TS. Nguyễn Trung Hòa, nguyên Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) đã cho biết như trên tại hội thảo lấy ý kiến của các chuyên gia với nội dung “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 09:2013/BXD về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả (gọi là Quy chuẩn 09) - Đánh giá tình hình thực hiện và đề xuất nội dung bổ sung, sửa đổi” do Bộ Xây dựng phối hợp với Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC - WB) tổ chức mới đây.
70% đối tượng không thực hiện
Quy chuẩn 09 được Bộ Xây dựng ban hành năm 2013 quy định: Các công trình dù là chung cư, khách sạn, văn phòng, trung tâm thương mại hay bệnh viện, trường học có diện tích sàn từ 2.500m² trở lên khi xây dựng mới hoặc cải tạo phải tuân thủ Quy chuẩn 09 về sử dụng tiết kiệm năng lượng (TKNL). Theo đó, các quy định về TKNL trong Quy chuẩn 09 phải được áp dụng vào lớp vỏ công trình (mái, tường bao) và các trang thiết bị công trình (hệ thống thông gió và điều hòa, chiếu sáng, thang máy, thiết bị đun nước nóng, thiết bị quản lý năng lượng)... Hiệu quả TKNL trong công trình xây dựng thể hiện ở nhiều mặt như suất đầu tư, thời gian thu hồi vốn, giảm chi phí sử dụng năng lượng, gia tăng giá trị công trình và khả năng định vị thương hiệu... Đây là một chỉ tiêu quan trọng trong việc đánh giá dự án xanh. Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát của Bộ Xây dựng và IFC nhằm đánh giá lại thực tiễn áp dụng Quy chuẩn 09 sau 3 năm triển khai, khoảng 70% đối tượng liên quan như chủ đầu tư, nhà tư vấn thiết kế, nhà thầu xây dựng, nhà thầu cung cấp thiết bị, cơ quan quản lý không nắm được quy chuẩn này.
Một dự án xanh tại TPHCM. Ảnh: HUY ANH
Cuộc điều tra khảo sát của Bộ Xây dựng và IFC cho biết, cả nước chỉ có khoảng 10% các công trình thuộc phạm vi phải áp dụng Quy chuẩn 09, trong đó chủ yếu nằm ở 3 TP lớn là Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM. Có đến 9/41 tỉnh, thành được khảo sát không có công trình có diện tích sàn từ 2.500m² trở lên. Trong đó, khảo sát tại các công trình phải áp dụng cho thấy, sự tuân thủ quy chuẩn đối với lớp vỏ chỉ có khoảng 25,4%, chiếu sáng là 21%, thông gió và điều hòa là 11%, sử dụng điện năng 9,9%, thang máy 8,5% và hệ thống đun nước nóng 4,2%. Kết quả khảo sát cũng thấy, có 27/41 Sở Xây dựng ở các tỉnh, thành có áp dụng Quy chuẩn 09 vào thực hiện thẩm tra thiết kế (các tỉnh còn lại chưa có công trình phải áp dụng quy chuẩn này) nhưng mới có 3 Sở Xây dựng kiểm soát tất cả các quy định theo quy chuẩn quy định.
“Phần lớn chủ đầu tư thiếu thông tin và chưa quan tâm đến hiệu quả năng lượng thông qua giải pháp thiết kế, xây dựng. Hệ thống kiểm soát sự tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn (kiểm soát chất lượng) về TKNL trong công trình của nhà thầu tư vấn thiết kế và xây dựng chưa hoặc không hiệu quả. Công tác thẩm định thiết kế, nghiệm thu công trình xây dựng của cơ quan quản lý Nhà nước các cấp chủ yếu tập trung vào các quy định về quy hoạch, kiến trúc và an toàn chịu lực của công trình, an tòa môi trường, an toàn cháy, nổ”, TS. Nguyễn Trung Hòa cho hay.
