Kết quả sơ bộ cuộc bầu cử tổng thống Nga - Sự trở lại ngoạn mục của ông V.Putin

Vào lúc 1 giờ 15 phút ngày 5-3 (giờ Việt Nam), hãng tin Ria Novosti nhận định: “Putin chắc chắn có một nhiệm kỳ thứ 3 ở điện Kremlin”. Cuộc bỏ phiếu bầu chọn vị lãnh đạo kế tiếp dẫn dắt nước Nga ngày 4-3 là cuộc bầu cử tổng thống “chưa từng có” vì lần đầu tiên việc bỏ phiếu và kiểm phiếu được giám sát bằng camera, một dấu mốc vô cùng quan trọng trong lịch sử bầu cử bởi chưa nước nào trên thế giới có hệ thống này.
Kết quả sơ bộ cuộc bầu cử tổng thống Nga - Sự trở lại ngoạn mục của ông V.Putin

Vào lúc 1 giờ 15 phút ngày 5-3 (giờ Việt Nam), hãng tin Ria Novosti nhận định: “Putin chắc chắn có một nhiệm kỳ thứ 3 ở điện Kremlin”. Cuộc bỏ phiếu bầu chọn vị lãnh đạo kế tiếp dẫn dắt nước Nga ngày 4-3 là cuộc bầu cử tổng thống “chưa từng có” vì lần đầu tiên việc bỏ phiếu và kiểm phiếu được giám sát bằng camera, một dấu mốc vô cùng quan trọng trong lịch sử bầu cử bởi chưa nước nào trên thế giới có hệ thống này.

  • Chiến thắng áp đảo ngay vòng 1

Tính đến 2 giờ ngày 5-3 (giờ VN), hãng tin Ria Novosti dẫn kết quả kiểm phiếu sơ bộ của Ủy ban Bầu cử Trung ương Nga cho biết Thủ tướng Nga Vladimir Putin, 59 tuổi, đã giành chiến thắng áp đảo ngay vòng 1 cuộc bầu cử Tổng thống lần thứ 6.

Theo kết quả này, ông Putin đã giành được 63,42% số phiếu trong số trên 30% số phiếu bầu được kiểm. Đối thủ của ông, Gennady Zyuganov, lãnh đạo Đảng Cộng sản Nga, về thứ nhì với 17,25% số phiếu bầu, tiếp theo là tỷ phú Mikhail Prokhorov với 7,29%.

Thủ tướng V.Putin bỏ phiếu tại một điểm bầu cử ở Mátxcơva.

Thủ tướng V.Putin bỏ phiếu tại một điểm bầu cử ở Mátxcơva.

Theo hãng tin này, ông Putin đủ điều kiện để không phải tiếp tục cuộc bầu cử vòng 2 đúng như khảo sát trước đó của Trung tâm Levada - cơ quan khảo sát độc lập lớn nhất nước Nga - ông Putin sẽ chiến thắng với tỷ lệ phiếu ủng hộ trên 60%.

Phản ứng trước kết quả này, ông Zyuganov tuyên bố cuộc bầu cử không hợp pháp vì không trung thực. Trong khi đó, bên ngoài điện Kremlin, hơn 110.000 người tập hợp bày tỏ sự ủng hộ đối với chiến thắng của ông Putin.

Thủ tướng Putin tuyên bố: “Chúng tôi đã chiến thắng trong trận chiến công khai và trung thực”. Ủy ban Bầu cử trung ương Nga (RCEC) cho biết tỷ lệ cử tri Nga tham gia bỏ phiếu tính đến 18 giờ chiều giờ Mátxcơva (21 giờ tối giờ Việt Nam) là 58,3%, cao hơn so với cùng thời điểm này trong cuộc bầu cử tổng thống 4 năm trước, đưa bộ đôi Medvedev - Putin lên làm Tổng thống và Thủ tướng.

