47 năm kể từ lần công diễn đầu tiên (năm 1965) và 36 năm sau lần công diễn thứ 2 (năm 1976), Cô Sao - vở nhạc kịch đầu tiên của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam sau nhiều năm vắng bóng sẽ xuất hiện trở lại vào tối 24 và 25-11 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Đây là công trình tâm huyết của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam và Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam về vở nhạc kịch được coi là di sản âm nhạc đỉnh cao của Việt Nam.
Phục dựng 1.000 trang tổng phổ
Cô Sao ra đời năm 1962 và được công diễn lần đầu vào năm 1965 do Nhà hát Giao hưởng Vũ kịch Việt Nam dàn dựng nhân kỷ niệm 20 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đến năm 1976, vở nhạc kịch một lần nữa được dàn dựng với một phiên bản ngắn gọn hơn. Từ đó đến nay, vở nhạc kịch này chưa một lần trở lại sân khấu.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, cho biết, mặc dù ấp ủ việc phục dựng vở nhạc kịch này nhiều lần nhưng toàn bộ tổng phổ của vở diễn đồ sộ lên tới gần 1.000 trang này đã thất lạc. Những tưởng việc này không thể thực hiện được thì số phận đã mỉm cười khi gia đình nhạc sĩ trong một lần soạn lại di cảo đã tìm được bản nháp viết bằng bút chì của tác phẩm này. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, con trai của chính tác giả, tâm sự: “Khi tìm được bản nháp, tôi vô cùng vui mừng, nhưng lại không dám kỳ vọng nhiều vì bản nháp là bản không hoàn chỉnh, còn nhiều thay đổi khi chép nhạc, rồi khi đưa ra cho dàn nhạc tập. Bên cạnh đó, các nét bút chì theo thời gian bị mờ đi, ố vàng, không còn đọc rõ. May mắn sau đó tôi tìm thấy bản rút gọn viết cho đàn piano, nhờ thế có hướng đi, đoán được sự phát triển của các câu nhạc”.
Cùng với đồng sự, hơn một năm trời, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đã cho ra mắt một bản phục dựng được đánh giá là gần với nguyên gốc nhất. Tuy nhiên, bản tổng phổ mới có đôi chỗ đã được chỉnh lý cho súc tích nâng cao giá trị của tác phẩm.
Trách nhiệm nghệ sĩ trẻ
Nhạc sĩ Nguyễn Lưu, người đã có cơ duyên xem vở diễn Cô Sao của gần 40 năm về trước đặt dấu hỏi liệu với những gương mặt nghệ sĩ trẻ hiện nay, liệu có giữ được tinh thần của một Cô Sao đã trở thành kinh điển hay không.
Theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, việc trao gửi tác phẩm lớn cho thế hệ trẻ có thể được coi là phiêu lưu, song từng nghệ sĩ tham gia dự án này ngoài khả năng thiên phú đều là những người có tâm huyết và có cách làm việc rất chuyên nghiệp. Vai nữ chính do Hà Phạm Thăng Long, một giọng ca đẹp của nhà hát nhạc vũ kịch đảm nhận, Mạnh Dũng (giọng bariton) – vai người tù chính trị Hồng Hà. Còn Mạnh Đức (giọng bass) sẽ đảm nhận vai cụ già người Mông mà Trần Hiếu từng thể hiện ngày nào. Một số giọng ca khác đã thành danh như Mạnh Chung (tenor), Vành Khuyên (soprano) cũng đảm nhận các vai phụ. Nhạc trưởng tài danh, người đã có nhiều chương trình nghệ thuật thành công với Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam, ông Tetsuji Honna, cũng tham gia với vai trò chỉ huy dàn nhạc.
NSƯT Mạnh Chung, Phó Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, cho biết nếu vở Cô Sao năm 1965, dàn hợp xướng có tới 120 người thì ở lần phục dựng này cả nhà hát chỉ có khoảng 40 người, vì thế phải nhờ đến dàn hợp xướng của Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội. Việc chọn đạo diễn trẻ Huyền Nga - một người mới ra trường làm đạo diễn sân khấu của Cô Sao lần này, một phần nguyên nhân do cô đã rất thành công khi chọn dựng vở diễn rất khó này làm đề tài tốt nghiệp.
Ca sĩ Hà Phạm Thăng Long, người được tin tưởng giao vai diễn đặc biệt Cô Sao, tâm sự mặc dù không phải hát bằng tiếng nước ngoài như các vở opera nước ngoài khác, nhưng tác phẩm có những phần thể hiện khá phức tạp, những nốt si hát âm bóng rất khó. Để chuẩn bị cho vở diễn kinh điển này các nghệ sĩ đã cùng nhau tập luyện hàng tháng trời với tinh thần trách nhiệm cao với khán giả và các bậc tiền bối - những người nặng lòng với âm nhạc nước nhà.
| |
Mai An