Kết nối cung cầu hàng hóa: Doanh nghiệp sản xuất yếu thế trước nhà phân phối

Nhà sản xuất và nhà phân phối chưa tìm được tiếng nói chung để thực hiện tốt việc kết nối cung - cầu hàng hóa. Thực trạng này không chỉ làm cho nhà sản xuất khó khăn mà khiến người tiêu dùng cũng bị thiệt thòi vì không có nhiều sự lựa chọn khi mua hàng hóa.
Kết nối cung cầu hàng hóa: Doanh nghiệp sản xuất yếu thế trước nhà phân phối

Nhà sản xuất và nhà phân phối chưa tìm được tiếng nói chung để thực hiện tốt việc kết nối cung - cầu hàng hóa. Thực trạng này không chỉ làm cho nhà sản xuất khó khăn mà khiến người tiêu dùng cũng bị thiệt thòi vì không có nhiều sự lựa chọn khi mua hàng hóa.

Khó đưa hàng vào siêu thị

Theo nhận định của ông Nguyễn Nguyên Phương, Trưởng phòng Quản lý thương mại Sở Công thương TPHCM, hiện nay mối quan hệ giữa cung cầu hàng hóa là không bình đẳng. Nguyên nhân chính là chúng ta đang có quá nhiều nhà sản xuất hàng hóa ở dạng nhỏ, lẻ nên năng lực tổ chức sản xuất và cung ứng có hạn, trong khi đó hệ thống phân phối lại quá ít. Riêng tại TPHCM, hệ thống hạ tầng thương mại cũng chưa phát triển đúng tầm, đáp ứng tốt hơn cho nhu cầu sản xuất và phân phối. TPHCM hiện có gần 10 triệu dân nhưng TP mới chỉ có 27 trung tâm thương mại, 163 siêu thị, gần 500 cửa hàng tiện ích và 243 chợ.

Trên thực tế, với quy mô dân số như TPHCM phải có 100 trung tâm thương mại, 1.000 siêu thị và 10.000 cửa hàng tiện ích. Chính vì vậy, những nhà sản xuất nhỏ, các cơ sở sản xuất làng nghề hạn chế về năng lực tài chính rất khó đưa hàng vào các kênh phân phối hiện đại. Nếu có đưa được hàng vào thì càng khó tồn tại, duy trì vị trí quầy kệ. Điều này đồng nghĩa, các DN sản xuất luôn ở kèo dưới, còn nhà phân phối lại có rất nhiều quyền lựa chọn.

Cùng quan điểm này, ông Đặng Thành Bửu, Giám đốc Công ty Sa Giang (tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, hiện chi phí để đưa hàng hóa vào siêu thị là rất cao, tổng cộng lên tới 23% (gồm chiết khấu và lợi nhuận của siêu thị...). Trên thực tế, mức chi phí cao như vậy nhưng không phải DN nào cũng có thể đưa hàng hóa vào các kênh phân phối hiện đại. Ông Phan Văn Thuận, Phó Tổng giám đốc Công ty Thủy sản 584 Nha Trang, chuyên sản xuất nước mắm cho biết, sản phẩm của công ty 13 năm là hàng VN chất lượng cao, là DN nước mắm đầu tiên nhận giải Sao Vàng Đất Việt, vừa được công nhận là 1 trong 10 sản phẩm gia vị và nước chấm nổi tiếng VN… Với hàng loạt giải thưởng, cộng với bề dày 35 năm, nhưng khi công ty đưa hàng vào siêu thị cũng gặp không ít khó khăn như chưa được nhiều người tiêu dùng biết đến do DN chưa đầu tư thỏa đáng cho công tác quảng bá sản phẩm. Thực trạng này không chỉ làm cho DN sản xuất thiệt thòi mà người tiêu dùng cũng không được hưởng lợi từ những sản phẩm có chất lượng nhưng giá bán phải chăng.

Người tiêu dùng lựa chọn hàng điện tử tại một trung tâm phân phối điện máy. Ảnh: CAO THĂNG

Người tiêu dùng lựa chọn hàng điện tử tại một trung tâm phân phối điện máy. Ảnh: CAO THĂNG

Cần ưu tiên DN nhỏ

Là một trong những DN thành công trong việc liên kết phát triển sản xuất và hệ thống phân phối, bà Phạm Thị Huân, Giám đốc Công ty Ba Huân, đề nghị, Sở Công thương các tỉnh phải có nhiệm vụ đấu nối giữa các DN với các hệ thống phân phối, tạo điều kiện cho 2 bên có nhiều cơ hội tiếp cận. Tránh tình trạng hàng sản xuất rất tốt nhưng lại không tìm được đầu ra hoặc phải qua quá nhiều tầng nấc trung gian làm đội giá sản phẩm. Cách làm này hiện đã được TPHCM triển khai khá tốt nhưng tại các tỉnh thì còn nhiều hạn chế. Tại các hội chợ cũng cần hỗ trợ về chi phí cho DN ở các tỉnh, nếu cùng một lúc vừa phải lo chi phí gian hàng, vừa lo chi phí nhân công... vô hình trung việc tham gia hội chợ sẽ làm tăng gánh nặng cho DN. Nếu không tạo điều kiện cho họ tham gia giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm đối tác, các DN nhỏ sẽ không thể phát triển.

Theo khuyến cáo của ông Nguyễn Nguyên Phương, tự thân các DN, các đơn vị cũng cần tích cực tìm kiếm cơ hội làm ăn trên cơ sở có sự hợp tác của các cơ quan quản lý nhà nước với vai trò là trung gian, cầu nối… Trong quá trình hợp tác, điều quan trọng nhất là phải đảm bảo tiêu chí 2 bên cùng có lợi. Có như vậy việc kết nối cung cầu mới phát triển bền vững.

Ông Đỗ Xuân Hạ, Cục trưởng Cục Công nghiệp địa phương cho biết, trong thời gian tới, cục sẽ tăng cường phối hợp với các sở, ngành chức năng tổ chức tốt hơn chương trình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực nhằm tạo điều kiện cho các DN tuyên truyền, quảng bá sản phẩm và tìm kiếm đối tác. Ngoài ra, cục cũng phối hợp với các vụ chức năng thường xuyên tổ chức hội nghị kết nối về cung cầu hàng hóa để hỗ trợ kịp thời cho các bên tìm kiếm cơ hội hợp tác làm ăn. Thông qua các hội nghị này, cơ quan chức năng sẽ nắm bắt nhanh nhất những khó khăn, vướng mắc của các DN, từ đó tìm biện pháp tháo gỡ để cung cầu hàng hóa được thông suốt, ổn định an sinh và giá cả.

Ở tầm vĩ mô, nhiều ý kiến cho rằng, việc quy hoạch, phát triển hệ thống hạ tầng thương mại của cả nước còn chậm, chưa được đầu tư, quan tâm đúng mức. Nói cách khác, quy hoạch mạng lưới thương mại chưa theo kịp với tốc độ và nhu cầu thị trường. Tại nhiều vùng, miền vẫn chưa xây dựng được các chợ đầu mối về nông sản, thực phẩm để làm đầu mối trung chuyển hàng hóa về nơi tiêu thụ. Tại nhiều tỉnh, thành, số lượng các chợ, siêu thị còn quá ít so với mật độ dân số. Để giải quyết bài toán cung cầu hàng hóa, nhà nước cần nhanh chóng đầu tư thỏa đáng để phát triển hệ thống phân phối, đồng thời tăng cường xúc tiến thương mại nội địa, tạo điều kiện cho hàng Việt phát triển. Thực tế chỉ ra rằng, thời của các DN “sống” bằng xuất khẩu đã dần qua đi, thay vào đó thị trường trong nước với hơn 90 triệu dân, với rất nhiều tiềm năng về sức mua, đã trở thành cứu cánh cho nhiều DN trong bối cảnh thị trường xuất khẩu bị co lại. Nếu được đầu tư và khai thác đúng mức thị trường trong nước sẽ thúc đẩy sản xuất và phân phối phát triển toàn diện.

THÚY HẢI

Tin cùng chuyên mục