Hướng dẫn tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)

Sáng 17-1, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp đã tổ chức phổ biến, hướng dẫn các nội dung liên quan đến việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) cho báo cáo viên pháp luật Trung ương và cấp tỉnh.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cho biết: Đây là lần sửa đổi lớn với mục đích xây dựng Bộ luật Dân sự thật sự trở thành luật chung của hệ thống pháp luật, điều chỉnh các quan hệ xã hội được hình thành trên nguyên tắc tự do, tự nguyện, bình đẳng và tự chịu trách nhiệm giữa các bên tham gia, qua đó ghi nhận và bảo vệ tốt hơn các quyền của cá nhân, pháp nhân trong giao lưu dân sự; góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ổn định môi trường pháp lý cho sự phát triển kinh tế - xã hội sau khi Hiến pháp năm 2013 được ban hành.

Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) đã thể chế hóa đầy đủ các nghị quyết của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, khắc phục các bất cập, hạn chế trong quy định của Bộ luật Dân sự hiện hành. So với Bộ luật Dân sự năm 2005, dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) giữ nguyên 265 điều, sửa đổi 298 điều, bổ sung 176 điều, bãi bỏ 147 điều.

Nội dung liên quan đến việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) tập trung vào sự cần thiết, mục tiêu, quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi), quy định chung quyền sở hữu và các vật quyền khác nghĩa vụ và hợp đồng thừa kế pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài…

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục