 đã thông qua Tuyên bố Geneva, trong đó đưa ra kế hoạch cho một sự chuyển giao quyền lực ở Syria nhằm chấm dứt nội chiến.

Trước đó, Ngoại trưởng Anh William Hague tuyên bố nước này sẽ đăng cai hội nghị quốc tế về cuộc xung đột tại Syria vào ngày 22-10 để chuẩn bị cho Hội nghị Geneva II.

Tham dự hội nghị tại London sẽ có các đại diện của phe đối lập Syria và các ngoại trưởng của nhóm gọi là “London 11”, một nhóm chủ chốt của những người bạn của Syria, trong đó có Mỹ, Pháp và Saudi Arabia. Nga sẽ không tham dự hội nghị ở London. Theo ông Hague, các bên sẽ thảo luận về công tác chuẩn bị cho Hội nghị Geneva, cách thức hỗ trợ cho Liên minh Dân tộc Syria đối lập, cũng như các nỗ lực nhằm đạt được một giải pháp chính trị cho cuộc nội chiến nước này.

Trong thông tin liên quan đến việc thanh sát kho vũ khí hóa học tại Syria, Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW) cho biết tính đến ngày 18-10, các thanh sát viên của cơ quan này đã kiểm tra được 14 trong số hơn 20 cơ sở có vũ khí hóa học tại Syria. Chính quyền Damascus đã xác định có tổng cộng 20 cơ sở cần thanh sát nhưng OPCW chưa đưa ra con số chính xác mà chỉ nói rằng có hơn 20 cơ sở phải thanh sát. OPCW cho biết đã hoàn thành việc thanh sát gần 50% kho vũ khí hóa học của Syria.

Các lực lượng đối lập ở Syria không chỉ giao tranh với quân chính phủ mà còn tấn công lẫn nhau để giành ảnh hưởng.

Các lực lượng đối lập ở Syria không chỉ giao tranh với quân chính phủ mà còn tấn công lẫn nhau để giành ảnh hưởng.

        Tranh chấp bên trong

Trong khi LHQ và các nước phương Tây tăng các hoạt động ngoại giao về vấn đề Syria thì các phe phái tại Syria vẫn chưa tìm ra giải pháp xử lý dứt điểm mâu thuẫn nội bộ.

Về chính trị, đại diện liên minh đối lập Syria tại Mỹ ngày 18-10 cho biết, lực lượng này vẫn chưa quyết định có tham gia hội nghị quốc tế nhằm chấm dứt cuộc nội chiến tại Syria hay không. Hội đồng Dân tộc Syria, tổ chức đối lập lớn nhất của Syria ở nước ngoài, cũng đã tuyên bố sẽ từ bỏ liên minh dân tộc của phe đối lập và lực lượng cách mạng Syria, nếu liên minh này tham gia Hội nghị Geneva II. Trả lời phỏng vấn hãng tin RIA Novosti của Nga, lãnh đạo hội đồng, ông George Sabra cho rằng hội nghị quốc tế sắp tới tại Geneva nhằm tìm ra giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Syria sẽ không đem lại kết quả mong đợi. Vì Liên minh dân tộc của phe đối lập và lực lượng cách mạng Syria đã được sự công nhận từ hàng loạt quốc gia Ảrập và phương Tây, tuy nhiên do mâu thuẫn nội bộ nên đã không thể thực hiện công việc một cách hiệu quả.

Về quân sự, lực lượng đối lập Syria và các chiến binh có liên quan đến Al-Qaeda, liên tục tấn công lẫn nhau ở gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria có trụ sở ở Anh cho biết, Nhóm Quốc gia Hồi giáo Iraq và Levant (ISIL) có liên quan đến tổ chức khủng bố khét tiếng thế giới Al-Qaeda đã đánh đuổi các phe nhóm nổi dậy khác ra khỏi Azaz và giành quyền kiểm soát TP biên giới này, khiến Thổ Nhĩ Kỳ phải đóng cửa đường biên giới cách đó 5km. ISIL là nhóm đang muốn sáp nhập Syria vào một quốc gia lớn hơn được cai trị bởi luật Hồi giáo. Mâu thuẫn này có nguồn gốc từ tư tưởng đối lập của các phe nhóm, nhưng phần nhiều là do tranh giành lãnh thổ, chiến lợi phẩm chiến tranh cũng như tranh giành quyền kiểm soát các nguồn lực và nguồn hàng lậu...

VIỆT ANH (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục