Mặc dù đã có dự báo và chuẩn bị cho những thay đổi trong nền kinh tế khi Việt Nam chính thức gia nhập vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nhưng chỉ mới bước sang tháng thứ ba sau ngày có hiệu lực chính thức (11-1-2007), “hơi nóng” WTO đã lan tỏa khá nhanh trong nền kinh tế Việt Nam, tạo ra “cơn sốt” trong nhiều lĩnh vực.
Thể hiện rõ nhất là ở thị trường chứng khoán (TTCK). Sự tăng trưởng vượt bậc của TTCK Việt Nam (VN) trong thời gian qua đã thu hút đông đảo người dân tham gia, tạo nên “cơn sốt” săn lùng cổ phiếu bằng mọi giá để nhanh chóng làm giàu.
Chỉ cách nhau 2 tuần, TTCK VN liên tục chịu ảnh hưởng từ TTCK thế giới với 2 lần sụt giảm giá, nhưng liền sau đó TTCK VN lại có cuộc đảo chiều ngoạn mục, bất chấp những cảnh báo từ các chuyên gia.
Việc thu hút người người đổ xô vào TTCK đã đẩy nguồn vốn huy động vào TTCK tăng cao ngoài dự kiến. Mục tiêu đạt 3% GDP trong năm 2006 đã tăng vọt lên trên con số 20% GDP. Ngày 1-4 tới đây, khi lĩnh vực tài chính ngân hàng VN chính thức có hiệu lực “mở cửa” theo cam kết WTO, chắc chắn thị trường tài chính, CK ở VN sẽ có nhiều biến động. Điều này cho thấy, các nhà đầu tư CK cần có điểm dừng quyết định, trước khi đối mặt với những rủi ro sẽ phải xảy ra trong thời gian tới.
Sức lan tỏa của “hơi nóng” WTO cũng thể hiện rất rõ ở 3 lĩnh vực: điện tử - viễn thông, ô tô - xe máy và bất động sản (BĐS). Đi liền với cơn sốt chứng khoán là thị trường BĐS. Sau 2 năm trầm lắng, thị trường BĐS đã ấm trở lại để đáp ứng nhu cầu chuyển hướng đầu tư, nhất là do tác động dây chuyền của việc phất lên nhờ CK.
Thị trường ô tô cũng nóng lên để đáp ứng nhu cầu, sở thích của những triệu phú đô la hình thành từ sàn CK. Các nhà sản xuất xe hơi trong nước đang “bất lực” trước thị hiếu mới, người tiêu dùng VN thích mua xe hơi nhập khẩu. VN đang nổi lên là một thị trường tiêu thụ xe hơi khá mạnh trên thế giới.
Theo cam kết về thuế quan, khi VN vào WTO, mặt hàng điện tử sẽ có thuế suất bằng 0%, nhưng các nhà sản xuất vẫn khẳng định, WTO không ảnh hưởng đến giá bán lẻ trên thị trường. Tuy nhiên, thực tế việc giảm giá bán các sản phẩm điện tử 30% - 50% trong tháng đầu năm 2007 ở các siêu thị, trung tâm điện tử, điện máy TPHCM không nằm ngoài nhận định trên.
Trong khi các phương tiện truyền thông nước ngoài liên tục đăng tải, phát đi những hình ảnh thay đổi, thành công, tiềm năng phát triển của nền kinh tế VN, sự tăng trưởng trong 3 tháng đầu sau khi vào WTO đã tạo ra nhiều dấu hiệu tốt cho nền kinh tế VN. Tuy nhiên, đó mới chỉ là bước chạy đầu trong cuộc đua marathon cần nhiều sức và chiến thuật. “Hơi nóng” WTO đã thật sự tỏa nhiệt, nó sẽ còn lan tỏa, lan tỏa… đến tất cả các mặt trong đời sống kinh tế và xã hội của chúng ta.
MỸ HẠNH