Ngoài ra, đoàn khảo sát cũng cho biết, qua phỏng vấn với các chủ đầu tư, nhà tư vấn thiết kế, gần như 100% áp dụng sai các quy chuẩn TKNL. Trong đó, có những công trình tuổi thọ là 50 - 100 năm nhưng vẫn áp dụng tiêu chuẩn TKNL của công trình 20 năm. Không ít các bản thiết kế nhà máy - công trình công nghiệp nhưng lại áp dụng tiêu chuẩn TKNL của công trình xây dựng…
Công trình TKNL nhanh hoàn vốn
Xuất phát từ tình hình thực tế nêu trên, Ban soạn thảo cho biết hiện đang tiếp tục lấy ý kiến đóng góp từ nhiều phía nhằm sửa đổi, bổ sung Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 09:2013/BXD hoàn chỉnh và thực tế hơn. Góp ý để sửa đổi quy chuẩn, nhiều DN bất động sản cho rằng, quy chuẩn cần đưa ra những quy định có thể áp dụng vào thực tiễn và cần chú ý đến yếu tố thị trường hơn vì không ít các chủ đầu tư khi áp dụng các quy định tại Quy chuẩn 09 gặp không ít khó khăn trong việc cạnh tranh giá thành sản phẩm trên thị trường.
Bởi lẽ khi áp dụng các quy định về TKNL trong công trình thì chi phí đầu tư công trình luôn bị đội lên kéo theo giá thành cao hơn. Trong khi đó, hiện Nhà nước vẫn chưa có những chính sách ưu đãi hay những cơ chế riêng để khuyến khích các DN thực hiện các công trình TKNL, công trình “xanh” nên chưa có nhiều DN tham gia.
Về việc này, chuyên gia tư vấn cao cấp trong lĩnh vực thiết kế công trình xây dựng TKNL của IFC khẳng định, tại nhiều quốc gia, chi phí đầu tư xây dựng công trình TKNL không quá 10%, trong khi đó, công trình này có thể TKNL được gần một nửa so với công trình xây dựng bình thường. Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cho rằng, để có được kết quả trên các nhà làm chính sách của Việt Nam cũng cần phản ánh sự thay đổi của thị trường (công nghệ, giá thành) vào quy chuẩn sửa đổi trong thời gian tới.
Ông Poul E. Kristensen, cố vấn kỹ thuật của IFC cũng chia sẻ: tại Đan Mạch, những thay đổi nhỏ trong quy chuẩn xây dựng có thể mang lại lợi ích lớn trong việc thực hiện dự án “xanh” TKNL. Hiện tại, nhu cầu sử dụng năng lượng ở các tòa nhà tại Đan Mạch đã giảm tới 80% so với năm 1961 khi việc TKNL được đặt ra. “Mặc dù chi phí đầu tư tăng thêm khi “xanh hóa” công trình khiến chủ đầu tư phải chi thêm khoảng 2% - 5% chi phí xây dựng. Tuy nhiên, khả năng TKNL lên tới 30% - 60% và chỉ mất từ 3 - 6 năm là chủ đầu tư có thể hoàn vốn”, ông Poul E. Kristensen cho biết.
Thực tế tại Việt Nam, sau khi được giới thiệu chính thức vào tháng 6-2015, Chứng chỉ EDGE (Hệ thống đánh giá công trình sử dụng tài nguyên hiệu quả giúp TKNL) của IFC đã được triển khai tại nhiều công trình chung cư cao tầng, văn phòng, khu thương mại, khách sạn và cả bệnh viện tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Hiện có khoảng 500.000m² sàn xây dựng được cấp Chứng chỉ EDGE (9 dự án) và 500.000m² khác đang trong giai đoạn đánh giá. Lợi ích của các công trình “xanh” TKNL này, đặc biệt là các dự án nhà ở là sản phẩm được thị trường đón nhận nhiều hơn, bán nhanh hơn và nhiều dự án chủ đầu tư công trình này chỉ phải đầu tư thêm 1% so với mức đầu tư ban đầu. “Thực tế tại Việt Nam và các nước lân cận có cùng điều kiện khí hậu cho thấy bài toán công trình “xanh” TKNL là rất khả thi vì chi phí có thể tăng từ 1% đến dưới 5% nhưng có thể giảm tới 60% chi phí điện nước để vận hành tòa nhà trong suốt 50 năm sau đó. Chính vì thế, các chủ đầu tư đừng vì ngại chi phí ban đầu mà bỏ đi cơ hội và lợi ích mà các công trình TKNL mang lại về tỷ suất đầu tư”, ông Poul E. Kristensen khuyến nghị.
HÀ PHƯƠNG