Hội nghị kế hoạch ngân sách các trường thuộc Bộ GD-ĐT: Bàn chuyện tránh lãng phí

Chỉ tiêu đào tạo giáo viên giảm
Hội nghị kế hoạch ngân sách các trường thuộc Bộ GD-ĐT: Bàn chuyện tránh lãng phí

Hội nghị kế hoạch ngân sách năm 2013 các trường, các đơn vị trực thuộc Bộ GD-ĐT đã diễn ra ngày 27-12 tại Hà Nội.

Sinh viên ĐH Sư phạm kỹ thuật thực tập ghi bản kẽm trực tiếp từ máy vi tính. Ảnh: Mai Hải

Sinh viên ĐH Sư phạm kỹ thuật thực tập ghi bản kẽm trực tiếp từ máy vi tính. Ảnh: Mai Hải

Chỉ tiêu đào tạo giáo viên giảm

Năm 2012 là năm đầu tiên các trường tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo thông tư số 57/2011/TT-BGDĐT. Kết quả, năm 2012, chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ tăng 34,6%, thạc sĩ tăng 14,3%. Chỉ tiêu đào tạo ĐH và CĐ chính quy tăng nhẹ so với năm 2011 (ĐH tăng 4%, CĐ tăng 6,5%). Chỉ tiêu liên thông ĐH, CĐ và văn bằng 2 trong năm 2012 tăng 23,3% so với kế hoạch năm 2011, trong đó chỉ tiêu vừa làm vừa học là 80.040 và chỉ tiêu liên thông chính quy là 33.460. Chỉ tiêu đào tạo từ xa trình độ ĐH tăng 74,6%; chỉ tiêu vừa làm vừa học trình độ CĐ tăng 81,8%, mặc dù các trường đăng ký tăng nhưng việc tuyển sinh các hệ này trong năm qua là rất khó khăn.

Đáng chú ý, mức tăng chỉ tiêu đăng ký tuyển sinh năm 2012 ĐH, CĐ chính quy nằm trong giới hạn tăng quy mô đào tạo được Quốc hội cho phép (tăng không quá 7%)... Riêng chỉ tiêu đào tạo giáo viên giảm so với kế hoạch năm 2011, chỉ tiêu đào tạo giáo viên trình độ ĐH giảm 5%, trình độ CĐ giảm 2,5%. Điều này phản ánh xu hướng điều chỉnh giảm cơ cấu đào tạo giáo viên của các trường trước thực trạng dư nguồn cung giáo viên trong những năm gần đây.

Bộ GD-ĐT nhận định, việc tăng quy mô đào tạo sau ĐH trong những năm gần đây phù hợp với xu hướng tập trung đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao. Tuy nhiên, việc tăng quy mô đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ trong khi đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ, PGS, GS chưa tăng với tỷ lệ tương ứng về số lượng và chuyên ngành đã ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đào tạo sau ĐH của các trường trực thuộc bộ nói riêng và toàn ngành nói chung.

Trong năm 2012, Bộ GD-ĐT đã tổ chức các đoàn kiểm tra, thanh tra việc tự xác định chỉ tiêu của các trường ĐH- CĐ, trong đó có một số trường trực thuộc Bộ GD-ĐT. Qua kiểm tra, nhiều trường đã đăng ký vượt năng lực quy định tại thông tư 57, nhất là về tiêu chí giảng viên.

Dù đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong việc tuyển dụng, bổ sung đội ngũ giảng viên có trình độ nhằm nâng cao năng lực đào tạo của nhà trường, tuy nhiên, so với quy mô hiện tại, việc bổ sung đội ngũ giảng viên cơ hữu còn chậm, chưa tương xứng, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.

Từ thực tế này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, với những trường vi phạm tuyển sinh, bộ không chỉ xử lý tập thể mà còn xử lý trực tiếp cả người đứng đầu. Với những trường thuộc sự quản lý của các bộ, ngành khác, Bộ GD-ĐT sẽ có công văn yêu cầu các bộ, ngành xử lý kỷ luật, báo cáo về bộ.

