Có thể chờ đợi điều gì khi hai “ông kẹ” Barcelona và Manchester United chạm trán trong cuộc đụng độ thượng đỉnh ở trận chung kết Champions League sắp tới? Chúng ta hãy bắt đầu từ các vị trí cầm quân để thấy những sự tương phản kỳ lạ giữa hai đội bóng khổng lồ này.
Pep Guardiola là một trong những HLV trẻ nhất trong làng bóng đá đỉnh cao, còn Alex Ferguson bên phía M.U lại là tiền bối kỳ cựu, cầm quân từ khi Guardiola hãy còn là đứa bé 3 tuổi!
Già trầm tĩnh, thận trọng, còn trẻ sôi nổi, mạo hiểm hơn? Không hẳn vậy. Ngày xưa, Ferguson sắm vai tiền đạo khi còn chơi bóng. Bây giờ, Ferguson vừa đưa M.U lên ngôi vô địch Premier League với thành tích là đội ghi bàn nhiều nhất giải (tính đến trước khi Premier League bước vào vòng đấu cuối cùng). Guardiola khác hẳn. Ông vốn đã là cầu thủ thiên về phòng ngự khi còn chơi bóng. Bây giờ, đội Barcelona do ông dẫn dắt vô địch TBN vì luôn là đội thủng lưới ít nhất giải, chứ không phải là đội ghi bàn nhiều nhất.
Đội bóng do Guardiola dẫn dắt luôn được cả thế giới khen ngợi với lối chơi đẹp mắt tiqui-taca thiên hẳn về công. Nhưng kỳ thực, hệ quả của lối chơi ấy là tính phòng ngự của nó rất cao. Vì Barcelona phải bằng mọi cách giữ được quả bóng trong chân, nên đối phương rất ít khi có dịp tấn công Barcelona. Như vậy, Barcelona “tấn công để phòng thủ”. Họ thủng lưới rất ít là vì vậy.
M.U của Ferguson thì khác. Kể cả khi phòng thủ, họ cũng luôn chực chờ cơ hội để phản đòn. Đầu mùa, ai cũng xem thường M.U nói chung, hoặc Wayne Rooney nói riêng. Từ đó, người ta chẳng ngán M.U. Hễ gặp M.U thì ai cũng muốn tấn công, muốn gây tiếng vang bằng một chiến thắng. Riết rồi, Ferguson cứ phải bận tâm với các bài toán phòng thủ thế nào khi các trung vệ giỏi Nemanja Vidic hoặc Rio Ferdinand (hoặc cả hai) chấn thương.
Từng có lúc, Ferguson đưa đến 7 hậu vệ vào đội hình M.U. Đối phương tưởng bở, mải lo tấn công và bị M.U trừng phạt. Ngược với Barcelona, M.U “phòng thủ để tấn công”. Nhiều người đã từng cho rằng Premier League mùa này có nhà vô địch kém nhất. Mặc kệ, có ai ghi bàn nhiều hơn M.U của Ferguson?
Sự phức tạp từ cá tính cho đến quan điểm bóng đá, từ đặc điểm bên ngoài cho tới thực chất bên trong, làm Ferguson và Guardiola trở thành những con người rất khó đoán. Guardiola càng trẻ lại càng cố thể hiện sự già dặn, chững chạc, từ trong đến ngoài sân cỏ. Ngược lại, Ferguson càng già càng cố tỏ ra sôi nổi, trẻ trung. Ngẫm kỹ, giới hâm mộ cũng cảm nhận được phần nào các đặc điểm ấy nơi các đội bóng do Guardiola và Ferguson dẫn dắt.
M.U già cỗi về mặt hình ảnh, dù họ có các ngôi sao trẻ, “búng ra sữa” như Chicharito. Khi M.U thắng, rất khó nói được là họ thắng bằng con đường nào, tuyệt chiêu nào. Thắng vì đối phương không thể chống đỡ, thế thôi. Già cỗi là ở chỗ ấy, giống như hình ảnh của bóng đá Đức, cứ thắng như những cỗ máy, chứ chẳng có đường nét riêng đặc sắc hoặc sáng tạo nào. Barcelona tươi trẻ hơn. Cách chơi tiqui-taca cho dù của La Masia, của Johan Cruyff từ cuối thập niên 1970 đi nữa, bất quá cũng chỉ mới nổi khoảng vài năm nay. Vậy mà Barcelona cứ cố tỏ ra già dặn lắm!
Hãy xem, “tiền bối trẻ lâu” Ferguson hay “ông cụ non” Guardiola sẽ thắng trong cuộc chiến đầy tương phản sắp tới.
KINH THI