IMF - Công và tội.

Bài 1: Những bài học xương máu
IMF - Công và tội.

Bài 1: Những bài học xương máu

Dù không thể phủ nhận vai trò ngày càng quan trọng của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), đặc biệt là sau các cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính, nhưng nhiều năm qua có ý kiến cho rằng, IMF cũng góp phần đẩy nhiều quốc gia đến bờ vực phá sản và chưa thật sự dự báo được các cuộc khủng hoảng tài chính để có “liều thuốc” đúng cho các “bệnh nhân”.

  • Từ khủng hoảng nợ ở Mỹ Latinh

Cuộc khủng hoảng nợ ở Mỹ Latinh xảy ra đầu những năm 1980 (một số nước bắt đầu từ những năm 1970), với cái tên “thập kỷ mất mát”. Thời điểm đó, các nước gặp khủng hoảng do nợ nước ngoài vượt GDP và họ không còn khả năng trả nợ. Những nước như Brazil, Argentina, Mexico đã vay mượn rất nhiều tiền từ các tổ chức tín dụng và các tập đoàn công nghiệp quốc tế để triển khai các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng. Khi nền kinh tế các nước này đang tăng trưởng, các chủ nợ rất vui vẻ cấp vốn. Thế nhưng từ năm 1975 đến 1982, khoản nợ của Mỹ Latinh với các ngân hàng thương mại tăng lên theo mức lãi suất 20,4%/năm. Như vậy, khoản nợ của họ từ mức 75 tỷ USD vào năm 1975 đã tăng gấp bốn lần, lên mức 315 tỷ USD vào năm 1983, tương đương 50% GDP khu vực này. Cùng lúc đó, Mỹ và EU tăng lãi suất ngân hàng, càng khiến khoản nợ của Mỹ Latinh thêm chồng chất.

Vào tháng 8-1982, Bộ trưởng Tài chính Mexico Jesus Silva-Herzog tuyên bố, Mexico không còn khả năng trả khoản nợ nước ngoài 85 tỷ USD và yêu cầu đàm phán lại thời hạn trả nợ với các chủ nợ. Hậu quả, hầu hết các ngân hàng thương mại đã giảm đáng kể hoặc ngừng hẳn các khoản cho vay mới với cả khu vực Mỹ Latinh. Hàng tỷ USD trước đó được hứa hẹn cho vay đều đình hoãn. Những khoản vay mới lúc này đều kèm theo nhiều điều kiện ngặt nghèo và các con nợ buộc phải chấp thuận sự can thiệp của IMF. Trong thời kỳ này, các quan chức IMF liên tục có các chuyến đi con thoi từ nước này sang nước khác ở Mỹ Latinh để đưa ra các chương trình “thắt lưng buộc bụng” tạo cơ hội để các nước khủng hoảng có thể trả nợ.

Chính vì vậy, tỷ lệ tăng trưởng và mức sống của các nước trong khu vực sụt giảm đáng kể, dẫn đến sự phản đối gay gắt IMF và các chính sách của tổ chức này. Chính điều này đã dẫn đến nhiều thay đổi về chính trị. Bộ trưởng Tài chính Mexico Herzog phải ra đi khi ông bị cáo buộc quá “vâng lời IMF” mà không tính đến sự bất ổn trong nước. Sau đó đến lượt chính phủ của Tổng thống Peru Alan Garcia phải từ chức. Chính phủ mới sau đó bác bỏ “công thức” do IMF đưa ra và tự cho phép mình khất nợ với IMF. Năm 1983, khoản nợ nước ngoài của Brazil lên mức 111 tỷ USD và nước này buộc phải nhờ cậy đến IMF sau khi các ngân hàng thương mại từ Tây Âu và Mỹ đều từ chối không cho Brazil vay tiếp.

