Hy Lạp - Thiên đường trốn thuế

Công thức trốn thuế: 1/3-1/3-1/3
Hy Lạp - Thiên đường trốn thuế

EU và IMF vừa quyết định cho Hy Lạp vay gần 160 tỷ USD trong thời hạn 3 năm để cứu nước này khỏi cuộc khủng hoảng nợ. Cuộc khủng hoảng nợ công tại Hy Lạp xuất phát từ nhiều yếu tố nhưng có một điều mà nhiều người giờ đây mới nhận ra đó chính là tình trạng trốn thuế đi kèm với nạn tham nhũng hoành hành.

Công thức trốn thuế: 1/3-1/3-1/3

Tại khu vực ngoại ô phía Bắc của thủ đô Athens, chỉ có 324 người kiểm tra tiền hoàn thuế và cho biết họ còn nợ thuế. Thế nhưng khi các nhà điều tra thu thuế dùng hình ảnh vệ tinh quét qua khu vực này, họ thấy toàn nhà biệt thự kín cổng cao tường và phát hiện ra rằng có tới 16.974 người nợ thuế. Câu chuyện trốn thuế của người dân Hy Lạp đã thật sự làm ngạc nhiên giới truyền thông. Tình trạng trốn thuế đóng vai trò cốt lõi trong cuộc khủng hoảng nợ tại Hy Lạp.

Theo nhiều cuộc nghiên cứu, trong đó có cuộc nghiên cứu năm 2009 của Liên hiệp các ngành công nghiệp Hy Lạp, Chính phủ Hy Lạp có thể đã thiệt hại đến 30 tỷ USD/năm do tình trạng trốn thuế. Nếu tránh được vấn đề này, có thể Hy Lạp không phải rơi vào cuộc khủng hoảng như ngày hôm nay. Ông Ioannis Plakopoulos, chủ bút một tờ báo cũng như nhiều đồng nghiệp của ông đều cho rằng: “Người Hy Lạp cần trưởng thành. Cần học cách không gian lận hoặc không để người khác gian lận”.

Những người này ủng hộ luật thuế mới vừa được thông qua tháng 4-2010, theo đó tất cả hoạt động mua bán đều phải có hóa đơn và người bán buộc phải có máy tính tiền mặt. Để có thể nhận được tiền vay từ EU và IMF buộc Hy Lạp phải áp dụng các biện pháp khắc khổ, trong đó có sa thải hàng loạt công nhân và gia tăng thuế.

Đối với nhiều người dân Hy Lạp, họ cảm thấy như thể bị trừng phạt sau khi cuộc khủng hoảng nợ đưa nước này đến bờ vực phá sản. Các chuyên gia cho rằng tình trạng trốn thuế là một phần trong nền văn hóa rộng lớn mà trong đó có cả tình trạng tham nhũng và hối lộ.

Ngay bản thân ông Plakopoulos mặc dù ủng hộ các biện pháp thắt lưng buộc bụng của chính phủ nhưng cũng thừa nhận rằng ông và bạn bè thường tìm nhiều cách để trốn thuế. Để được chăm sóc tốt hơn khi tới bệnh viện, người Hy Lạp thường đưa “phong bì” cho bác sĩ, hành vi “lót tay” này trong tiếng Hy Lạp gọi là “fakelaki”.

Chuyện hối lộ các quan chức chính phủ để “bôi trơn” thủ tục hành chính ở Hy Lạp được “tiêu chuẩn hóa” tới nỗi nhiều người dân nắm rõ cả tỷ lệ phần trăm. Ví dụ, hàng hóa muốn được dán tem đã qua kiểm tra khí thải, chủ hàng phải lót tay 300 EUR/sản phẩm. Trong số những người trốn thuế nhiều nhất, theo các chuyên gia, không chỉ là tài xế taxi, chủ nhà hàng, thợ điện mà cả kỹ sư, kiến trúc sư, luật sư và cả bác sĩ.

Thủ đoạn trốn thuế của nhiều người Hy Lạp cũng rất liều lĩnh. Các cơ quan thu thuế gần đây theo dõi tiền hoàn thuế của 150 bác sĩ tại khu vực Kolonaki giàu có gần thủ đô Athens, hơn một nửa trong số này kê khai thu nhập chưa tới 40.000 USD/năm; 34/150 bác sĩ kê thu nhập dưới 13.300 USD/năm theo mức quy định họ sẽ khỏi phải đóng thuế. Cũng theo ông Ilias Plaskovitis, một quan chức Bộ Tài chính chuyên trách cải cách luật thuế, việc kê khai thu nhập như vậy thật khó tin so với giá thuê văn phòng tại khu vực nhà giàu đó.

