Hy Lạp lại làm khó eurozone

Theo hãng tin AFP, ngày 20-9, cuộc họp khẩn của nội các Hy Lạp thảo luận các biện pháp ngăn ngừa nguy cơ Hy Lạp bị vỡ nợ bước sang ngày thứ 2. Hiện gói cứu trợ đầu tiên dành cho Hy Lạp là 156 tỷ USD vào tháng 5-2010 đã cạn kiệt. Quốc gia này cần ít nhất số tiền gấp 2 lần số tiền trên trong những năm tới.
Hy Lạp lại làm khó eurozone

Theo hãng tin AFP, ngày 20-9, cuộc họp khẩn của nội các Hy Lạp thảo luận các biện pháp ngăn ngừa nguy cơ Hy Lạp bị vỡ nợ bước sang ngày thứ 2. Hiện gói cứu trợ đầu tiên dành cho Hy Lạp là 156 tỷ USD vào tháng 5-2010 đã cạn kiệt. Quốc gia này cần ít nhất số tiền gấp 2 lần số tiền trên trong những năm tới.

  • Cải cách chưa hiệu quả

Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Evangelos Venizelos cũng đã điện đàm với các quan chức của Liên minh châu Âu (EU), IMF và Ngân hàng Trung ương (ECB) để thảo luận việc giải quyết cuộc khủng hoảng nợ tại Hy Lạp.

Để bù đắp những lỗ hổng thâm hụt ngân sách lên đến 500 tỷ USD, Chính phủ Hy Lạp gần đây đã đề xuất một chính sách thuế đặc biệt vào lĩnh vực bất động sản gây nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, hiện tại chính sách thuế này có vẻ như không hiệu quả trong việc giúp chính phủ nhanh chóng thu về những khoản tiền như mong đợi.

Hy Lạp dự kiến sẽ trình Quốc hội một kế hoạch cải cách mới để tiếp tục thắt chặt quản lý các khu vực kinh tế công nhằm giải quyết khủng hoảng nợ trong nước.

Người dân Hy Lạp biểu tình phản đối cải cách kinh tế của chính phủ.

Người dân Hy Lạp biểu tình phản đối cải cách kinh tế của chính phủ.

Trong khi đó, Ý đã trở thành quốc gia thứ 6 trong khu vực đồng tiền chung châu Âu bị các tổ chức xếp hạng tín dụng hạ bậc trong năm nay, sau Tây Ban Nha, Ireland, Bồ Đào Nha, Cộng hòa Síp và Hy Lạp, bất kể trước đó nội các Ý đã thông qua kế hoạch thắt lưng buộc bụng trị giá 54 tỷ EUR.

Hãng xếp hạng tín dụng Standard & Poor’s (S&P) hạ chỉ số tín nhiệm nợ công của Ý từ mức A+/A-1+ xuống mức A/A-1, đồng thời cho biết sự yếu kém về kinh tế, tài chính và chính trị của nền kinh tế lớn thứ 3 trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) là nguyên nhân dẫn tới quyết định này.

  • GDP tăng trưởng chậm

Những thông tin xấu về tình hình kinh tế tại Hy Lạp đã khoét sâu những lo lắng về khả năng Hy Lạp sẽ là mắt xích đầu tiên “mở hàng” vỡ nợ tại eurozone. Tình hình kinh tế của Ý hiện làm nhiều nhà đầu tư lo lắng về nguy cơ khủng hoảng nợ công làm tan rã eurozone, chấm dứt sự tồn tại của đồng tiền chung châu Âu, điều mà cách đây chỉ mới vài năm được coi là điều không tưởng.

Theo thông báo của Cơ quan thống kê châu Âu (eurostat), tăng trưởng GDP của khu vực eurozone gồm 17 thành viên đã chậm lại ở mức 0,2% vào quý 2, thấp hơn so với dự báo cũng như kém xa tốc độ tăng trưởng 0,8% của quý trước, chủ yếu là do kinh tế của hai đầu tàu Pháp và Đức sa sút.

Số liệu của Cơ quan Thống kê Liên bang Đức cho thấy sự tuột dốc của nền kinh tế lớn nhất eurozone khi GDP quý 2 chỉ tăng 0,1%, mức thấp nhất trong hơn 2 năm qua và bỏ xa tốc độ tăng 1,3% ngay trong quý trước, làm dấy lên những lo âu về nguy cơ kinh tế mất đà tăng trưởng.

Khi đưa đồng EUR vào sử dụng năm 1999, EU muốn thống nhất các quốc gia châu Âu thành một liên minh kinh tế - tiền tệ vững mạnh. Ước muốn của các nhà lãnh đạo EU phần nào đã thành hiện thực khi việc sử dụng đồng EUR trong những năm qua giúp đời sống người dân châu lục này thuận tiện hơn. Tuy nhiên, vấn đề khủng hoảng nợ công đang “trắc nghiệm” sự kết nối châu Âu và đặt ra câu hỏi về tương lai của đồng EUR.

Chủ tịch ECB Jean-Claude Trichet cho biết ngân hàng đã hạ mức dự đoán tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các nước trong eurozone xuống chỉ còn 1,6% trong năm 2011 và 1,3% trong năm 2012 so với mức lần lượt là 1,7% và 1,9% của dự báo trước đó. 

Ngày 20-9, Tổng thống Mỹ Obama đã điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel thảo luận về các biện pháp giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu.

Động thái này được cho là để xoa dịu những căng thẳng xảy ra từ hồi cuối tuần trước giữa Mỹ và EU, khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner nói các nhà lãnh đạo châu Âu đừng phó thác số phận của mình cho các nhà tài trợ chủ chốt của IMF, trong đó Mỹ đóng góp tới gần 17%.

Bộ trưởng Tài chính Áo thì tỏ ý không hài lòng với nhận xét của ông Geithner cho rằng sự vận hành của nền kinh tế Áo thậm chí còn tệ hại hơn toàn bộ khu vực eurozone.

THANH HẰNG

Tin cùng chuyên mục