Sau các cuộc đàm phán, IMF chấp nhận trợ giúp tài chính cho Brazil, đổi lại nước này phải thực hiện các chính sách khắc khổ do IMF đề ra như phá giá đồng tiền cruzeiro, cắt giảm mạnh chi tiêu quốc nội, phong tỏa mọi khoản lương, giảm hầu hết các chương trình trợ cấp của chính phủ. Hậu quả, tỷ lệ tăng trưởng GDP của Brazil giảm 4%, lạm phát tăng lên 211%, thất nghiệp tăng 12%, GDP từ mức 296 tỷ USD năm 1982 còn 226 tỷ USD năm 1985. Đã xảy ra hàng loạt vụ nổi dậy cướp bóc lương thực thực phẩm do người nghèo và người thất nghiệp thực hiện. Các quan chức Brazil vào đầu năm 1987 khi đàm phán về nợ với IMF tuyên bố họ sẽ “không ký kết các thỏa thuận với IMF”.

  • Đến khủng hoảng tài chính châu Á

Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 bắt đầu từ Thái Lan với sự mất giá của đồng baht theo sau quyết định thả nổi đồng tiền của chính phủ nước này. Bên cạnh đó, nợ nước ngoài quá lớn cũng góp phần làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng, dẫn tới cuộc khủng hoảng ở nhiều nước Đông Á khác, trong đó có Nhật Bản với hậu quả là thị trường chứng khoán cũng như giá trị tài sản rớt giá. Dòng vốn USD ồ ạt rút ra.

Trong thời điểm tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng, nợ nước ngoài của 4 nền kinh tế lớn nhất Đông Á có lúc lên đến 180% GDP. IMF vào cuộc với 40 tỷ USD giúp ổn định tiền tệ của Thái Lan, Hàn Quốc và Indonesia, những nước khủng hoảng nặng nhất. Thế nhưng, những biện pháp khắc khổ kèm theo đã dẫn đến sự ra đi của Tổng thống Indonesia Suharto sau 30 năm cầm quyền vào ngày 21-5-1998. Đó là kết quả của nhiều cuộc biểu tình phản đối giá cả tăng vọt sau khi Chính phủ Jakarta phá giá đồng rupiah theo yêu cầu của IMF. Những chương trình cho vay của IMF với các con nợ đều đòi hỏi một sự điều chỉnh “trọn gói (SAP)”, trong đó đầu tiên là cắt giảm chi tiêu của nhà nước để giảm thâm hụt ngân sách, cho phép nhiều ngân hàng phá sản, nâng cao lãi suất.

Tổng thống Indonesia Suharto ký vào các điều kiện chấp nhận khoản vay của IMF trước sự chứng kiến của Tổng giám đốc IMF Michel Camdessus năm 1998, để rồi sau đó ông phải ra đi vì những bất ổn kinh tế xã hội gây ra bởi các điều kiện cho vay khắc nghiệt của IMF.

Tổng thống Indonesia Suharto ký vào các điều kiện chấp nhận khoản vay của IMF trước sự chứng kiến của Tổng giám đốc IMF Michel Camdessus năm 1998, để rồi sau đó ông phải ra đi vì những bất ổn kinh tế xã hội gây ra bởi các điều kiện cho vay khắc nghiệt của IMF.

Trong giai đoạn này IMF bị chỉ trích dữ dội do áp dụng những “bài thuốc” cứng nhắc từ Nam Mỹ. Sau khi từng nước châu Á rơi vào khủng hoảng, rất nhiều nhà đầu tư địa phương và cả chính phủ nước ngoài ồ ạt rút vốn bằng USD. Hàng loạt các chính phủ sụp đổ, đồng tiền mất giá thảm hại và bất ổn xã hội gia tăng. Đó là những vấn đề mà IMF không thể lường trước. Nhiều nhà kinh tế cho rằng trong bối cảnh suy thoái cần hạ lãi suất để thúc đẩy sản xuất, tăng chi tiêu chính phủ để kích thích tiêu dùng, cắt giảm thuế. Trong khi đó IMF làm ngược lại.

