Hỏi chiến trường nào gắn bó nhất với nhà văn Xuân Thiều, chắc chắn đó là Trị Thiên - Huế, chiến trường thuộc loại ác liệt nhất của đất nước ta ở cả hai cuộc kháng chiến. Từ tuổi 20, ông đã trực tiếp tham gia chiến đấu ở chiến trường này, và rồi gần như trọn vẹn cuộc kháng chiến chống Mỹ ông bám trụ ở đây. Nhất là trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968. Đây không phải quê hương của Xuân Thiều (ông người Đức Thọ - Hà Tĩnh), nhưng là quê hương của đời lính, là quê hương văn học của ông.
Những tác phẩm văn học xuất sắc nhất của ông, bao gồm cả thơ ca, truyện ngắn, truyện dài đều được viết từ mảnh đất này, trong đó nổi bật là bộ tiểu thuyết Huế mùa mai đỏ (tên ban đầu là Tư Thiên). Đây là bộ sách chứa đựng nhiều năm tháng chiến trường lửa đạn nhất của nhà văn Xuân Thiều, mang nhiều tâm huyết, nhiều công phu, cũng là tác phẩm chịu nhiều thăng trầm nhất của ông. Và cũng có thể nói, nó là một trong những thành công nhất đời văn của ông khi được nhận giải thưởng của Bộ Quốc phòng, giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1995 và là một trong những tác phẩm giúp nhà văn Xuân Thiều được tặng thưởng Giải thưởng Nhà nước (2001).
Cho đến nay, tác phẩm ra mắt bạn đọc đã gần 20 năm, đã từng được tái bản nhiều lần, được bạn đọc trong ngoài nước đón nhận với nhiều cảm mến. Nó cũng được nhiều nhà điện ảnh mong muốn tái hiện những trang sách ấy thành những thước phim sáng giá. Đặc biệt là đạo diễn - NSƯT Trần Vịnh, người nhiều năm gắn bó với mặt trận Trị Thiên - Huế, người nghệ sĩ - đạo diễn suốt cuộc đời nghệ thuật chỉ tâm huyết làm phim về đề tài chiến tranh và đã đạo diễn được gần 70 bộ phim bao gồm 500 tập phim về chiến tranh. Mong ước này của đạo diễn Trần Vịnh đã được HTV đáp ứng, khi quyết định mời ông làm đạo diễn bộ phim Huế mùa mai đỏ, cùng các biên kịch Lê Phương - Trịnh Thanh Nhã - Lê Anh Thúy chuyển thể kịch bản, Lê Mạnh Thắng - Nghiêm Bá Hoài quay phim và nhạc sĩ Hoàng Lương sáng tác âm nhạc, với dàn diễn viên: Nguyễn Văn Báu, Nam Trung, Ngọc Thiện, Thiên Phúc, Ngọc Thảo, Văn Quý, Thanh Hải, NSƯT Nguyễn Xuân Trường, Kiều Ngân, Thành Tá…
Đạo diễn Trần Vịnh cho biết: Hãng phim Đài truyền hình TPHCM đã thai nghén và chuẩn bị xây dựng phim Huế mùa mai đỏ gồm 25 tập rất công phu, khoa học. Từ gợi ý của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, đã có hai cuộc hội thảo được tổ chức tại Huế và Hà Nội xung quanh tác phẩm văn học cũng như kịch bản của phim. Bám sát với nội dung của tiểu thuyết, bộ phim 25 tập này đã dựng lại quy mô, tầm vóc cuộc tiến công của quân giải phóng vào Huế năm 1968, tái hiện lại được thế trận lòng dân cũng như cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt với những hy sinh mất mát to lớn của bộ đội và nhân dân ta. Trong cuộc chiến đấu đó, hình ảnh những cán bộ, chiến sĩ quân đội như Đặng Thà, Tư Thiên, Lưu Dương, Vũ Lâm, Quốc, Dũng, Vinh… hiện lên thật cao đẹp, tạo nên nhiều làn sóng cảm xúc cho người xem. Bên cạnh đó là hình ảnh những người dân Huế rất đỗi bình dị mà cũng hết sức anh hùng… Cảm hứng sử thi chủ động và quán xuyến toàn bộ bộ phim. Nó không chỉ là câu chuyện của một gia đình Trung đoàn trưởng Tư Thiên, không chỉ là sự gặp gỡ, sum vầy sau bao năm xa cách, mà còn là những đau xót, giằng xé nội tâm khi phải đối mặt nhau, khi họ cùng một dòng máu nhưng không cùng một chiến tuyến. Một gia đình nhưng lại là sự thu nhỏ, tiêu biểu của cả xã hội. Những tâm lý giằng xé đan xen trong tình yêu, tình vợ chồng, tình cha con cùng với cuộc đấu tranh giữa sống - chết của người lính… khá tương xứng với tầm vóc lớn lao của cuộc chiến tranh, đã làm nên sức hút của tác phẩm. Vì thế, tác phẩm điện ảnh không chỉ là bài ca về sự hy sinh dũng cảm của người lính và khát vọng độc lập tự do của Tổ quốc, mà còn làm người đọc cảm nhận sâu sắc sự hy sinh của từng người dân, từng gia đình Huế nói riêng và người dân Việt nói chung trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Và đặc biệt hơn, bao trùm lên toàn bộ 25 tập bộ phim, là bài ca hùng tráng về cuộc tổng tiến công trên mảnh đất Trị Thiên - Huế anh hùng và đặc biệt là thế trận lòng dân…
Cho đến hôm nay, 25 tập của Huế mùa mai đỏ đã hoàn thành phần hậu kỳ và theo dự định của Đài truyền hình TPHCM, bộ phim sẽ được phát sóng vào dịp kỷ niệm lần thứ 46 cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân Mậu Thân 1968 tới đây. Với nhà văn Xuân Thiều, có lẽ khi đầy cảm hứng và thao thức viết nên tác phẩm này, ông cũng không hình dung gần 20 năm sau, những con chữ da diết của mình sẽ được tái hiện lên thành những hình ảnh sinh động và tiếp tục chinh phục lòng người…
| |
TRIỆU PHONG