Hộp thư văn hóa văn nghệ

Trần Liên Anh (Nguyễn Thái Sơn, Q.Gò Vấp)

* Tôi nghe nói bài “Chiều chiều trước bến Văn Lâu. Ai ngồi ai câu, ai sầu ai thảm. Ai thương, ai cảm, ai nhớ, ai trông. Thuyền ai thấp thoáng bên sông. Đưa câu mái đẩy chạnh lòng nước non…” không phải là câu hát dân gian mà do một nhà thơ sáng tác? Trần Liên Anh (Nguyễn Thái Sơn, Q.Gò Vấp)

- Câu hò Huế nổi tiếng mà bạn nhắc không phải là thơ dân gian mà do cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị (1877 - 1961) sáng tác, từ mối cảm hoài về cuộc khởi nghĩa chống Pháp thất bại của vua Duy Tân năm 1916. Cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị là cháu nội của Tuy Lý Vương Miên Trinh, một nhà thơ nổi tiếng mà sinh thời vua Tự Đức đã ban câu “Thi đáo Tùng Tuy thất thịnh Đường”.

Ưng Bình lớn lên trong nôi tao nhân, ông đã đỗ cử nhân Hán học và làm đến quan Bố chánh Hà Tĩnh, được thăng hàm Thượng thư, Hiệp tá Đại học sĩ. Tuy làm quan khá lâu, nhưng cuộc đời ông gắn liền với nghệ thuật bằng một sự nghiệp thơ ca rất phong phú.

Ông sở trường về nhiều thể loại: thơ chữ Hán, thơ chữ quốc ngữ, tuồng và đặc biệt hò Huế, thể loại nào cũng chan hòa giữa nghệ thuật bác học và dân gian. Rất nhiều câu hò của ông đã thấm sâu vào lòng người một cách tự nhiên và trở thành phổ biến trong dân gian.

Bên cạnh câu hò trên, còn có nhiều câu hò khác cũng rất phổ biến như: “Nước chảy xuôi, con cá buôi lội ngược. Nước chảy ngược, con cá vược lội ngang. Thuyền em xuống bến Thuận An. Thuyền anh lại trẩy lên ngàn anh ơi”…

(Theo tư liệu của Tôn Nữ Hỷ Khương)
BÍCH CHÂU

Tin cùng chuyên mục