Xuất khẩu cà phê

“Hợp đồng tương lai” - xu thế của hội nhập, nhưng…

“Hợp đồng tương lai” - xu thế của hội nhập, nhưng…

“Hợp đồng tương lai” - xu thế của hội nhập, nhưng… ảnh 1

Người trồng cà phê vui mừng nhờ giá và “hợp đồng tương lai”? Ảnh: Đ.P

Sau gần 2 năm tham gia thị trường kỳ hạn xuất khẩu cà phê - giao dịch hợp đồng tương lai qua sàn giao dịch quốc tế (coffee futures contract) ở thị trường LIFFE (London, Anh quốc), Chủ tịch Hiệp hội Cà phê và Ca cao VN (Vicofa), ông Vân Thành Huy cho rằng, dù mới bước đầu, nhưng doanh nghiệp (DN) kinh doanh cà phê Việt Nam đã tiếp cận được hình thức giao dịch phổ biến ở sân chơi lớn, nhất là trong bối cảnh Việt Nam sắp gia nhập WTO. 

  • Công cụ phòng ngừa rủi ro
     

Cả trăm năm nay, việc kinh doanh cà phê thế giới của các DN đều giao dịch qua thị trường kỳ hạn lớn như LIFFE (London, Anh quốc), NYBOT (New York, Mỹ) thông qua công cụ chọn quyền mua hay chọn quyền bán, khi cảm thấy cần thiết. Trong khi, DN trong nước vẫn xuất khẩu giao hàng thực (Physicals), theo hợp đồng cà phê châu Âu (E.C.C-European Contract for Coffee) - nếu giá biến động các DN đều bị thiệt, vì không có lựa chọn nào khác.

Với mục tiêu sử dụng hợp đồng tương lai (futures contract) làm công cụ phòng chống rủi ro (hedging) để tránh thua thiệt về giá cho thị trường hàng thật, khoảng một nửa sản lượng cà phê nhân robusta xuất khẩu trong nước đang được xuất khẩu thông qua thị trường giao dịch LIFFE. Có thể nói, đây là thành công bước đầu của các DN Việt Nam trên đường hội nhập.

Ngoài Ngân hàng (NH) Techcombank tham gia từ đầu, hiện có thêm NH Đầu tư - Phát triển tỉnh Đắc Lắc và Công ty cổ phần Môi giới thương mại Á Châu của NH Vietcombank, với gần 40 DN tham gia giao dịch. Ông Vân Thành Huy cho biết, có 4 cái được sau 2 năm tham gia, đó là: “Làm cho thị trường trong nước gần hơn với thị trường quốc tế về giá xuất khẩu, tạo khả năng linh hoạt trong đặt giá, phòng ngừa rủi ro cho hàng tồn kho hay hàng đã chốt giá và tận dụng đòn bẩy tài chính, để kiếm lời.

Trước đây, giá xuất khẩu tăng lên, DN mua cà phê của nông dân giá cao, nếu xuống thấp, nông dân là người bị ép giá. Nhưng nếu tham gia thị trường kỳ hạn, DN sẵn sàng mua cà phê của bà con với giá cao hơn giá thị trường trong nước nếu tính toán có lời nhờ bán trước. Nhưng, để có được điều này, bên cạnh hệ thống kho bãi dự trữ cà phê, mạng lưới thu mua, DN cần phải có bộ phận nghiên cứu thị trường và phân tích kỹ thuật, dự báo giá thế giới và trong nước, nhất là có chiến lược quản lý tốt và nhạy bén, cũng như kỹ năng giao dịch.

Hợp đồng tương lai đã được DN sử dụng như một công cụ phòng chống rủi ro và xác định giá thị trường thực tế, nhất là giai đoạn biến động giá cà phê trên thị trường vào tháng 2, 6, 7-2005. Hợp đồng tương lai nhờ đó góp phần giảm bớt rủi ro về đột biến giá, giúp DN tiếp cận với thị trường nước ngoài và mang lại lợi ích bà con trồng cà phê. Theo ước tính của Vicofa, có khoảng với 70.000 lots (350.000 tấn cà phê) trong niên vụ qua được giao dịch hình thức này”.  

