Hơn 10 năm đổi mới nông - lâm trường: Dân vẫn thiếu đất sản xuất

Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới nông - lâm trường quốc doanh, tất cả các nông - lâm trường thuộc 2 tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh quản lý đều được rà soát, đánh giá và sắp xếp lại. Tuy nhiên, theo kết quả nghiên cứu của Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam đưa ra tại hội thảo “Thực trạng quản lý sử dụng đất sau thực hiện Nghị quyết 28/NQ-TƯ của Bộ Chính trị tại tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình”, công tác quản lý, sử dụng đất và giao đất, giao rừng tại địa bàn 2 tỉnh này vẫn còn nhiều hạn chế nên tranh chấp lấn chiếm đất rừng vẫn tiếp diễn, rừng vẫn bị tàn phá…
Hơn 10 năm đổi mới nông - lâm trường: Dân vẫn thiếu đất sản xuất

Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới nông - lâm trường quốc doanh, tất cả các nông - lâm trường thuộc 2 tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh quản lý đều được rà soát, đánh giá và sắp xếp lại. Tuy nhiên, theo kết quả nghiên cứu của Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam đưa ra tại hội thảo “Thực trạng quản lý sử dụng đất sau thực hiện Nghị quyết 28/NQ-TƯ của Bộ Chính trị tại tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình”, công tác quản lý, sử dụng đất và giao đất, giao rừng tại địa bàn 2 tỉnh này vẫn còn nhiều hạn chế nên tranh chấp lấn chiếm đất rừng vẫn tiếp diễn, rừng vẫn bị tàn phá…

        Giao đất quá chậm

Nghị quyết 28-NQ/TƯ của Bộ Chính trị đã chỉ rõ quan điểm, mục tiêu, phương hướng và giải pháp chủ yếu để thực hiện. Kết quả nghiên cứu khảo sát tại 2 tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh cho thấy, về cơ bản, nhiều công ty lâm nghiệp đã chuyển giao xong diện tích đất ở, diện tích đất gắn với công trình công cộng… Một phần diện tích đất lâm nghiệp do các công ty giao lại, chính quyền địa phương đã ưu tiên giao lại cho các hộ dân thiếu đất sản xuất, hộ thuộc diện giãn dân, tách hộ, cho DN thuê đất, góp phần vào việc định canh định cư, phát triển kinh tế địa phương. “Tuy nhiên, công tác lập phương án và tổ chức giao đất lại cho các hộ gia đình tiến hành chậm và chưa triệt để, việc giải quyết mâu thuẫn trong tranh chấp lấn chiếm chưa dứt điểm, việc tổ chức quản lý bảo vệ rừng hiện có và tổ chức trồng rừng trên đất trống chưa được quan tâm thỏa đáng” - ông Lê Công Lương, Chánh Văn phòng Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam nhận định.