  • Không dự báo được khủng hoảng

Công bằng mà nói, những “phương thuốc đắng” của IMF quả thực có gây ra nhiều bất ổn về chính trị lẫn xã hội nhưng nhìn chung, về lâu dài có thể giúp các nước rơi vào khủng hoảng dần dần thoát khỏi tình trạng nợ nần, cho dù cái giá phải trả có khi quá đắt. Vì thế bản thân IMF đã rút ra được nhiều bài học lớn. Trong một bài đăng trên tạp chí IMF Survey hồi tháng 3-2011, IMF cho rằng trải qua nhiều cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu, giờ đây, IMF đã có một cái nhìn mới về cách đánh giá rủi ro và triển vọng cho các nền kinh tế trên thế giới. Bài báo viết: “Trong suốt 3 năm qua, IMF đã trợ giúp 187 nước thành viên trong việc đánh giá hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. IMF cũng rút ra được những lỗ hổng trong công tác giám sát kinh tế tài chính toàn cầu”.

Để mô tả những phẫn nộ của người dân tại khu vực Mỹ Latinh với IMF, một bức tranh biếm họa trên tờ nhật báo Mexico đã nói lên tất cả.
Trong bức tranh này, một người dân lao động nước này đang bị treo cổ trong lúc một người đàn ông lịch lãm xách vali đang móc túi của người bị treo cổ để lấy đi những đồng tiền cuối cùng của ông ta. Trên vali ghi dòng chữ “IMF”.

Từ những đánh giá trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, IMF đã có một số bước nhằm nâng cao khả năng giám sát, trong đó nhấn mạnh đến các dấu hiệu cảnh báo sớm khả năng tổn thương của các nền kinh tế. Đặc biệt, IMF giám sát chặt chẽ những tác động có thể có của các chính sách từ các nền kinh tế lớn của thế giới với các nền kinh tế còn lại và những bước đi cần thiết một khi xảy ra khủng hoảng tài chính. Hiệu ứng lan tỏa này hiện nay đang được IMF quan sát kỹ tại 4 nền kinh tế lớn: Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Anh và khu vực đồng EUR. Theo IMF, mỗi 3 năm, họ sẽ xem xét lại hiệu quả của công tác giám sát kinh tế toàn cầu.

IMF cũng đang hình thành một cơ chế kiểm soát các dòng vốn, tránh những biến động lớn như rút ồ ạt hay đầu tư ồ ạt vào một nước làm ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế của nước đó, nhất là các nước đang phát triển.  IMF cho rằng các nước có quyền kiểm soát dòng vốn vào nước mình một khi dự trữ ngoại tệ đủ, đồng tiền không bị mất giá cũng như khi các chính sách tiền tệ và tài chính không còn tác dụng kiểm soát dòng vốn.

Sau cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua, Thái Lan, Brazil và một số nước đang chứng kiến dòng tiền nóng ồ ạt đổ vào, gây nguy cơ khủng hoảng khác như bong bóng bất động sản và lạm phát. Một số biện pháp kiểm soát dòng vốn của một nước là kiểm soát việc mua vào và bán ra đồng tiền nội tệ, khống chế mức trần việc mua hay bán các tài sản, tăng hoặc giảm thuế lên các hợp đồng mua bán bất động sản…

KHÁNH MINH tổng hợp


Bài 2: Đế chế của châu Âu

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) được chính thức thành lập ngày 27-12-1945. Đến nay, IMF có 187 thành viên và trải qua 12 đời tổng giám đốc (kể cả hai quyền Tổng Giám đốc là Anne Osborn Krueger từ tháng 3 đến tháng 6-2004 và John Lipsky hiện tại). Tất cả các tổng giám đốc đều là người châu Âu, riêng 2 quyền tổng giám đốc mang quốc tịch Mỹ. Vì sao người phương Tây thống trị tổ chức này? Họ có thiên vị cho các nước thuộc lục địa già và gây sức ép với các nước nghèo?

