Hướng đến tầm nhìn dài hạn và tổng thể

Hướng đến tầm nhìn dài hạn và tổng thể

Thích ứng với biến đổi khí hậu tại Việt Nam

Theo các nhà khoa học, nhiệt lưu trữ trong đại dương đang tăng dần, nước biển dâng nhiều nơi; khoảng 20% lượng khí thải CO2 trên thế giới phát ra sẽ tồn tại trong bầu khí quyển lên tới hàng ngàn năm.

Còn tại Việt Nam, biến đổi khí hậu (BĐKH) đang làm gia tăng tần suất thủy văn cực đoan; tình trạng xâm nhập mặn diễn biến sâu, tác động mạnh; riêng khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), BĐKH có thể làm giảm 25%-40% dòng chảy kiệt và làm tăng dòng chảy lũ từ 30%-60%... Các thông tin này vừa được đưa ra tại Hội thảo khoa học “Từ sông ngòi đến đại dương: Tác động của biến đổi khí hậu tại Việt Nam” diễn ra tại TPHCM ngày 26-11 vừa qua.

Sạt lở bờ sông Cần Thơ Ảnh: CAO THĂNG

Chỉ 61% lượng nước sản sinh ở Việt Nam

Nhìn nhận, đánh giá về thực tế phát triển tại khu vực ĐBSCL, PGS-TS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm nước và BĐKH thuộc Đại học Quốc gia TPHCM, cho rằng, nơi đây đang tụt hậu, mức sống giảm (tuy rằng vẫn tăng về tuyệt đối, nhưng giảm về tương đối) so với cả nước. Nói cách khác, ĐBSCL vẫn phát triển nhưng không kịp so với tốc độ phát triển trung bình của cả nước. Đối với vấn đề di dân, trong thời kỳ từ năm 2004 - 2009 đã có khoảng 370.000 người di dân từ ĐBSCL, trong đó hơn 50% đến TPHCM. Nếu nhìn về năm 2100, dự báo lượng mưa sẽ tăng vào mùa mưa, kiệt vào mùa khô. Dự kiến trong tương lai, có khoảng 120 hồ chứa được quy hoạch ở thượng lưu với tổng dung tích trên 300 tỷ m3 nước. Các đập thuộc Trung Quốc có thể chiếm 25% tổng dung tích, Lào có thể chiếm 50%. Các hồ chứa có thể tăng dòng chảy mùa kiệt khoảng 10%-15% và giảm dòng chảy lũ 15%-20%. Các đập dâng hiện tại đã giữ lại khoảng 60% lượng phù sa hàng năm. Về lý thuyết, việc phát triển các hồ chứa có khả năng làm giảm đến 90% tổng lượng phù sa về đến ĐBSCL.

Trong một cuộc Khảo sát thủy văn - xã hội học năm 2015 do nhóm nghiên cứu của PGS-TS Hồ Long Phi thực hiện đối với 1.000 hộ dân sinh sống tại ĐBSCL cho thấy, lúa vụ 3 vẫn hấp dẫn với người dân. Đa số nông dân không thấy sự khác biệt giữa lúa vụ 3 với các vụ còn lại (trong khi nghiên cứu của các nhà khoa học chỉ ra rằng sản xuất lúa vụ 3 không có lợi cho người dân, môi trường sống); họ cho rằng cuộc sống đang tốt hơn; không nhận thức được các rủi ro về môi trường. Như vậy, ở đây có sự bất đối xứng giữa cách nhìn của các nhà khoa học với sự nhìn nhận, đánh giá của người nông dân. Khoa học hướng tới việc cân bằng tích hợp, đa mục tiêu; còn mục tiêu của nông dân là kinh tế. Giải pháp của nhà khoa học là đa dạng sinh học, thân thiện với môi trường; ngược lại, giải pháp của nông dân hướng tới định hướng thị trường, phù hợp với năng lực bản thân.