Đồng bào dân tộc thiểu số miền núi hiện vẫn thiếu đất sản xuất. Ảnh: HUY ANH

Đồng bào dân tộc thiểu số miền núi hiện vẫn thiếu đất sản xuất. Ảnh: HUY ANH

Tình trạng người dân thiếu đất sản xuất vẫn tiếp diễn trong khi các nông, lâm trường quốc doanh và chính quyền địa phương vẫn quản lý nhiều diện tích đất. Cụ thể, tại tỉnh Quảng Bình, việc chuyển giao đất cho các hộ dân chậm, tình trạng hộ dân thiếu đất sản xuất tiếp tục trầm trọng ở nhiều địa phương. Xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh có 95,5% là đất lâm nghiệp nhưng có đến 96,8% diện tích đất đều thuộc sự quản lý của công ty lâm nghiệp, lâm trường và Ban quản lý rừng phòng hộ. Chính vì thế, mỗi hộ dân tại đây có diện tích đất canh tác chỉ khoảng 0,4 ha, một số thôn 100% người dân không có đất canh tác. Việc “khát đất”, thiếu việc làm và không có thu nhập khiến cho không ít người dân, đặc biệt đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã miền núi vào rừng khai thác lâm sản để sinh sống nên tình trạng chặt phá rừng vẫn tồn tại. Cũng theo kết quả nghiên cứu, tại tỉnh Hà Tĩnh, sau khi rà soát, sắp xếp, diện tích đất giao về cho địa phương và các tổ chức thuê là 27.216ha (17.300ha thu hồi và gần 10.000ha chuyển về địa phương cho thuê), chiếm 65,96% so với mục tiêu thu hồi 41.255ha. Các nông, lâm trường quốc doanh sử dụng, quản lý 277.899ha đất. Diện tích đất thu hồi, giao chính quyền địa phương chủ yếu là đất rừng tự nhiên, rừng trồng, đất trồng. Hầu hết được địa phương giao lại cho người dân. Tuy nhiên hiệu quả sử dụng thấp do diện tích rừng tự nhiên giao cho người dân đa số là rừng nghèo nên không mang lại hiệu quả kinh tế. Liên quan đến bất cập trong công tác giao rừng, đại diện Ban Dân tộc tỉnh Quảng Bình cũng cho biết, tiến độ giao đất trên địa bàn tỉnh Quảng Bình trên thực địa còn chậm, trong đó có nhiều nguyên nhân như diện tích đất được giao sau khi thu hồi chưa phù hợp với đề xuất của UBND các xã; phần lớn diện tích đất bóc tách giao cho người dân sử dụng, quản lý đa phần là đất nằm ở xa khu dân cư, có diện tích núi đá nên người dân không nhận vì không thể canh tác. Chính vì những bất cập trên khiến tình hình vi phạm liên quan đến tranh chấp đất đai giữa công ly lâm nghiệp và người dân vẫn còn phổ biến. Diện tích rừng tự nhiên ngày càng bị mất đi do người dân vào rừng khai thác để kiếm sống.

        Giải quyết tranh chấp giữa lâm trường và người dân

Thực hiện chỉ thị của Bộ Chính trị và sự chỉ đạo của Chính phủ, UBND các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh và các ngành liên quan cũng đã chỉ đạo rà soát đất lâm nghiệp của các nông - lâm trường. Tuy nhiên, theo đánh giá của các đại biểu đại diện các sở - ngành và các tổ chức kinh tế từ 2 tỉnh tại hội thảo, công tác rà soát chưa chính xác, đồng bộ và thống nhất giữa các cấp, có nơi chỉ giao trên bản đồ, không giao trên thực địa. Các đại biểu cũng cho rằng, việc người dân thiếu đất sản xuất dẫn đến những tranh chấp trong sử dụng và quản lý đất rừng là vấn đề cần phải giải quyết trong thời gian tới. Các đại biểu cũng nhận định, rừng được giao cho dân phần lớn được sử dụng có hiệu quả, phát huy được hiệu quả kinh tế. Chỉ nên giao rừng sản xuất cho hộ dân, việc giao rừng tự nhiên cho người dân cần có cơ chế chính sách cụ thể, rõ ràng. Đối với rừng phòng hộ nên giao cho cộng đồng hoặc thực hiện hình thức khoán. “Nhu cầu về đất sản xuất là chính đáng, vì vậy việc tiếp tục rà soát diện tích đất gần dân, diện tích không tập trung để giao cần được tiến hành. Tuy nhiên, cần rà soát đối tượng nhận đất có nhu cầu thực sự, có khả năng sử dụng và thiếu đất để giao đúng đối tượng, hạn chế việc bỏ hoang đất không sử dụng hoặc mua bán chuyển nhượng bất hợp pháp. Không thể xóa bỏ lâm trường vì chỉ có lâm trường mới quản lý được những khu vực đất rừng liên quan đến quốc phòng, an ninh. Không phải cứ dân thiếu đất thì đòi giao đất, sau đó đòi cấp sổ đỏ để bán” - ông Nguyễn Ngọc Phương, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh.

Tại hội thảo, để tiếp tục thực hiện việc sắp xếp, đổi mới nông lâm trường, đại biểu 2 tỉnh đồng kiến nghị trong thời gian tới cần tiếp tục rà soát sắp xếp lại các công ty lâm nghiệp, các ban quản lý rừng để ổn định quản lý đất, rừng và sản xuất kinh doanh theo Nghị quyết 28, tăng cường hoạt động dịch vụ hỗ trợ các hộ dân làm rừng. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước rà soát, sửa đổi bổ sung chính sách về quản lý đất đai, bảo vệ và phát triển rừng theo Luật Đất đai 2013, Luật Bảo vệ và phát triển rừng 2004, quy hoạch quản lý sử dụng đất của Quốc hội.

MINH HUY

Tin cùng chuyên mục