  • Những biến tướng 
“Hợp đồng tương lai” - xu thế của hội nhập, nhưng… ảnh 2

Cà phê được giá, cây cà phê được chăm sóc nhiều hơn. Ảnh: Đ.P

Mới đây, Vicofa đưa ra cảnh báo, không khuyến khích các DN, cá nhân chưa nắm rõ nghiệp vụ tham gia thị trường giao dịch kỳ hạn. Vì thị trường giao dịch cà phê quốc tế như LIFFE hay NYBOT rộng lớn rất nhiều so với thị trường nội địa.

Một đêm giao dịch có thể lên đến 50.000 – 70.000 lots (1 lot = 5 tấn cà phê), trong khi mỗi tháng VN chỉ có thể xuất khẩu vài chục ngàn tấn cà phê. Mức độ biến động giá cả nhiều khi rất cao trong một phiên giao dịch, có thể trên dưới 40 - 60 USD/tấn. Nếu liên tục trong 3 phiên, khoản chênh lệch lên đến 120-180 USD/tấn, chạm “stop loss”, do mức ký quỹ 8-10% trên giá trị giao dịch của DN và một mức quỹ duy trì với NH để đảm bảo giá trị tài khoản trên sàn giao dịch thế giới. Những biến động gần đây có lúc lên đến 80 -120 USD/ phiên, là nguy hiểm, do đa số các DN năng lực tài chính hạn chế. Rủi ro còn cao hơn trong giao dịch với thị trường NYBOT (chuyên cà phê Arabiaca - ở Việt Nam số lượng rất ít).

Những cảnh báo này được đưa ra, khi công cụ phòng chống rủi ro đang bị biến tướng thành trò cờ bạc hợp pháp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Thời gian đầu, giao dịch qua LIFFE là nhà xuất khẩu cà phê chính thống, đại lý và nếu có là nông dân. Giờ đây hình thức giao dịch này trở thành “cơn sốt” ở Đắc Lắc (nhất là TP Ban Mê Thuột), đang mở rộng ra Đồng Nai, TPHCM... khi ai cũng có thể tham gia (như phong trào chơi thị trường chứng khoán của người dân TPHCM, Hà Nội).

Chỉ bỏ ra khoảng 10% giá trị trên thị trường có được 1 lot (5 tấn cà phê) dù là trên giấy. Khoảng 40 DN tham gia giao dịch trực tiếp thị trường LIFFE, nhưng có người dự đoán, con số thực tế gần gấp đôi, đa phần đều chưa trực tiếp xuất khẩu cà phê và chỉ chơi “ké” thông qua các DN đã đăng ký với NH.

Những DN hay cá nhân này đơn thuần mua vào, chờ giá lên bán ra hay giá xuống, để mua vào, nhằm kiếm lời nhanh nhất, nên rủi ro rất cao. Con số lỗ hiện nay lên đến bạc triệu USD rơi vào những đối tượng này, do không nắm rõ công cụ khi giao dịch với LIFFE hay NYBOT. Trong khi, DN kinh doanh cà phê thực sự, kết hợp hợp đồng kỳ hạn trên LIFFE dù lợi nhuận ít, nhưng mức rủi ro thấp hơn.

Vicofa nhấn mạnh, tham gia giao dịch hợp đồng tương lai trên thị trường LIFFE mặt hàng cà phê Robusta là bước đi tất yếu trong quá trình hội nhập, Việt Nam không thể tách rời thị trường quốc tế. Việc nhà sản xuất, xuất khẩu tìm kiếm cơ hội để bảo hộ rủi ro trước thị trường đầy biến động là nhu cầu chính đáng. Nhưng tham gia thị trường kỳ hạn đối với các DN trong nước còn quá mới - chỉ vừa “bước vào sân lớn”, nên phải hết sức thận trọng.

Các DN sử dụng hợp đồng kỳ hạn như công cụ phòng chống rủi ro, không quá trông chờ vào việc kiếm lãi nhiều. Bởi lợi nhuận càng cao tiềm ẩn nguy cơ càng lớn và không có công cụ nào là hoàn hảo. DN chỉ giao dịch sau khi đã trang bị kiến thức thị trường kỳ hạn và khả năng vốn, kể cả lượng cà phê nhân. Kinh nghiệm của nhiều DN giao dịch thành công, cần có nghiệp vụ để phán đoán kịp thời, biết chốt giá ngay thời điểm đặt lệnh để quyết định mua hay bán. 

ĐÔNG NGHI

Tin cùng chuyên mục