Theo ông, năm 2009 chỉ có vài ngàn người Hy Lạp trong tổng số 11 triệu dân nước này kê khai thu nhập trên 132.000 USD/năm trong khi dấu hiệu của sự giàu có của họ hiển hiện ở khắp nơi. Ông cho biết, rất nhiều người có 2 nhà, một ở thành phố, một ở nông thôn, hai xe hơi và cả thuyền nhỏ nhưng kê khai thu nhập 15.000 USD/năm.

Với mức thu nhập như vậy thì chi phí mua khí đốt để sưởi ấm nhà hay dùng cho xe hơi thôi cũng không đủ. Nhiều người dân Hy Lạp cho biết, các nhân viên thu thuế có tiếng rất dễ nhận hối lộ nhất. Nhiều người cho biết những người muốn trốn thuế sẽ có 3 cách giải quyết: chỉ đóng 1/3 thuế cho nhà nước, 1/3 “bồi dưỡng” cho nhân viên thu thuế và 1/3 sẽ ở lại túi của người nộp thuế.

Theo bà Froso Stavraki, nhân viên thu thuế với 27 năm kinh nghiệm, tham nhũng xảy ra ở nhiều cấp độ trong hệ thống thu thuế và dường như các nhà chính trị từ lâu đã quên giải quyết vấn đề này.

Chính phủ Hy Lạp đã xác định mục tiêu thu thuế trong năm nay sẽ nhiều hơn năm trước ít nhất 1,6 tỷ USD. Theo ông Plaskovitis, mục tiêu này có vẻ khiêm tốn. Nhưng các quan chức EU tỏ ra thận trọng khi đưa ra dự toán ngân sách.

Trong vòng 1 thập niên qua, Hy Lạp thất thu thuế trầm trọng, thậm chí ngay cả trong giai đoạn nền kinh tế nước này bùng nổ. Theo báo cáo của EU năm 2008 về thuế của Hy Lạp thì từ năm 2000 đến năm 2007 tốc độ tăng trưởng bình quân GDP của nước này là 8,25% trong khi tỷ lệ tăng thuế chỉ ở mức 7%!

Làm thế nào để Hy Lạp thoát khỏi tình trạng nợ nần hiện nay vẫn là câu chuyện dài. Theo ông Kostas Bakouris, chủ tịch đại diện tại Hy Lạp của Tổ chức Minh bạch và chống tham nhũng quốc tế, người dân Hy Lạp thường không từ chối đưa và nhận hối lộ cũng như không hề từ bỏ hành vi nào có thể mang lợi riêng cho mình. Ai cũng biết, nếu mua hàng có hóa đơn sẽ tính giá cao hơn là không có hóa đơn.

Người chị của ông Kostas Bakouris cho ông biết rằng bà rất “ngại” khi yêu cầu bác sĩ lập hóa đơn vì không ai có yêu cầu “kỳ quặc” như vậy (?!). Nhiều cuộc nghiên cứu cho rằng nền kinh tế “đen” Hy Lạp hiện nay chiếm từ 20% đến 30% GDP nước này. Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou dẫn nghiên cứu của Viện Brooking cho biết tình trạng tham nhũng tại nước này đã gây thiệt hại tổng cộng 20 tỷ USD/năm và tiền đút lót, hối lộ ở Hy Lạp chiếm từ 8% đến 12% GDP/năm.

Thắt lưng buộc bụng đi kèm cải cách thuế

Các biện pháp thắt lưng buộc bụng của Hy Lạp gồm cắt giảm lương khu vực nhà nước và lương hưu trong vòng 3 năm với nỗ lực hạ mức thâm hụt ngân sách từ mức 13,6% GDP hiện nay xuống dưới mức 3% vào năm 2014. Ước tính Hy Lạp sẽ cắt giảm mạnh đội ngũ nhân viên nhà nước, xóa bỏ lương tháng thứ 13 và 14 trong khu vực công. Và, trợ cấp tháng thứ 13 và 14 của những người về hưu ở cả khu vực công và tư cũng sẽ bị cắt. Thuế VAT cũng sẽ tăng hơn từ 1% đến 2% so với mức hiện nay.

Phát biểu qua truyền hình, Thủ tướng Hy Lạp tuyên bố: “Những hy sinh này là rất đau đớn, nhưng lại rất cần thiết để có thể giúp chúng ta trả được món nợ 300 tỷ EUR. Nếu chúng ta không có tiền trả nợ, Hy Lạp sẽ bị phá sản”.