  • Thống trị IMF

Có thể nói, sự hình thành và phát triển của IMF gắn liền với châu Âu, do đó không có gì ngạc nhiên và trở thành luật bất thành văn khi chức vụ Tổng giám đốc IMF do người châu Âu nắm giữ. Nếu lấy thời điểm thành lập IMF tại Bretton Woods, bang New Hamshire, Mỹ, lúc đó IMF có nhiệm vụ giúp các nước Tây Âu phục hồi kinh tế sau Thế chiến thứ hai. Do vậy, nhiệm vụ của Tổng giám đốc IMF đầu tiên, ông Camille Gutt (người Bỉ gốc Do Thái), thật nặng nề.

Bộ trưởng Kinh tế - Tài chính và Công nghiệp Pháp Christine Lagarde (phải), ứng viên nặng ký của chức Tổng Giám đốc IMF.

Bộ trưởng Kinh tế - Tài chính và Công nghiệp Pháp Christine Lagarde (phải), ứng viên nặng ký của chức Tổng Giám đốc IMF.

Ông làm việc từ tháng 5-1946 đến tháng 5-1951, trở thành kiến trúc sư của kế hoạch cải tổ hệ thống tiền tệ, đưa đến việc phục hồi nền kinh tế Bỉ sau Thế chiến thứ hai. Ông tiến sĩ luật, thạc sĩ khoa học xã hội và chính trị này đã nổi tiếng trong Thế chiến thứ hai vì đã có công cứu đồng franc của Bỉ bằng cách bí mật chuyển số vàng dự trữ tại Ngân hàng Quốc gia Bỉ ra khỏi tầm kiểm soát của Đức Quốc xã.

Sau Thế chiến thứ hai, ông giúp chặn đứng tình trạng lạm phát của Bỉ với chiến dịch mang chính tên ông. Ông cũng có công trong việc thành lập liên minh kinh tế Benelux (gồm các nước Bỉ, Hà Lan và Luxembourg), một trong những tổ chức tiền thân của EU hiện nay.

Những chính sách tự do thương mại và thanh toán quốc tế hiện nay đã được IMF khởi xướng từ năm 1951 dưới thời của Tổng Giám đốc IMF thứ hai, ông Ivar Rooth, người Thụy Điển. Thế nhưng, tên tuổi của IMF thực sự được nhiều người biết đến từ khi ông Per Jacobsson, kế nhiệm người đồng hương Ivar Rooth. Là chuyên gia về kinh tế từng phục vụ tại Ngân hàng Lập nghiệp ở Basel, Thụy Sĩ, ông biết vận dụng các số liệu phân tích kinh tế làm cơ sở để IMF có nhiều tác động tích cực đến nhiều nền kinh tế thành viên.

Người cầm quyền lâu nhất của IMF cho tới nay là ông Michel Camdessus, người Pháp. Ông Camdessus lãnh đạo IMF từ tháng 1-1987 đến tháng 2-2000. Nhưng trong giai đoạn này, IMF cũng bị cho là nguyên nhân gây ra các cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ ở Mỹ Latinh và Đông Á.

Ông Camdessus bị chỉ trích không nắm đặc thù kinh tế của các nước Đông Á dẫn đến áp dụng mù quáng công thức từng áp dụng tại Mexico - vốn gây ra cuộc khủng hoảng tại nước này. Thế nhưng, cũng chính nhờ các biện pháp khắc khổ của IMF, những cuộc khủng hoảng này chấm dứt vào năm 2000.

  • Thừa nhận nghịch lý

Tuy nhiên, sai lầm lớn nhất của IMF hay của người đứng đầu IMF là không phân định rõ vấn đề lương thực hoàn toàn khác với các loại hàng hóa bình thường. Vì vậy, nhiều điều kiện thắt lưng buộc bụng của họ không quan tâm đến người lao động có đủ lương thực để ăn hay không, đặc biệt ở các nước đang phát triển.

Nhìn chung các chương trình của IMF và cả Ngân hàng Thế giới (WB) đều không chú trọng đến việc phát triển nông nghiệp bền vững.
 
Một sai lầm nữa của IMF là những điều kiện thắt lưng buộc bụng do họ đặt ra cho các nước đi vay khiến các nước này không thể chi tiêu thích hợp cho chăm sóc sức khỏe người dân, khiến tỷ lệ mắc một số bệnh tăng cao sau khi vay tiền của IMF.

