Hơn 90.000 tỷ đồng đầu tư 2 tuyến đường sắt khu vực đầu mối TPHCM

Tuyến đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu và tuyến Thủ Thiêm – Cảng hàng không quốc tế Long Thành được đầu tư xây dựng sớm sẽ giúp đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông kết nối với Sân bay Long Thành, từ đó tạo điều kiện để phát huy tối đa lợi thế của "siêu" dự án này.

Đầu tư 2 tuyến đường sắt khu vực đầu mối TPHCM.
Đầu tư 2 tuyến đường sắt khu vực đầu mối TPHCM.

Văn phòng Chính phủ cừa có công văn truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ GTVT thống nhất với UBND các tỉnh: Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, TPHCM và các bộ liên quan về phương án đầu tư dự án đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu và dự án đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – Cảng hàng không quốc tế Long Thành, bảo đảm phù hợp quy hoạch, đúng thẩm quyền theo quy định pháp luật.

Tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Cảng hàng không quốc tế Long Thành đã được đưa vào quy hoạch chi tiết đường sắt khu vực đầu mối TPHCM.

Theo đó, tuyến có điểm đầu tại ga Thủ Thiêm (TP Thủ Đức, TPHCM), điểm cuối là Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Chiều dài toàn tuyến khoảng 38km. Tính toán ban đầu cho thấy, tổng mức đầu tư của dự án dự kiến khoảng 40.500 tỷ đồng. Còn tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu có chiều dài khoảng 84km, có điểm đầu từ ga Trảng Bom, điểm cuối tại Cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải. Tổng mức đầu tư dự kiến hơn 50.000 tỷ đồng.

2 tuyến đường sắt trên được đầu tư xây dựng sớm sẽ giúp đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông kết nối với Sân bay Long Thành, từ đó tạo điều kiện để phát huy tối đa lợi thế của "siêu" dự án này.

* Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng vừa yêu cầu Bộ GTVT hoàn thiện Đề án quản lý, sử dụng, khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư; thống nhất với các bộ: Tư pháp, KH-ĐT, Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam trước khi trình Thủ tướng Chính phủ đề án trên. 

Việc xây dựng đề án là thực sự cần thiết nhằm cụ thể hóa các quy định của pháp luật đối với việc quản lý, sử dụng khối tài sản này; xác định rõ chủ thể quản lý, khai thác, sử dụng khối tài sản này và tổ chức thực hiện để quản lý, khai thác hiệu quả theo đúng quy định của pháp luật.

Trong thời gian đề án chưa được phê duyệt, Bộ GTVT chịu trách nhiệm toàn diện về việc quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư; chỉ đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam duy trì hoạt động bảo trì thường xuyên, liên tục; bảo đảm hoạt động giao thông vận tải đường sắt thông suốt, trật tự, an toàn, chính xác và hiệu quả, theo đúng quy định pháp luật.

Tin cùng chuyên mục