PGS-TS Phạm Thị Hương Lan, Trưởng Khoa Thủy văn và Tài nguyên nước, Trường Đại học Thủy lợi, cho biết, khoảng 61% tổng lượng nước ngọt hiện nay được sản sinh tại Việt Nam, còn lại đến từ thượng nguồn nước bạn (Lào, Trung Quốc). Tuy vậy, hiện phía ta với phía nước bạn Trung Quốc thiếu cơ chế phối hợp thông tin. Chẳng hạn, ngày 11-10, mặc dù đây là thời kỳ mùa khô, nhưng ở Lào Cai đã xảy ra một trận lũ nhỏ dù không có mưa trong khu vực, vì phía thượng nguồn nước bạn có đợt xả lũ. Chính điều này đã và đang gây khó khăn cho việc điều tiết, sử dụng nước, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân khu vực đồng bằng sông Hồng.

Nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo

Bà Marine Herrmann, công tác tại Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Địa vật lý và Không gian Hải dương học Legos tại Hà Nội (Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội/Viện Nghiên cứu Phát triển Pháp) thông tin, nhiệt độ trên trái đất từ năm 1850 - 1900 tăng liên tục khoảng 0,850C. Nhiệt lưu trong đại dương đang tăng dần, nước biển dâng nhiều nơi. Nhiệt độ nước biển tăng đồng sức tạo nên hiện tượng BĐKH, làm tăng hiệu ứng nhà kính. Nồng độ CO2 trong 2 thế kỷ qua tăng cao. Việc trái đất ấm dần lên hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự điều chỉnh của con người. Với trường hợp xảy ra BĐKH dài hạn, khoảng 20% lượng khí thải CO2 sẽ tồn tại trong bầu khí quyển hơn 1.000 năm; nước biển sẽ tiếp tục dâng để đáp ứng tình trạng nước đại dương ấm dần; các khối băng ở hai cực sẽ tan… Tất cả những tác động tiêu cực do BĐKH gây ra trên toàn cầu tác động mạnh đến Việt Nam, quốc gia có đường bờ biển dài hàng ngàn km2. Cụ thể như: ngập lụt nội thành, tình trạng sụt lún do bơm nước ngầm, đe dọa lưu vực sông Hồng, sông Mê Kông; gia tăng tần suất thủy văn cực đoan (xói mòn bờ đê, rửa trôi đất)… Nên chăng, Việt Nam cần nhanh chóng nâng cao hiểu biết, tuyên truyền cho người dân về tác động của BĐKH đến chu trình thủy văn cũng như hậu quả của nó. Ngoài ra, các cơ quan hữu trách, các tổ chức… cần có những phương pháp nghiên cứu cụ thể, thiết thực hơn về tác động, cách ứng phó với BĐKH.

PGS-TS Phạm Thị Hương Lan nhận xét: Hiện nay, việc ứng phó với tình trạng xả lũ thượng nguồn từ nước bạn rất khó khăn, vì Việt Nam hiện chưa có cơ chế phối hợp thông tin. Trước tình hình này, chúng ta rất cần nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo lũ sớm, vận hành an toàn hồ chứa theo thời gian thực; nâng cao hiệu quả cắt lũ của các hồ chứa qua việc thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa. Nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo hạn. Quy hoạch, phát triển và sử dụng tài nguyên nước bền vững; quy hoạch lại khu vực dân cư để thích ứng với BĐKH. Bên cạnh đó, nghiên cứu, ứng dụng giống mới để thích nghi với điều kiện BĐKH như lũ lụt, hạn hán (giống chịu mặn, chịu hạn, chịu ngập)…

Bàn về giải pháp thích ứng với BĐKH tại khu vực ĐBSCL nói riêng, cả nước nói chung, PGS-TS Hồ Long Phi kiến nghị: Cần hướng đến tầm nhìn dài hạn và tổng thể, tuy nhiên không được xem thường động cơ và năng lực thích ứng của cộng đồng. Cần tìm ra những giải pháp sáng tạo để thỏa mãn đồng thời cả hai phía (nhà khoa học và nông dân). Bên cạnh đó, những dự án tiên phong nên hướng đến các đối tượng thiểu số có động cơ và năng lực thích hợp cho việc chuyển đổi.

THI HỒNG - LƯƠNG THIỆN

Tin cùng chuyên mục