Hungary - Thảm họa bùn đỏ và cái giá phải trả

Hungary - Thảm họa bùn đỏ và cái giá phải trả

Ngày 4-10 vừa qua, đợt sóng bùn đỏ cao 1,5m đã vượt bờ đê tràn vào ngôi làng Kolontar, phía Tây Hungary, gây ra cái chết của 7 người và làm nhiều người bị bỏng do hóa chất. 150 người còn đang điều trị tại bệnh viện, trong đó có hàng chục người đang nguy kịch. Hàng trăm cư dân của ngôi làng này phải sơ tán. Nhưng thảm họa này chưa dừng lại ở đó.

Hiểm họa chực chờ

Cơn lốc bùn đỏ, với ước tính hơn 1 triệu m³, từ nhà máy khai thác quặng nhôm đã quét qua khu vực có diện tích 40km² và tràn xuống sông Danube, con sông lớn thứ hai ở châu Âu, đe dọa các quốc gia có con sông này chảy qua. Croatia, Serbia và Romania đang kiểm tra từng giờ nguồn nước trên con sông này (sông Danube dài 2.850km, chảy qua các nước Hungary, Croatia, Serbia, Romania, Bulgaria, Ukraine và Moldova sau đó đổ ra biển Đen). Vậy mà ngay trước khi xảy ra thảm họa này, các quan chức môi trường của Hungary luôn cho rằng hồ chứa chất bùn đỏ này an toàn. Hồ này có diện tích 300m x 450m.

Người dân Hungary dọn dẹp căn nhà của mình sau khi bùn đỏ quét qua.

Người dân Hungary dọn dẹp căn nhà của mình sau khi bùn đỏ quét qua.

Ngôi làng Kolontar với dân số 800 người hiện nay đã di tản hết, đất đai, vườn tược trở thành hoang phế. Cụ Etel Stampf, 76 tuổi, đang ở trong vườn nhà mình khi làn sóng bùn đỏ đầu tiên ập tới, bà vội trèo lên nóc chuồng heo để tránh nhưng cơn sóng bùn đỏ cũng tràn qua nóc chuồng heo, ngâm chân bà trong dung dịch độc hại này trong 1 giờ. Kết quả chân bà bị bỏng nặng. Bà nói: “Chúng tôi lao động cực khổ nhiều năm, dành dụm được một ít, giờ đây mất tất cả, chẳng muốn sống nơi đây nữa”.

Giờ đây, bất chấp việc đang gia cố hồ chứa bùn đỏ ở Kolontar, nhà chức trách Hungary cho biết đã phát hiện thêm nhiều vết nứt lớn khác ở thành hồ và khả năng sẽ có thêm vụ vỡ đê bao. Hồ chứa bùn đỏ hiện tại còn hơn 500.000m³. Theo bà Gyorgi Tottos, người phát ngôn Cơ quan ngăn ngừa thảm họa Hungary, hy vọng bức tường bê tông dài hơn 590m và cao hơn 4,8m vừa được xây dựng có thể ngăn chặn phần nào bùn đỏ nếu có thêm các vụ tràn đê bao hồ chứa.

Trong trường hợp xấu nhất, cả 6.000 cư dân của làng Devecser gần đó cũng buộc phải di tản. Họ đang được khuyến cáo đóng gói đồ dùng chuẩn bị di dời khi có lệnh. Trung tâm thể thao Ajka, cách nơi xảy ra thảm họa gần 5km được biến thành cơ sở tiếp nhận các gia đình di tản.

Những kẻ trục lợi

Ngành công nghiệp sản xuất nhôm tại Hungrary bùng phát mạnh vào cuối thập niên 80 của thế kỷ trước với hơn 40.000 công nhân. Hungary trở thành nước khai thác bauxit và sản xuất nhôm hàng đầu của khối xã hội chủ nghĩa khi đó. Nước này sản xuất hơn 3 triệu tấn nhôm vào năm 1986. Tuy nhiên, việc chuyển alumina thành nhôm đòi hỏi tốn nhiều điện. Do thiếu điện, nên Hungary không thể chuyển 25% alumina thành nhôm. Do đó, nước này mỗi năm phải nhập 65% nhôm cho các nhà máy và xuất khẩu alumina sang Liên Xô để nhận lại nhôm thành phẩm.

