Góp ý Dự thảo báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hồ chí minh Lần thứ x (2015-2020)
Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TPHCM trong thời gian qua luôn là ngọn cờ đầu của cả nước với những thành tựu nổi bật từ đầu tư mở rộng cơ sở vật chất, nâng cao kỹ thuật và thiết bị dạy học, đến việc thực hiện phổ cập giáo dục các cấp, không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục, xây dựng thành công những mô hình nhà trường tiên tiến hội nhập quốc tế và đang từng bước nhân rộng.
Tuy nhiên, ngành GD-ĐT thành phố vẫn còn gặp không ít những khó khăn như nhận thức đổi mới còn thiếu thống nhất, hệ thống tổ chức quản lý chưa thật sự đồng bộ..., là những trở lực làm chậm tiến trình phát triển, thậm chí làm nhụt chí không ít những nhà quản lý giáo dục trên con đường tiến công đổi mới, thoát ra khỏi lối mòn cố hữu, chậm tiến xưa nay.
Thân thiện, nhiệt tình, gần gũi là những kỹ năng mà ngành GD-ĐT của TPHCM đang hướng tới (học tiếng Anh trong chương trình giáo dục tích hợp của lớp 1, Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1). Ảnh: ĐĂNG KHOA
Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ X (2015 - 2020) đánh giá “giáo dục và đào tạo nhiệm kỳ qua có chuyển biến tích cực” nhưng đồng thời cũng chỉ ra mặt giới hạn là “chất lượng giáo dục đào tạo và nguồn nhân lực chưa tương xứng với yêu cầu phát triển và hội nhập”. Nhận định vừa nêu không phủ nhận công lao của những người đã và đang hết lòng chăm lo sự nghiệp GD-ĐT thành phố, mà là sự yêu cầu cao với quan điểm phát triển để thúc đẩy nhà trường đáp ứng một cách tốt nhất đòi hỏi của cuộc sống hiện nay. Nhưng, điều cần nói ở đây là nhận định vừa nêu khá quen thuộc! Mỗi lần đánh giá là chúng ta đều nghe lời nhận định ấy, chúng ta phải làm gì để cuối nhiệm kỳ này, chúng ta không còn nghe thấy nữa?
Để trả lời câu hỏi, tôi xin kiến nghị “Hội nhập quốc tế phải là một nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục và đào tạo TPHCM trong nhiệm kỳ mới (2015 - 2020)”. Vì đất nước đang phát triển trong xu thế hội nhập quốc tế; khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, loài người như sống gần nhau hơn, con người trong xã hội ngày nay không thể khép kín mà phải cởi mở, năng động và tự tin, có khả năng làm chủ cuộc sống, không thụ động, rập khuôn hoặc chờ thời, dựa dẫm, ỷ lại… Thực tế của xã hội vừa nêu là một thực tế khách quan, chủ quan bảo thủ sẽ không thể tồn tại và tiến bộ được. Nên nhà trường ngày nay phải hội nhập để đào tạo những con người mới đáp ứng. Chuẩn mực đào tạo vốn có của nhà trường xưa nay thì rất nhiều, các chuẩn mực ấy đã góp phần định hướng cho hoạt động dạy và học đạt được những thành tích trong thời gian qua. Nhưng so với yêu cầu hội nhập và phát triển thì còn khá nhiều những bất cập, dẫn đến “chất lượng giáo dục đào tạo và nguồn nhân lực chưa tương xứng với yêu cầu phát triển và hội nhập”. Chúng ta phải hội nhập, tiếp cận, trải nghiệm và phát triển để tương xứng.
