
Là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng lớn từ thiên tai và biến đổi khí hậu (BĐKH), Việt Nam đã xác định tăng trưởng xanh là một chiến lược để phát triển bền vững. Tuy nhiên, để thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, đòi hỏi Việt Nam phải có một nguồn vốn lớn tập trung cho các dự án xanh.
Khuyến khích doanh nghiệp tham gia
Tài chính xanh luôn được xác định là trọng tâm trong chính sách phát triển kinh tế toàn cầu trong bối cảnh BĐKH đang diễn ra trên toàn cầu. Tại Việt Nam, theo Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 của Việt Nam mà Chính phủ phê duyệt năm 2012 đưa ra 3 nhiệm vụ chính gồm: giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; xanh hóa sản xuất, khuyến khích phát triển công nghiệp xanh, nông nghiệp xanh và xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững. Để thực hiện các nhiệm vụ này, Chính phủ cũng đã phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 - 2020, trong đó có việc hình thành khung chính sách tài chính tăng trưởng xanh, nhằm huy động vốn cho tăng trưởng xanh.

Dự án Mulberry Lane của Công ty Capital Land đạt tiêu chuẩn thân thiện với môi trường Ảnh: Huy Anh
Trong bối cảnh nguồn lực từ ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, khái niệm tài chính xanh lại còn khá mới mẻ tại Việt Nam nên nhiều ý kiến cho rằng cần phải huy động nguồn tài chính từ bên ngoài, trong đó khối tư nhân và nguồn vốn nước ngoài là rất quan trọng. Thị trường chứng khoán được cho là một kênh huy động vốn quan trọng cho các dự án xanh. Vừa qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã kêu gọi sự chủ động tham gia của cộng đồng doanh nghiệp (DN), công chúng đầu tư nhằm tạo một nền tảng bền vững cho tăng trưởng xanh. Trước mắt, chỉ khuyến khích các DN tham gia trên tinh thần tự nguyện và tiến tới xây dựng một khuôn khổ định hướng về tài chính xanh và các sản phẩm tài chính xanh cho các DN hoạt động trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Ông Vũ Bằng, Chủ tịch UBCKNN cho rằng, tăng trưởng xanh là vấn đề được Chính phủ Việt Nam rất quan tâm. Với sự hỗ trợ của các chuyên gia quốc tế, Chính phủ đã ban hành kế hoạch tăng trưởng xanh. Bộ Tài chính cũng đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành tài chính thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 - 2020. Tuy nhiên, ngoài nỗ lực của Chính phủ còn cần sự tham gia, phối hợp của các DN. Để nền kinh tế xanh hơn thì bản thân các DN trong nước phải có những hành động cụ thể hơn, thiết thực hơn để góp phần làm nền kinh tế xanh hơn.
Sẽ hình thành thị trường chứng khoán xanh
Hiện các cơ quan liên quan cũng đã có nhiều buổi tọa đàm, hội thảo để bàn về kế hoạch phát hành trái phiếu xanh. Theo đó, trái phiếu xanh được huy động để phục vụ cho các dự án- công trình “xanh” như các dự án thủy lợi, bảo vệ môi trường…
Trái phiếu xanh là một kênh thu hút vốn mới và hiệu quả cho các giải pháp nhằm thích nghi và giảm thiểu tác động BĐKH tại nhiều quốc gia. Thị trường chứng khoán thế giới đã hình thành các bộ chỉ số dành cho các công ty phát triển bền vững và nhận được sự quan tâm của nhiều quỹ đầu tư. Thực tế trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã manh nha việc hình thành thị trường chứng khoán xanh. Điển hình là Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) thời gian qua đã tổ chức nhiều phiên đấu thầu trái phiếu Chính phủ để đầu tư cho các dự án xanh như dự án sản xuất pin mặt trời, điện gió, các dự án thủy lợi… Đại diện HNX cho biết, hiện nhu cầu về vốn cho các dự án xanh ở Việt Nam rất lớn, đặc biệt là tại các địa phương có lợi thế về phát triển du lịch. Cũng trong xu hướng này, Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) đang tiến hành xây dựng các chỉ số bền vững môi trường - xã hội - quản trị (ESG) nhằm nâng cao nhận thức đầu tư và phát triển bền vững, nâng cao các tiêu chuẩn niêm yết, tạo chuẩn mực cho sự minh bạch của công ty và thị trường, tạo thêm các sản phẩm mới cho thị trường. HOSE dự kiến trong năm 2017 sẽ ra mắt chỉ số mới này.
Tuy nhiên, đại diện HOSE cho biết, để đưa ra được các sản phẩm tài chính xanh, cổ phiếu-trái phiếu xanh ra thị trường sẽ gặp phải một số thách thức. Cụ thể là khuôn khổ pháp lý và hướng dẫn báo cáo nhằm hỗ trợ tăng trưởng bền vững chưa đầy đủ, việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế còn hạn chế, thiếu tổ chức độc lập có đủ năng lực để đánh giá về các chỉ số phát triển bền vững cho các công ty. Đó là chưa kể việc đưa các tiêu chí về môi trường vào báo cáo sẽ làm tăng chi phí của các DN trong khi nhận thức về phát triển bền vững còn hạn chế. Chính vì vậy, các sàn giao dịch chứng khoán cho rằng, các cơ quan chức năng cần sớm xây dựng các tiêu chuẩn cụ thể để xác định thế nào là dự án xanh, công ty xanh, cổ phiếu xanh để làm căn cứ minh bạch thông tin. Từ đó, Nhà nước có cơ sở để đưa ra những ưu đãi về thuế, phí cho các DN và thu hút các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Ngoài ra cũng cần có cơ chế khuyến khích sự tham gia đầu tư vào thị trường trái phiếu xanh của các tổ chức để góp phần vào tăng trưởng xanh, phát triển bền vững tại Việt Nam.
| |
HÀ PHƯƠNG