Theo điều tra của Đại học Cambrigde và Yale, hàng ngàn người Đông Âu đã chết vì bệnh lao, tỷ lệ tăng 16,6%, do chính phủ các nước này không chi tiêu đủ cho y tế vì đã cam kết cắt giảm chi tiêu theo quy định của IMF.
 
Ngoài ra, các điều khoản bắt buộc của IMF cũng gây khó khăn cho các “con nợ” trong khâu bảo vệ môi trường vì không đủ tiền để đầu tư, nhưng nghịch lý là nếu không bảo vệ môi trường thì không đủ điều kiện để IMF cho vay. Thậm chí IMF còn thành lập Quỹ Xanh IMF cho phép rút vốn đặc biệt để chi cho việc ngăn chặn các hành động làm hại môi trường. Chính IMF cũng đã thừa nhận nghịch lý này trong báo cáo tháng 3-2010.

  • Chưa đến lượt các nước đang phát triển?

Với việc Tổng Giám đốc IMF Dominique Strauss-Kahn (người Pháp) từ chức, một số nền kinh tế đang vươn lên đã tỏ rõ ý muốn đưa đại diện của mình lên thay thế. Trong số này, có các cường quốc châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ hay Nhật Bản. Tuy nhiên, theo giới phân tích, tình hình chưa chín muồi để châu Á có thể cầm cân nẩy mực ở IMF.

Các nước đang phát triển phải được quyền có đại diện tại ban lãnh đạo của IMF. Báo chí Trung Quốc không ngần ngại dự đoán ông Chu Dân, cựu Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, nguyên cố vấn của ông Dominique Strauss-Kahn, rất có thể sẽ được lên kế nhiệm.

Cơ sở để Bắc Kinh hy vọng, đó là sự đóng góp ngày càng nhiều của Trung Quốc vào IMF. Sau quyết định cải cách IMF được công bố cuối tháng 11 năm rồi, Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia đứng thứ 3 về đóng góp cho IMF, sau Mỹ và Nhật Bản.

Tuy nhiên, ngay từ khi bùng lên vụ tai tiếng liên quan đến ông Strauss-Kahn, châu Âu đã bắn tin cho biết sẽ không nhường chức lãnh đạo vốn từ trước đến nay vẫn thuộc về họ. Sau Thủ tướng Đức Angela Merkel, đến lượt Bộ trưởng đặc trách châu Âu của Pháp cho rằng, châu Âu phải giữ một “vai trò quan trọng” tại IMF.

Lý do rất đơn giản: Châu Âu gộp lại là khối đóng góp nhiều nhất cho IMF. Theo các nhà quan sát, phản ứng của châu Âu cho thấy trước mắt, châu Á khó toại nguyện ý định lãnh đạo IMF, cho dù vai trò kinh tế của châu lục này càng lúc càng quan trọng. Một nguyên nhân khác, châu Á chưa đoàn kết được với nhau để chọn ra một ứng viên.

Theo RFI, không phải chờ đến khi ông Strauss-Kahn bị tai tiếng thì việc kế nhiệm ông mới được đặt ra. Vấn đề này đã được gợi lên từ trước đó, mà gần nhất là tại hội nghị của Ngân hàng Phát triển châu Á tổ chức ở Hà Nội.

Theo ông Parennas, Bộ trưởng Kinh tế-Tài chính và Công nghiệp Pháp, bà Christine Lagarde, đã hiện diện trong hội nghị đó và “dường như một số bộ trưởng tài chính châu Á đã bày tỏ thái độ ủng hộ việc bà ứng cử vào chức Tổng giám đốc IMF”.

Theo ông Simon Tay, Chủ tịch Học viện Ngoại giao Singapore, ngay cả khi các nước châu Á muốn bãi bỏ thông lệ dành chức lãnh đạo IMF cho một người châu Âu, họ cũng phải tính đến tình trạng hiện nay khi IMF đang xử lý cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu. Cục diện này cần một người có kinh nghiệm và hiện chỉ có người châu Âu mới hội đủ điều kiện đó.

