Ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, phát thải khí nhà kính… đã là câu chuyện chung trên toàn cầu. Chính vì thế, xu hướng đầu tư có trách nhiệm với xã hội là một chuẩn mực trong lĩnh vực đầu tư và phát triển nhằm bảo vệ sự an toàn của trái đất, duy trì đời sống an lành cho nhân loại. Cách thức và nguyên tắc đầu tư dựa trên những giá trị xã hội này đã và đang tạo ra động lực cho sự phát triển của chứng khoán xanh tại Việt Nam.
Chủ tịch HOSE Trần Văn Dũng kêu gọi doanh nghiệp hưởng ứng thị trường chứng khoán xanh. Ảnh: Huy Anh
Sẽ có trái phiếu xanh trong năm 2017?
Hiện trái phiếu xanh đang được áp dụng tại nhiều thị trường chứng khoán (TTCK) trên thế giới. Trái phiếu xanh được hiểu là công cụ huy động vốn cho các dự án, hoạt động đáp ứng được các tiêu chí về phát triển bền vững; trong đó có thể đáp ứng tất cả hoặc một phần quy định về môi trường, xã hội, quản trị; các dự án chuyển đổi sang năng lượng bền vững, kiểm soát cách thức thay đổi hành vi tiêu dùng. Việc hướng tới sử dụng năng lượng sạch nhằm ngăn chặn hiện tượng khí hậu ấm lên trên toàn cầu, tiến tới loại bỏ sự phụ thuộc về năng lượng hóa thạch đòi hỏi phải có sự đầu tư rất lớn trong nhiều lĩnh vực kinh tế khác nhau. Các sản phẩm trái phiếu xanh tại nhiều quốc gia đang có sự phát triển ấn tượng và ngày càng được ưa chuộng. Cụ thể như tại Pháp, trái phiếu xanh được triển khai từ năm 2007. Đến năm 2014, quy mô phát hành trái phiếu xanh tại Pháp đã lên tới 40 tỷ USD, năm 2015 tăng lên 60 tỷ USD. Pháp hiện là quốc gia có tỷ lệ phát hành trái phiếu xanh lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 11%. Chính phủ Nam Phi thử nghiệm các bộ quy tắc, quy định về chuẩn mực áp dụng với trái phiếu xanh vào năm 2011. Đến năm 2012, Nam Phi đã phát hành trái phiếu xanh lần đầu tiên cho dự án về năng lượng xanh. Đến cuối năm 2015, con số thực tế đã tăng gấp 20 lần với sự tham gia rộng khắp từ các tổ chức đa phương tới doanh nghiệp (DN), chính quyền địa phương. Nếu như năm 2012, số vốn huy động từ phát hành trái phiếu xanh tại Nam Phi đạt 2,6 tỷ USD, thì đến năm 2015, con số này đạt 41,8 tỷ USD…
Trong xu hướng này, lãnh đạo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) nhận định, với xu hướng đầu tư có trách nhiệm đang là một chuẩn mực trên thị trường tài chính toàn cầu, trái phiếu xanh được áp dụng tại nhiều TTCK quốc tế nên Việt Nam cần sớm định hình tiêu chí trái phiếu xanh. Vị này cho hay, hiện HNX đang nghiên cứu triển khai sản phẩm trái phiếu xanh - trái phiếu huy động vốn cho các dự án thân thiện môi trường. Trong năm 2017, khái niệm trái phiếu xanh sẽ được HNX giới thiệu đến các chủ thể phát hành, đặc biệt là các địa phương đang có nhu cầu gọi vốn. Tuy nhiên, theo đại diện HNX, với kinh nghiệm phát triển thị trường trái phiếu, việc phát hành trái phiếu xanh nên được thử nghiệm với trái phiếu chính quyền địa phương cho các dự án, chương trình xanh thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương. Đây cũng là xu hướng của nhiều nước trên thế giới khi muốn xây dựng thị trường trái phiếu xanh trong thời gian đầu. Điều này vừa tạo được sự minh bạch hơn so với trái phiếu thông thường vừa giúp liên kết các chính quyền địa phương với thị trường trong việc giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu; đồng thời chủ động hơn trong việc huy động vốn cho các chương trình, dự án xanh. Vị này cũng cho hay, ở tầm nhìn rộng hơn, việc phát triển thị trường trái phiếu xanh cũng có thể được coi là một cách tạo ra sự liên kết giữa các chính quyền địa phương của Việt Nam với các nhà đầu tư nước ngoài. “Kinh nghiệm của các TTCK lớn trên thế giới đang là những bài học quý cho Việt Nam trên con đường xây dựng thị trường trái phiếu Chính phủ hiệu quả, thị trường trái phiếu DN lành mạnh theo chiến lược phát triển TTCK mà Chính phủ đã đề ra”, vị này cho hay.
Kêu gọi doanh nghiệp phát triển bền vững
Là địa phương được lựa chọn làm địa điểm TTCK đầu tiên của Việt Nam từ năm 2000, TTCK tại TPHCM chiếm hơn 90% giá trị thị trường cổ phiếu của cả nước. Thời gian qua, Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) đã tham gia ký cam kết phát triển bền vững cùng nhiều Sở Giao dịch chứng khoán lớn trên thế giới. Đại diện HOSE cho biết, hiện nhiều nhà đầu tư tài chính thay vì chọn lựa đầu tư theo tiêu chí duy nhất là khả năng sinh lợi thì đã có sự chọn lựa thêm yếu tố của dự án đó, DN đó có gây ảnh hưởng xấu đến xã hội và môi trường hay không. Trên thế giới, hàng ngàn quỹ đầu tư lớn đã cùng ký cam kết chọn lựa đầu tư vào các quốc gia, DN theo tiêu chí phát triển bền vững. Chính vì thế, tại Lễ Đánh cồng đầu xuân Đinh Dậu 2017 mới đây, HOSE đã kêu gọi các thành viên thị trường hưởng ứng các hoạt động hướng tới một TTCK phát triển bền vững. Cụ thể, đối với DN niêm yết, bên cạnh việc minh bạch về thông tin tài chính và phi tài chính, các DN cần xây dựng chính sách về phát triển tại DN, có các công cụ quản lý cụ thể và có những thước đo nhằm đo lường hiệu quả việc triển khai trong thực tế, đầu tư vào các dự án xanh, tiết kiệm tài nguyên, sử dụng nguồn năng lượng sạch, tái tạo, quan tâm nhiều hơn đến người lao động và đóng góp cho xã hội. Đối với các nhà đầu tư, nhất là đối với các công ty chứng khoán và quỹ đầu tư cần thực hiện đầu tư theo các nguyên tắc đầu tư có trách nhiệm, dùng hoạt động đầu tư của mình để nâng cao ý thức của các DN về phát triển bền vững.
“Chúng tôi cũng cam kết tiếp tục các hoạt động nâng cao nhận thức, hỗ trợ về phát triển bền vững như tổ chức các hội thảo, sự kiện; khuyến khích bình đẳng giới, tiếp tục nâng cao chất lượng giải thưởng phát triển bền vững cho các DN niêm yết, xây dựng chỉ số phát triển và khuyến khích phát hành trái phiếu xanh”, ông Lê Hải Trà, Phó tổng Giám đốc phụ trách HOSE, nhấn mạnh.
Khai mở phiên giao dịch đầu tiên năm 2017, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng chỉ đạo ngành chứng khoán thực hiện nhiều nhiệm vụ trong thời gian tới, trong đó có việc thúc đẩy trái phiếu xanh từ ý niệm thành hiện thực
An Yên - Minh Huy