Hội nhập bằng chất lượng

"Toàn cầu hóa là ăn gạo Thái Lan, trái cây Trung Quốc, uống bia Tiệp, đi xe Đức sang Campuchia đánh bạc bằng đồng đô la Mỹ”. Xin được mở đầu bằng một định nghĩa vui về toàn cầu hóa trong một mẩu chuyện cười để thấy rằng cách so sánh trên không chỉ dừng lại ở tiếng cười, mà thật sự có ý nghĩa của nó với vấn đề hội nhập hiện nay.

Việc toàn cầu hóa đang tạo ra nhiều thay đổi, cơ hội - lo sợ, buồn - vui lẫn lộn. Cảm giác này không chỉ có ở những quốc gia có nền kinh tế nhỏ, mà những “ông lớn” như Mỹ, các nước EU cũng phải lo ngại điều này. Mỹ sẽ mất 6 triệu lao động, EU cũng mất 2 triệu lao động, một con số dự báo về hệ quả của việc toàn cầu hóa vì các công ty ở Mỹ, EU sẽ chuyển sang nước khác sản xuất trong thời gian tới.

Trở lại câu chuyện toàn cầu hóa ở Việt Nam, chúng ta đang lo ngại hàng ngoại sẽ tràn ngập thị trường trong nước và cuộc cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn ở thị trường nước ngoài. Mẩu chuyện toàn cầu hóa ở trên phần nào cho thấy được điều đó.

Dệt may là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, nhưng đang phải chịu một sự cạnh tranh rất lớn với sản phẩm dệt may của Trung Quốc. Có thể nói, hàng dệt may Việt Nam đang chịu một sức ép lớn về giá cả, chúng ta không thể cạnh tranh về giá rẻ với Trung Quốc.

Vậy làm thế nào để hàng dệt may Việt Nam có thể tiếp cận được thị trường mới, tiềm năng như Mỹ? “Đừng cạnh tranh về giá rẻ, hãy cạnh tranh về chất lượng, các bạn sẽ có cơ hội”, đây là chia sẻ chân thành từ tổng giám đốc các nhà nhập khẩu Mỹ trong dịp tiếp xúc với các doanh nghiệp Việt Nam.

Theo ông, các sản phẩm áo sơ mi, quần dài, quần áo thể thao, đồ lót được tiêu thụ khá mạnh tại thị trường Mỹ, tuy hàng Trung Quốc đã xuất khẩu khá nhiều vào đây nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ.

Đây là cơ hội để doanh nghiệp dệt may Việt Nam tiếp cận, thâm nhập vào thị trường tiềm năng này. Nhưng để làm được điều đó, doanh nghiệp Việt Nam phải có cách riêng để thuyết phục các nhà nhập khẩu Mỹ.

Hơn hết và duy nhất đó là chất lượng sản phẩm. Hãy thuyết phục các nhà nhập khẩu Mỹ bằng cách “Chúng tôi có hàng tốt, chất lượng tốt nhưng giá cao hơn một tí so với hàng Trung Quốc” và kèm theo đó là cam kết giao hàng đúng hẹn (người Mỹ rất coi trọng vấn đề đúng hẹn), chắc chắn nhà nhập khẩu Mỹ sẽ dễ dàng chấp nhận.

MỸ HẠNH

Tin cùng chuyên mục