Sinh viên ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch TPHCM thực hành trong Phòng Thực tập sinh lý bệnh. Ảnh: Mai Hải

Sinh viên ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch TPHCM thực hành trong Phòng Thực tập sinh lý bệnh. Ảnh: Mai Hải

Tránh lãng phí trong đào tạo

Về dự toán thu - chi ngân sách trong năm 2013, Bộ GD-ĐT cho biết, để tránh lãng phí nguồn ngân sách trong năm tới, với những ngành nghề đào tạo ít có khả năng xã hội hóa mà Nhà nước cần đào tạo (sư phạm, kỹ thuật, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, nông lâm ngư, nghệ thuật..), nhà nước sẽ thực hiện đặt hàng bằng việc cấp kinh phí trên cơ sở tính đủ chi phí đào tạo và có cơ chế sử dụng để đảm bảo hiệu quả nguồn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, tránh lãng phí. 

Đối với ngành đạo tạo có khả năng xã hội hóa cao (kinh tế, tài chính, luật), thực hiện giảm dần sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, đồng thời cho phép các cơ sở đào tạo tự xác định mức thu học phí, đa dạng hóa các nguồn thu của cơ sở đào tạo, tiến tới cơ sở đào tạo tự đảm bảo bù đắp chi phí đào tạo từ nguồn thu học phí, các nguồn thu về nghiên cứu khoa học.

Đối với các hoạt động đào tạo cung cấp dịch vụ gắn với nhu cầu xã hội, các trường được quyết định mức thu giá dịch vụ trên cơ sở tính đủ các chi phí cần thiết cho việc cung cấp dịch vụ, từng bước tiến tới thực hiện cơ chế tài chính hạch toán đầy đủ chi phí đầu vào, đầu ra. Được quyết định chế độ chi trả tiền lương đối với giảng viên và cán bộ gắn với năng suất, chất lượng hiệu quả công việc.

Năm 2013, chỉ tiêu tuyển mới sau đại học tăng khoảng 10%-12% số lượng chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ tăng khoảng 5%. Với hệ đại học chính quy, năm 2013 và những năm tiếp theo sẽ không tăng chỉ tiêu đào tạo, đồng thời điều chỉnh cơ cấu chỉ tiêu giữa các ngành theo hướng giảm chỉ tiêu đào tạo nhóm ngành kinh tế - tài chính, quản trị kinh doanh, tăng chỉ tiêu nhóm ngành kỹ thuật công nghệ, nông lâm, y dược và nghệ thuật.

Đối với hệ liên thông, được xác định tối đa bằng 20% chỉ tiêu đại học, cao đẳng tương ứng. Với chỉ tiêu đào tạo giáo viên sư phạm, bộ cũng cho biết hiện nay với tình trạng thừa giáo viên nên chỉ tiêu sư phạm sẽ giảm dần so với năm trước. Đối với hệ trung cấp chuyên nghiệp, tiếp tục giảm 20%/năm theo lộ trình từng năm và chấm dứt đào tạo trước năm 2017. Cụ thể, trong năm 2013, chỉ tiêu cho bậc đại học là 133.000; trung cấp là 7.200. Đào tạo tiến sĩ trong năm 2013 là 1.350 người, thạc sĩ là 27.000 người.

Bộ GD-ĐT cho biết, năm 2013 là năm đầu tiên thực hiện Luật Giáo dục đại học theo hướng giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm hơn nữa cho các cơ sở giáo dục đại học. Hiện Bộ GD-ĐT đã trình Thủ tướng báo cáo rà soát, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các trường ĐH-CĐ. Trên cơ sở đó bộ sẽ xem xét việc thành lập, sáng lập, sáp nhập, chia tách các trường đại học, trong đó có việc xem xét nghiên cứu đối với việc thành lập phân hiệu của các trường. Như vậy, trong năm 2013 số lượng các trường trực thuộc bộ không thay đổi và chỉ tiêu của các trường vẫn ổn định.

Lâm Nguyên

Tin cùng chuyên mục