Tóm lại, khả năng châu Á đưa được một người của mình lên nắm IMF còn rất xa vời. Thế nhưng, về lâu dài, triển vọng đó không thể loại trừ. Ông Rajiv Biswas, Trưởng nhóm chuyên gia kinh tế đặc trách châu Á – Thái Bình Dương tại Công ty Tham vấn IHS Global Insight ở Singapore, cảnh báo là cuộc tranh luận chỉ mới bắt đầu, và những truyền thống có từ sau Thế chiến thứ hai hồi giữa thế kỷ 20 là những “tàn tích hậu thuộc địa phải được nhanh chóng loại bỏ”.

Chuyên gia này kết luận: “Với sự nổi lên của Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia, cùng với sức mạnh của Nhật Bản, vai trò của vùng châu Á – Thái Bình Dương đang tăng lên”. Thực tế này sẽ buộc các nước công nghiệp phương Tây - cho đến nay vẫn chi phối IMF - phải thay đổi thái độ.

KHÁNH MINH

Tiết lộ kết quả xét nghiệm ADN cựu Tổng giám đốc IMF

Có quan hệ tình dục?

Theo AP, kết quả xét nghiệm ADN của cựu Tổng Giám đốc IMF Dominique Strauss-Kahn trùng với dấu vết tinh trùng trên cổ áo của cô phục vụ phòng tại khách sạn ở Manhattan, New York. AP cho biết họ có được tin này từ 2 người thân cận với nhóm điều tra.

Một số nhân viên khách sạn Sofitel, nơi ông Strauss-Kahn ở, còn khai với đội điều tra rằng ông ta đã gạ gẫm một thủ quỹ giúp ông đăng ký phòng, sau đó hẹn với cô ấy đến phòng ông sau giờ làm việc nhưng cô này đã từ chối.

Ông Strauss-Kahn bị cáo buộc tấn công tình dục một phụ nữ khi cô ta dẫn ông về phòng kiểm tra tiện nghi ngay khi ông vừa nhận phòng. Hiện ông đang được tại ngoại sau khi đóng tiền bảo lãnh 1 triệu USD và đang ở một căn hộ thuê sang trọng tại khu Manhattan.

Hiện các nhân viên điều tra, cảnh sát và cả luật sư của ông Strauss-Kahn vẫn chưa bình luận gì về thông tin này. Cũng theo các chuyên gia, tiết lộ nói trên cho thấy có xảy ra quan hệ tình dục nhưng không thể xác định liệu có cưỡng bức hay không.

K.MINH

Cơ chế bầu chọn Tổng giám đốc IMF

Ban điều hành IMF gồm 24 thành viên đại diện cho 187 nước thành viên. Mỗi thành viên ban điều hành IMF đại diện cho một hoặc một nhóm nước (trường hợp các nước đóng góp ít). Việc bầu chọn Tổng giám đốc IMF do ban điều hành quyết định và diễn ra theo trình tự như sau: Tất cả 24 thành viên ban điều hành đều có quyền đề cử ứng viên, sau đó ban điều hành sẽ bỏ phiếu bầu hoặc thông qua theo nguyên tắc đồng thuận (các tổng giám đốc IMF từ trước tới nay đều được bầu theo nguyên tắc đồng thuận).

Tùy theo mức đóng góp vào IMF, mỗi thành viên này sẽ có sức mạnh lá phiếu nhiều hay ít. Ví dụ: ông Meg Lundsager, hiện đại diện cho Mỹ, có 16,8% sức mạnh lá phiếu; ông Mitsuhiro Furusawa, đại diện Nhật Bản có 6,25%; đại diện của Đức 5,83%; Pháp 4,3%; Anh 4,3%; Trung Quốc 3,82%... Ông Der Jiun Chia, người Singapore đại diện cho nước này và 12 nước khác ở châu Á, có 3,89%; ông Moeketsi Majoro, đại diện cho 21 nước ở châu Phi, có 3,23%.

(Theo San Francisco Chronicle)

Tin cùng chuyên mục