Dòng chữ viết trên tường Ngân hàng Trung ương Hy Lạp: “Chúng tôi không thỏa thuận. Chúng tôi có chiến tranh”

Dòng chữ viết trên tường Ngân hàng Trung ương Hy Lạp: “Chúng tôi không thỏa thuận. Chúng tôi có chiến tranh”

Các biện pháp kinh tế khắc nghiệt đã bắt đầu đè nặng lên vai người dân nước này. Trong vòng một tuần, giá một lít xăng đã hai lần tăng lên và dự báo sẽ còn tăng thêm ở Hy Lạp. Việc tăng thuế VAT cũng có nghĩa là giá tất cả các hàng hóa và dịch vụ sẽ tăng lên trong thời gian tới, trong khi đó, thu nhập của cán bộ và người dân tiếp tục giảm và thất nghiệp tăng lên.

Luật thuế mới của Hy Lạp quy định chặt chẽ hơn những liên quan đến thuế thu nhập và thuế giá trị gia tăng (VAT). Mã số thuế sẽ quy định cụ thể hơn ngành nghề của công nhân, bên cạnh đó sẽ có thêm nhiều câu hỏi kê khai hơn là chỉ đơn giản khai thu nhập ròng như trước kia. Mọi khoản miễn thuế giờ đây đã bị loại trừ. Ngoài ra, còn có nhiều biện pháp kích thích người dân sử dụng hóa đơn khi mua bán. Thêm vào đó, công tác thu thuế cũng sẽ được đẩy mạnh, theo đó các văn phòng thuế khu vực sẽ được tổ chức lại nhằm ngăn chặn tình trạng lạm quyền.

Các nhân viên thu thuế cũng sẽ bắt đầu dùng kỹ thuật kiểm tra chéo đối với các cửa hàng bán xe hơi sang trọng để xác định khách hàng của họ là ai để thu thuế các chủ xe, tránh việc chủ xe kê khai xe hơi của mình là “xe cơ quan” để trốn thuế thu nhập cá nhân. Thể hiện rõ quyết tâm, ông cho biết trong vài tuần tới, chính quyền sẽ đóng cửa các công ty, nhà hàng hay phòng mạch bác sĩ nếu họ không đóng thuế.

Một thực tế là, các biện pháp khắc khổ của Chính phủ Hy Lạp đã không nhận được sự đồng cảm của nhiều người dân và đã tạo nên hàng loạt cuộc biểu tình bạo động. Chủ tịch liên đoàn bác sĩ làm việc tại các bệnh viện nhà nước, ông Stathis Tsoukalos, cho rằng quyết định bãi bỏ ưu đãi thuế với các bác sĩ là sai lầm và bất công vì ưu đãi thuế này cho thấy lương của bác sĩ rất thấp.

Nói về việc các bác sĩ làm việc ở khu Kolonaki giàu có nhưng chỉ kê khai thu nhập thấp, ông này cho rằng họ mở phòng mạch hay mua nhà ở đây là do cha mẹ giúp đỡ (?!). Không khí sôi sục vì các biểu tình chống thu thuế của người dân trong xã hội, bởi vì, công chúng vẫn hồ nghi về kết quả của các biện pháp này. Hậu quả là Hy Lạp phải trả nợ với lãi suất rất cao, do các thị trường tài chính quốc tế áp đặt.

Chính phủ cho rằng người dân Hy Lạp đã được “sung sướng” trong một thập kỷ qua nhờ các hình thức trốn thuế, nay phải thắt lưng buộc bụng thì không thể nào thích nghi ngay được. Nhưng chắc chắn đã đến lúc mọi người Hy Lạp đều phải nghĩ đến lợi ích quốc gia.

Các chuyên gia kinh tế khẳng định “văn hóa trốn thuế” hiện không chỉ diễn ra ở Hy Lạp mà còn đang hoành hành ở nhiều quốc gia. Nếu các quốc gia khác không rút ra bài học từ Hy Lạp để khuyến khích người dân làm quen với “văn hóa đóng thuế” thì sẽ đến lúc họ sẽ phải “đứng cùng thuyền” với nước này.

Một tờ hóa đơn VAT tuy nhỏ nhưng giá trị không nhỏ chút nào đối với lợi ích của một quốc gia.

VŨ MINH
(Theo New York Times, Washington Post, AFP)

Tin cùng chuyên mục