Thời gian qua, việc ứng dụng CNTT tại TPHCM đã được triển khai rộng và có chiều sâu trong lĩnh vực quản lý nhà nước, hỗ trợ hiệu quả công tác cải cách hành chính, thể hiện qua văn phòng điện tử với 753 đơn vị liên thông văn bản, điều hành qua mạng; 3,4 triệu văn bản điện tử; 21.600 hộp thư điện tử…
Hạ tầng CNTT-TT tại TPHCM được đầu tư đầy đủ, đáp ứng nhu cầu ứng dụng CNTT với các trung tâm dữ liệu trên nền điện toán đám mây; 805 đơn vị kết nối bằng đường truyền băng thông rộng, bảo mật. Cán bộ, công chức có trình độ, thói quen sử dụng CNTT trong giải quyết công việc hàng này, sử dụng dịch vụ công trực tuyến (767 dịch vụ công ở mức 3 và 4); hồ sơ hành chính được thông báo tự động qua SMS…
Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ vẫn rời rạc, thiếu đồng bộ, chưa theo tổng thể chung, mức độ liên thông còn thấp; việc tổ chức dữ liệu còn phân tán, trùng lặp, tỷ lệ số hóa còn thấp; dịch vụ công trực truyến thiếu thống nhất, mức độ hỗ trợ thấp. Nguyên nhân là do chưa có kiến trúc Chính quyền điện tử định hướng cho công tác ứng dụng CNTT của thành phố.
Để khắc phục những tồn đọng cũng như phát triển ứng dụng CNTT tại cơ sở, UBND TPHCM đã công bố kiến trúc Chính quyền điện tử thành phố vào ngày 9-10. Đây là kế hoạch tổng thể giúp định hướng triển khai một cách thống nhất và đồng bộ ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước của thành phố.
Với kiến trúc này, TPHCM đặt ra mục tiêu đảm bảo các kế hoạch đầu tư về công nghệ thông tin và truyền thông của các cơ quan chính quyền thành phố đạt được hiệu quả đề ra, đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân, doanh nghiệp, qua đó tránh lãng phí, trùng lắp, tiết kiệm ngân sách. Kiến trúc Chính quyền điện tử được áp dụng cho Văn phòng UBND TPHCM và các sở, UBND 24 quận huyện, 322 phường xã, thị trấn, các ban ngành và đơn vị trực thuộc.