Sau khi khối XHCN ở Đông Âu không còn, vào những năm 1990, Hungary bắt đầu tư nhân hóa tài sản của các ngành công nghiệp, trong đó có công nghiệp nhôm. Điều đáng nói, những hình thức khai thác cũ vẫn tiếp tục được duy trì trong ngành công nghiệp nhôm, nhà máy xen lẫn trong các khu dân cư tạo nên những mối đe dọa thực sự cho người dân.

Bùn đỏ là chất rửa quặng bauxite để lấy alumina, thành phần cơ bản để sản xuất nhôm. Những hồ chứa bùn đỏ này bình thường sẽ bốc hơi, còn lại bùn đất dạng đất sét. Bùn đỏ chứa một lượng lớn oxýt sắt (tạo nên màu đỏ), oxýt Silicon, oxýt nhôm và nhiều oxýt kim loại khác, đôi khi có lẫn cả chất phóng xạ. Ở nồng độ cao, các chất kiềm có thể gây bỏng nặng cho người và gây bệnh phổi nếu hít phải bụi của bùn đỏ sau khi khô.

Hồ chứa bùn đỏ do Công ty Thương mại và Sản xuất nhôm Magyar (Mal Rt) của Hungary quản lý. Mal Rt ra đời năm 1995 và công ty tư nhân này có 3 cơ sở sản xuất nhôm, trong đó có nhà máy Ajkai Timfoldgyar ở phía Đông thị trấn Ajka, nơi xảy ra thảm họa. Công ty này có 75% sản phẩm xuất khẩu qua Tây Âu. Mal Rt có cổ phần hoặc làm chủ một số công ty nhôm ở khu vực Balkan như Bosnia, Slovenia và Romania.

Bất chấp chính phủ nào lên cầm quyền ở Hungary, Mal Rt cũng trở thành con cưng, trong đó bộ ba lãnh đạo của công ty này là Béla Petrusz (giám đốc điều hành), Lajos Tolnay (chủ tịch) và Arpád Bakonyi (trợ lý giám đốc) luôn có tên trong hàng ngũ những đại gia giàu nhất ở Hungary. Hiện nay, mặc dù 3 người này không còn lãnh đạo nhưng họ vẫn còn ảnh hưởng đến công ty thông qua cổ phần và chân rết. Theo nhật báo Hungary Napi Gazdaság, Tolnay hiện có 40% cổ phần trong công ty, trở thành người giàu thứ 21 ở Hungary với tài sản khoảng 84 triệu bảng Anh, trong khi Bakonyi và Petrusz giàu thứ 28 với tổng tài sản 60,26 triệu bảng Anh. Báo chí Hungary xem những người trên là kẻ trục lợi từ tiến trình tư bản hóa nền kinh tế.

Hậu quả lớn

Chính phủ Hungary đang xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự công ty này. Hiện Mal Rt đã chuẩn bị 97,3 triệu USD để nộp phạt do đã gây ô nhiễm nguồn nước. Tuy nhiên, người phát ngôn của Mal Rt, bà Andrea Nemeth, mạnh miệng tuyên bố công ty sẽ “sớm hoạt động trở lại”. Mal Rt đã gửi lời chia buồn tới những gia đình có người chết và cam kết đền bù theo đúng trách nhiệm của mình. Bộ trưởng Môi trường Hungary Zoltan Illes khẳng định: “Mal Rt phải chịu hoàn toàn về thảm họa môi trường lớn nhất lịch sử Hungary này”.