Công cuộc đổi mới GD-ĐT nước ta đã đề ra gần 25 năm qua nhưng đến nay vẫn còn những lúng túng nhất định! Chủ trương của Đảng và Nhà nước đã rất rõ ràng về yêu cầu hội nhập quốc tế, đây là vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng cho ngành và cho nhà trường trong việc định hướng, xác định yêu cầu, đề ra lộ trình phát triển, nhanh chóng vượt ra khỏi những vướng mắc, khó khăn do thói quen, sự ấu trĩ hoặc vì ngại khó, sợ trách nhiệm hay vì đặc quyền, đặc lợi mà làm trì trệ tiến độ phát triển của ngành và của nhà trường. Có mục tiêu định hướng, địa phương có điều kiện sẽ đi tắt đón đầu, để sánh vai với các nền giáo dục tiên tiến. Không nên xếp hàng chờ đợi theo những thủ tục chậm tiến. Công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế của GD-ĐT đã được đề ra từ các nghị quyết của Đảng trong suốt các nhiệm kỳ qua và chủ trương của Nhà nước đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phục vụ công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước trong xu thế hội nhập quốc tế, không những là lời hiệu triệu mà còn là những cơ sở pháp lý vững chắc cho công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế của nhà trường, những ai quan tâm đến sự nghiệp GD-ĐT không thể thờ ơ.
TPHCM với vai trò đầu tàu của cả nước và vị trí cửa ngõ vốn có, cùng với truyền thống đi đầu trong công cuộc đổi mới của đất nước và những tiền đề quan trọng về cơ sở vật chất kỹ thuật phát triển, đội ngũ sư phạm trách nhiệm, tâm huyết và những mô hình nhà trường tiên phong hội nhập quốc tế được xây dựng ngay từ sau Đại hội lần thứ VIII của Đảng bộ thành phố và trong suốt nhiệm kỳ IX vừa qua là những điều kiện khả thi để thực hiện nhiệm vụ trọng tâm hội nhập quốc tế trong nhiệm kỳ X này. Từ mục tiêu, yêu cầu, ý nghĩa, cơ sở pháp lý và tính khả thi phân tích trên đây là những yếu tố cơ bản cho sự thành công của nhiệm vụ trọng tâm hội nhập quốc tế của ngành.
Nhiệm vụ trọng tâm hội nhập quốc tế của GD-ĐT TPHCM được Đại hội đề ra sẽ tạo thêm những điều kiện thuận lợi cho công cuộc đổi mới phát triển của ngành, như được sự quan tâm đặc biệt của Trung ương, Bộ GD-ĐT; huy động thêm nhiều nguồn lực của địa phương cho công cuộc chấn hưng giáo dục về cả nhân lực, tài lực và sự đồng thuận của đông đảo phụ huynh học sinh; đồng thời nâng cao sự thống nhất ý chí trong toàn ngành cho sự phát triển chung của nhà trường, đưa trường học TPHCM lên một đẳng cấp mới so với khu vực và thế giới.
Nhân dân TPHCM và đặc biệt là phụ huynh học sinh, những ai đang gửi con em đến trường học tập đều mong muốn con em mình được thụ hưởng một nền giáo dục tiên tiến, ở đó học sinh được tổ chức khoa học để được học tập và rèn luyện toàn diện từ thể chất khỏe mạnh đến trí tuệ thông minh, thấm nhuần sâu sắc những phẩm chất tốt đẹp của dân tộc, tự tin, bản lĩnh, năng động, tiếp nhận tốt những tinh hoa của nhân loại, nhanh chóng đưa đất nước Việt Nam phát triển, rạng danh trong cộng đồng quốc tế. Điều mong muốn cụ thể của phụ huynh học sinh đối với nhà trường là dạy học nhẹ nhàng nhưng sâu sắc, học sinh có điều kiện thực hành trải nghiệm để hình thành nhân cách nhiều hơn là học thuộc lòng sáo rỗng đối phó với những kỳ thi. Đây là phương thức giáo dục của các nền giáo dục tiên tiến mà có người gọi đó là phương pháp dạy học quốc tế. Cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên thì mong muốn có một thiết chế tổ chức nhà trường phù hợp, sĩ số ít trong lớp, các điều kiện hoạt động đầy đủ từ quỹ thời gian đến cơ sở vật chất kỹ thuật và đặc biệt là tiêu chí và phương thức đánh giá khoa học trong quá trình quản lý và dạy học. Đây là những yếu tố cơ bản để thầy cô giáo nhà trường đáp ứng yêu cầu mong muốn của phụ huynh học sinh.
Những mong muốn nói trên đều trong tầm tay của ngành GD-ĐT TPHCM, một khi được Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X đề ra, là một nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ.
Tiến sĩ HUỲNH CÔNG MINH
Nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM