Trong những ngày qua, hình ảnh và hoạt động của ông Đoàn Ngọc Hải cùng các cộng sự xuất hiện trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng và các trang mạng xã hội. Goolge cho biết có đến gần 5 triệu thông tin về hoạt động của ông Đoàn Ngọc Hải xuất hiện trên mạng chỉ trong mấy ngày qua và có thể khẳng định rất ít người xác lập được con số đó trên mạng, kể cả các ca sĩ. Một điều rất vui là hầu hết các ý kiến đều tỏ thái độ đồng tình và đánh giá cao các hoạt động của đoàn xử lý vi phạm trật tự đô thị của quận 1. Bên cạnh đó cũng không khỏi những băn khoăn như: liệu tình hình có duy trì được lâu hay lại “bắt cóc bỏ dĩa” như những lần trước?
Trao quyền lập quy mạnh hơn
Còn nhớ khi còn sống, chứng kiến cảnh đội trật tự đô thị thu gom quang gánh của bà con bán hàng rong, nhà văn Nguyễn Quang Sáng có câu hài hước rằng “lấy đá mà ném ao bèo/bèo tan lại hợp phố phèo vẫn nguyên”. Để việc lập lại trật tự có tính lâu dài và bền vững, TPHCM cần phải tính đến các giải pháp căn cơ hơn. Trong đó, phải có cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương đối tốt trước khi “động binh”.
Một khu dân cư mới ở quận 7, TPHCM. Ảnh: Việt Dũng
Việc nhóm công tác cẩu xe, thu gom vật dụng để trả lại đường thông, hè thoáng là hoàn toàn đúng theo luật, nhưng phần nào đó làm cho một số người bị phạt chưa thật “tâm phục, khẩu phục”! Ở khu vực trung tâm 930ha và tính rộng ra là cả quận 1, quận 3 còn thiếu rất nhiều nơi giữ xe. Các dự án bãi giữ xe có quy mô như Trống Đồng, bãi ngầm ở Công viên Lê Văn Tám, Công viên Tao Đàn, bãi nổi ở Thảo Cầm viên, nhà giữ xe tự động nhiều tầng ở quận 1… rục rịch mãi vẫn không xây dựng được. Theo quy chuẩn quốc tế, trong bán kính 2km, các dịch vụ cơ bản phải được đảm bảo nhưng ở quận 1, quận 3 chưa sẵn sàng cho điều này, nên xe hơi đậu ở vỉa hè, lòng đường nhất định sẽ lại tái diễn. Tương tự như thế, một khi quận 1, 3 chưa sắp xếp được các điểm cho người bán hàng rong hành nghề theo quy chuẩn, chưa tổ chức lại không gian vỉa hè cho các hộ gia đình buôn bán ở mặt tiền thì khó giành lại được vỉa hè ngay một sáng một chiều.
Song song đó, cần phải có một hành lang pháp lý rõ ràng và mạnh. Quận 1 và quận 3 là bộ mặt của thành phố, nơi có rất nhiều cơ quan đầu não của thành phố và quốc tế, do vậy phải có những quy định cao hơn, chắt chẽ hơn và rõ ràng hơn so với các quận, huyện khác; chẳng hạn mức phạt sẽ cao hơn, các biện pháp chế tài mạnh hơn, các quy định lệ phí sử dụng dịch vụ công cũng phải cao hơn… Để làm được điều này, Chủ tịch UBND TPHCM và Chủ tịch UBND quận 1 phải được trao quyền lập quy mạnh hơn. Nếu không có hành lang pháp lý rõ ràng thì những người thực thi công vụ rất dễ bị phản ứng và có thể bị kiện ra tòa án.
Có chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và giáo dục đồng bộ
Vấn đề đặt ra nữa là cần phải có một lực lượng chuyên nghiệp đủ mạnh, được trang bị kỹ thuật như phương tiện, máy móc đầy đủ. Một điều hiển nhiên là vị phó chủ tịch quận, cho dù phụ trách mảng đô thị, không thể ngày nào cũng lòng vòng đi phạt được vì còn nhiều công việc khác ở cơ quan. Vỉa hè sau vài ngày chiến dịch được trao cho địa bàn phường, nhưng chủ tịch phường cũng không thể lao ra mặt đường mãi được, do vậy cần phải một lực lượng chuyên nghiệp quản lý trật tự phố phường. Có thể đó là lực lượng mới thành lập hoặc trao nhiều quyền và nhiệm vụ hơn cho các lực lượng đang có như trật tự đô thị, cảnh sát khu vực, thanh niên xung phong. Ở các nước xung quanh chúng ta như Malaysia, Singapore, Indonesia… việc giữ gìn môi trường sống (môi trường tự nhiên, môi trường an ninh, môi trường xã hội) giao cho các lực lượng cảnh sát môi trường, cảnh sát trật tự, cảnh sát giao thông. Ở các nước thường người vi phạm bị phạt tiền, còn việc thu xe rất hạn hữu bởi khi đó dính dáng đến quyền sở hữu tài sản, người thi hành công vụ có thể bị rắc rối với chủ xe hay với công ty bảo hiểm nếu làm trầy xe hay mất thiết bị nào đó, kể cả việc bị vu khống.
Mua bán lấn chiếm lòng lề đường trước Bệnh viện Từ Dũ vào mỗi buổi sáng. Ảnh: Vân Anh
Một điều quan trọng khác là việc thực thi một chính sách ở mức “quyết liệt” với tuyên bố “không giành lại được vỉa hè sẽ cởi áo về vườn” của vị phó chủ tịch như thế gây thú vị cho dư luận, nhưng lại gây bất ngờ cho các khổ chủ. Một công việc như thế cần phải có một quá trình khởi động, đành rằng trước đó đã làm nhiều lần thông qua các phong trào, các đợt ra quân. Còn nhớ trước khi Singapore thực thi các chính sách liên quan đến đời sống người dân, họ bao giờ cũng trải qua 3 giai đoạn; chẳng hạn để hành vi xả rác bừa bãi, khác nhổ ngoài đường, mặc đồ ngủ ra đường, phơi quần áo ngoài hàng rào, thả rông gia súc ra đường… không còn nữa, ông Lý Quang Diệu đã dành 6 tháng để tuyền truyền những điều không hay đó xuống tận các khu dân cư và phương tiện truyền thông để người dân nâng cao nhận thức, sự hiểu biết. Sau đó, Chính phủ Singapore dành thêm một tháng công bố các điều luật, mức xử phạt, hình thức chế tài và đảm bảo tất cả mọi người dân nắm rõ được thông tin này, cùng với đó là công bố giờ G là giờ luật đi vào đời sống. Bắt đầu từ giờ G, tất cả bất kỳ ai vi phạm, từ tổng thống, thủ tướng đến dân thường đều bị xử phạt mà không có bất kỳ sự nhân nhượng nào. Cách làm của Singapore như thế rất rõ ràng, minh bạch và kết quả là mang lại một Singapore xanh, sạch, đẹp, trật tự.
Muốn khu vực 930ha trở thành một Singapore thu nhỏ thì cần một chiến lược phát triển kinh tế -xã hội và giáo dục đồng bộ, thêm vào nữa là quy hoạch không gian và quy hoạch kinh tế - xã hội khoa học, có như thế mới duy trì được thành quả lâu dài, bền vững.
TS Nguyễn Minh Hòa
(Giám đốc Diễn đàn Phát triển đô thị bền vững châu Á tại Việt Nam)