Ông cho biết, Mal Rt khó có hy vọng sẽ sớm sản xuất trở lại. Ông cũng chỉ trích các quy định của EU không chặt chẽ khi không xem bùn đỏ là chất độc để rồi cho phép Mal Rt tự tung tự tác. Hungary từng xem bùn đỏ là chất độc hại nhưng sau khi nước này gia nhập EU năm 2004, quy định này đã bị buông lơi. Thủ tướng Hungary Viktor Orban khẳng định sẽ truy cứu trách nhiệm cao nhất đối với hành động vô trách nhiệm dẫn tới thảm họa trên. Vấn đề khá hóc búa hiện nay, nếu công ty đóng cửa, sẽ có hàng ngàn công nhân thất nghiệp. Thủ tướng Hungary cho biết phải mất ít nhất 1 năm mới có thể khắc phục hậu quả của trận lũ bùn đỏ vừa qua, tốn kém hàng chục triệu USD.

Theo ông Zsolt Szegfalvi, Giám đốc Tổ chức Hòa bình Xanh tại Hungary, qua kết quả phân tích của 2 phòng thí nghiệm độc lập, nồng độ thạch tín từ bùn đỏ trong nước uống ở nước này cao hơn 25 lần mức độ cho phép. Nồng độ thủy ngân và chrome cũng cao đáng kể. Thông báo này trái ngược với những thông tin tỏ ra lạc quan của chính quyền. Bộ trưởng Nội vụ Hungary từng loại trừ nguy cơ nhiễm độc nguồn nước khi dẫn mức độ kiềm pH tương đối thấp trong nước của sông Danube, dưới độ 9 pH. Có thể coi như chất lượng nước sông vẫn bình thường. Người phát ngôn cơ quan phòng chống thảm họa của Hungary cũng khẳng định mức kiềm chỉ dừng lại ở mức 8 hoặc 8,2 độ pH. Chính phủ Hungary đã chính thức đề nghị EU gửi chuyên gia tới giúp đánh giá hậu quả, tẩy rửa độc hại của bùn đỏ và đề ra các biện pháp bảo vệ môi trường.

Chất thải bùn đỏ trong ngành công nghiệp nhôm đã trở thành vấn đề nan giải trong suốt 120 năm qua. Nhiều thập niên qua, người ta đã cố gắng áp dụng các công nghệ mới để giải quyết vấn đề nhưng đến nay gần như chưa có giải pháp nào thực sự có hiệu quả. Để sản xuất 1 tấn nhôm, ít nhất phải thải ra trên 1 tấn bùn đỏ. Nhiều hay ít bùn đỏ còn tùy thuộc vào hàm lượng bauxite trong quặng. Để biến bùn đỏ thành đất đỏ, phải cần một lượng năng lượng lớn để nước bốc hơi. Nhưng điều này sẽ làm tăng chi phí sản xuất nhôm. Do đó, người ta buộc phải làm các hồ chứa bùn đỏ để chờ bốc hơi tự nhiên. Hiểm họa đến từ các hồ chứa này. Sau khi bùn đỏ bốc hơi nước, đất đỏ này cũng khó có thể canh tác do hàm lượng kiềm khá cao (độ pH từ 10 đến 13). Người ta đã sử dụng nhiều phương pháp để giảm nồng độ pH xuống ở mức chấp nhận được với môi trường.

Mới đây, Hiệp hội Nhôm của Trung Quốc đã mở cuộc hội thảo tại Zibo, tỉnh Sơn Đông để bàn việc xử lý bùn đỏ trong công nghiệp sản xuất nhôm. Theo ông Renxu Dong, Phó Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Chinalco, một trong các tập đoàn sản xuất nhôm hàng đầu của Trung Quốc, bùn đỏ gây ô nhiễm môi trường và việc xử lý sẽ tốn kém nhiều. Trung Quốc sản xuất nhôm hàng đầu thế giới, trong đó lượng bùn đỏ từ các tập đoàn của họ chiếm 1/3 sản lượng bùn đỏ toàn cầu. Năm 2009, lượng bùn đỏ từ các tập đoàn nhôm của Trung Quốc đã thải ra 30 triệu tấn, trong khi thu được sản lượng nhôm 23,79 triệu tấn. Một số tập đoàn nhôm của Trung Quốc đang thử nghiệm dùng bùn đỏ để sản xuất xi măng và lấy sắt.

THỤY VŨ

Tin cùng chuyên mục