Công ty Hào Dương đã vi phạm về bảo vệ môi trường liên tục và có hệ thống trong nhiều năm qua nhưng không bị xử lý đến nơi đến chốn. Hào Dương không bị chế tài, ai có lợi? Dĩ nhiên bản thân công ty có lợi. Nhưng công ty là ai, phải chăng là lãnh đạo, những người bỏ vốn đầu tư, những người mua cổ phiếu, những đối tác có quyền lợi liên quan và công nhân đang làm việc tại đây? Như vậy, nếu vụ việc của Hào Dương bị quên lãng hoặc bị ém thì có một nhóm có lợi ích từ điều đó, dù lợi ích đó ít nhiều khác nhau và sự chủ động tham gia bảo vệ lợi ích đó cũng khác nhau.
Vậy ai chịu thiệt hại? Có thể rất khó xác định đầy đủ ai là người phải chịu thiệt hại, nhưng vẫn có thể chỉ ra không ít người phải “gồng mình” với hành vi gây ô nhiễm môi trường của Hào Dương. Đó là những người sống gần công ty, những người có đời sống gắn với các dòng sông có chứa chất thải xả từ Hào Dương; kể cả công nhân làm việc trong công ty cũng có thể là người nhận hậu quả. Trên nữa, với sự chà đạp lên kỷ cương, pháp luật, các cơ quan công quyền có trách nhiệm liên quan đến vụ việc phải chịu thiệt, bởi uy tín, lòng tin của nhân dân (và của cả cấp trên) bị giảm sút.
Như vậy, có một nhóm có lợi ích nhưng đông đảo người chịu thiệt và trong đó có thể có người vừa có lợi ích vừa phải chịu thiệt (được mặt này nhưng mất mặt khác). Nếu xét giữa những đóng góp của Hào Dương cho sự phát triển kinh tế, tăng trưởng, giải quyết công ăn việc làm, và những thiệt hại do hành vi làm ô nhiễm môi trường gây ra, có thể khó tính toán được bên nào nặng hơn, nhưng rõ ràng hiện tượng “lợi ích nhóm” trong vụ việc này là có thật. Khi toàn xã hội đang đấu tranh chống lại các biểu hiện “lợi ích nhóm” thiếu lành mạnh trong các hoạt động của xã hội thì vấn đề ở Hào Dương nên được quan tâm xử lý một cách rốt ráo, mạnh dạn. Bởi vì, nếu dung dưỡng, “chiếu cố” Hào Dương là vô hình trung tạo điều kiện cho một kiểu lợi ích nhóm không chính đáng được tồn tại, phát triển và lây lan. Trong khi đã có nhiều ý kiến cảnh báo rằng đã và đang có khá nhiều “lợi ích nhóm” tiêu cực chi phối nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội, thì thêm một “lợi ích nhóm” tiêu cực khác trong vấn đề bảo vệ môi trường tiếp tục là một sự báo động.
Từ đây, có thể nhìn rộng ra hơn trong vấn đề bảo vệ môi trường. Thông thường, một chủ thể vì lợi ích của mình mà gây ô nhiễm môi trường thì ít bị các đối tượng khác quan tâm, mà chủ yếu có phản ứng của những người có quyền lợi hợp pháp bị xâm phạm trực tiếp hoặc gián tiếp từ vi phạm đó, hoặc đôi khi do sự sâu sát của các cơ quan công quyền theo chức năng, nhiệm vụ của mình. Chẳng hạn, một xí nghiệp gây tiếng ồn, nếu những hàng xóm không có ý kiến gì thì những người khác cũng chẳng lên tiếng, chính quyền chắc cũng chẳng buồn nhắc nhở… Vì vậy, tình trạng ô nhiễm môi trường cứ diễn ra nhưng ít khi bị đấu tranh đến nơi đến chốn. Nhớ lại, vụ Công ty CP Nicotex Thanh Thái chôn chất thải độc hại xuống đất cách đây không lâu, chính vì ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân nên nhiều người đã phản ứng dữ dội, chứ thực tế bản thân các cơ quan chức năng thiếu sâu sát và kiên quyết…
Từ đó có thể thấy, nếu các cơ quan chức năng làm không hết hoặc không tròn trách nhiệm thì vấn đề ô nhiễm môi trường sẽ ngày càng nghiêm trọng. Khi đó, quyền lợi của người vi phạm vẫn được đảm bảo còn quyền lợi của những người khác - nhất là những người vô hình/người trừu tượng - tức không phải các cá nhân cụ thể và các thế hệ sau sẽ phải lãnh đủ. Sự nguy hiểm của điều đó chắc không khó nhận ra, vấn đề là ai sẽ tích cực xử lý, nếu không ai thấy trách nhiệm và quyền lợi của mình.
TRỊNH MINH GIANG
(Thủ Đức, TPHCM)