Hướng đến sản phẩm tiết kiệm năng lượng

Ngày 29-10, Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng TPHCM (ECC HCMC) phối hợp cùng hệ thống Siêu thị Sài Gòn Coopmart tổ chức tập huấn nhãn năng lượng cho lãnh đạo, cán bộ và nhân viên bán hàng điện máy của 22 chi nhánh tại TPHCM và một số tỉnh thành thuộc hệ thống siêu thị này. Đây là hoạt động thiết thực nhằm nâng cao kiến thức về nhãn năng lượng cho đội ngũ nhân viên bán hàng điện máy để có thể tư vấn cho người tiêu dùng lựa chọn nhiều thiết bị tối ưu năng lượng.

Ngày 29-10, Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng TPHCM (ECC HCMC) phối hợp cùng hệ thống Siêu thị Sài Gòn Coopmart tổ chức tập huấn nhãn năng lượng cho lãnh đạo, cán bộ và nhân viên bán hàng điện máy của 22 chi nhánh tại TPHCM và một số tỉnh thành thuộc hệ thống siêu thị này. Đây là hoạt động thiết thực nhằm nâng cao kiến thức về nhãn năng lượng cho đội ngũ nhân viên bán hàng điện máy để có thể tư vấn cho người tiêu dùng lựa chọn nhiều thiết bị tối ưu năng lượng.

Thông qua chương trình tập huấn, đội ngũ bán hàng sẽ có đủ tự tin giúp khách hàng phân biệt sự khác nhau giữa các loại nhãn (nhãn so sánh và nhãn xác nhận); tư vấn cho khách hàng lựa chọn những sản phẩm đạt chất lượng về hiệu suất năng lượng theo tiêu chuẩn Việt Nam; nắm rõ các loại nhãn năng lượng của nước ngoài và hiệu suất của các thiết bị dán những nhãn này. Việc phổ biến kiến thức về nhãn năng lượng cho doanh nghiệp và người tiêu dùng là hết sức cần thiết trong lộ trình dán nhãn và sử dụng các thiết bị hiệu quả năng lượng.

Hoạt động dán nhãn là biện pháp có hiệu quả nhằm định hướng việc sử dụng các phương tiện, thiết bị có hiệu suất cao, tiến tới loại bỏ dần các phương tiện, thiết bị có công nghệ lạc hậu, giảm tiêu hao năng lượng trong sản xuất. Việc dán nhãn cũng giúp người tiêu dùng chọn đúng các sản phẩm tiết kiệm năng lượng hoặc các sản phẩm có hiệu suất năng lượng mong muốn. Sau khi quy định dán nhãn cho các thiết bị sử dụng năng lượng được áp dụng vào ngày 1-7-2013, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thiết bị tiêu thụ năng lượng đã khẩn trương tiến hành các thủ tục dán nhãn năng lượng. Đến nay, đã có khoảng 40 doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu với trên 200 sản phẩm, thiết bị (như ballast tiết kiệm điện, huỳnh quang compact (CFL), đèn huỳnh quang ống tiết kiệm điện (T8, T5), quạt, điều hoà không khí gia dụng, tủ lạnh, quạt điện, máy giặt, máy biến áp phân phối, động cơ điện, nồi cơm điện…) đã được dán nhãn và lưu thông trên thị trường.

Hiện nay, tại Việt Nam có 2 loại nhãn năng lượng. Nhãn năng lượng xác nhận là nhãn thể hiện hình biểu tượng TKNL (còn gọi là biểu tượng ngôi sao năng lượng Việt), được dán cho các phương tiện, thiết bị lưu thông trên thị trường có mức hiệu suất năng lượng đạt hoặc vượt mức hiệu suất năng lượng cao do Bộ Công thương quy định trong từng thời kỳ. Nhãn năng lượng so sánh là nhãn được dán cho các phương tiện, thiết bị nhằm cung cấp cho người tiêu dùng các thông tin về hiệu suất năng lượng của phương tiện, thiết bị đó so với các thiết bị cùng loại khác, từ đó giúp người tiêu dùng lựa chọn được phương tiện, thiết bị có mức tiêu thụ năng lượng tiết kiệm hơn. Trên biểu tượng nhãn này, mức hiệu suất năng lượng thể hiện qua 5 cấp độ tương ứng với 5 ngôi sao, nhãn 5 sao là nhãn có hiệu suất tốt nhất.

Có thể thấy rằng, việc xuất hiện các sản phẩm, thiết bị dán nhãn năng lượng trên thị trường bước đầu đã tạo ra sự minh bạch về hiệu suất năng lượng giữa các thương hiệu, tạo sự cạnh tranh giữa các thương hiệu lớn, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp về đẳng cấp và chất lượng thiết bị. Đây là dấu hiệu tốt khẳng định hiệu quả của chương trình dán nhãn năng lượng. Theo kinh nghiệm của các nước, thực hiện thành công dán nhãn năng lượng và nhãn tiết kiệm năng lượng sẽ là yếu tố tích cực đóng góp cho việc hoàn thành các mục tiêu của quốc gia về tiết kiệm năng lượng được xác lập trong các chương trình dài hạn về bảo tồn năng lượng, về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

M.HẢI

Tin cùng chuyên mục