  • Cuộc bầu cử đặc biệt

Đây là cuộc bầu cử tổng thống lần thứ 6 tại Nga và lần đầu tiên với nhiệm kỳ tổng thống 6 năm. Theo Bộ Truyền thông Nga, trong ngày bầu cử, hệ thống các camera theo dõi ở 91.000 điểm bầu cử trên khắp nước Nga đã đi vào hoạt động. Thủ tướng Vladimir Putin yêu cầu lắp đặt 182.000 camera tại các điểm bầu cử nhằm đảm bảo tính minh bạch của sự kiện có ý nghĩa quan trọng này. Gần 6.000 điểm bầu cử được lắp đặt thiết bị kiểm phiếu tự động mới. Sẽ có 1.000 thiết bị bầu cử điện tử được sử dụng thay cho phiếu bầu bằng giấy. Hơn 1 triệu người đã đăng ký để theo dõi bầu cử thông qua mạng, trong nỗ lực ngăn chặn gian lận bầu cử. Ngoài ra, khoảng 700 quan sát viên quốc tế đã đến Nga để giám sát quá trình chọn ra tổng thống. Có khoảng 6.000 nhà báo, trong đó có 800 nhà báo nước ngoài đến đưa tin về cuộc bầu cử. Họ được quyền có mặt tại mọi ủy ban bầu cử thuộc mọi cấp chính quyền và theo dõi mọi vấn đề xảy ra ở các điểm bầu cử.

Quá trình kiểm phiếu được theo dõi công khai qua camera.

Quá trình kiểm phiếu được theo dõi công khai qua camera.

Theo RIA Novosti, trước khi cuộc bầu cử diễn ra, tin tặc đã phá hoại mạng lưới camera theo dõi tiến trình bỏ phiếu. Tuy nhiên, các chuyên gia máy tính của Nga đã vô hiệu hóa tin tặc, đảm bảo tiến trình theo dõi bỏ phiếu không bị gián đoạn.

Cùng ngày 4-3, Trung tâm Thông tin chính thức về cuộc bầu cử tổng thống Nga 2012 đã được khai trương tại Mátxcơva, có khả năng phục vụ tới 6.000 phóng viên báo chí trong và ngoài nước tới đưa tin về sự kiện này. RCEC sẽ cung cấp thông tin liên tục và trực tiếp về cuộc bầu cử như tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu, những sự kiện mới nhất tại các điểm bỏ phiếu, các kết quả kiểm phiếu... thông qua hệ thống máy tính và vô tuyến màn hình plasma.

Theo Nga Itar-Tass, trung tâm đường dây nóng, nơi tiếp nhận các cuộc gọi phản ánh về gian lận trong bầu cử, của các nhà giám sát ở Mátxcơva đến nay đã nhận được một số cuộc gọi phản ánh, song đa số là các cuộc gọi giả mạo.

Việc ông Putin giành được chiến thắng áp đảo ngay trong vòng 1 là bằng chứng của sự tín nhiệm mạnh mẽ mà người dân xứ sở Bạch Dương dành cho 6 năm cầm quyền sắp tới của ông Putin.

Tham gia cuộc đua vào điện Kremlin lần này có 5 ứng cử viên gồm đương kim Thủ tướng Vladimir Putin, Chủ tịch Ủy ban Trung ương đảng Cộng sản LB Nga (KPRF) Gennady Zyuganov, Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDPR) Vladimir Zhirinovsky, thủ lĩnh đảng Nước Nga công bằng (SR) Sergei Mironov và tỷ phú Mikhail Prokhorov

Để giành chiến thắng, ứng cử viên cần giành được hơn 50% số phiếu bầu. Nếu không ứng cử viên nào giành quá bán, vòng 2 cuộc bầu cử tổng thống sẽ được tổ chức vào ngày 25-3. 

HẠNH CHI

Các ưu tiên trong nhiệm kỳ thứ 3 

Nước Nga sẽ chứng kiến nhiều thay đổi về chính sách nếu Thủ tướng Nga Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống.

Trước đó, trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí ngày 2-3, Thủ tướng Putin cũng đã xác nhận kế hoạch đề bạt Tổng thống đương nhiệm Dmitry Medvedev làm thủ tướng nếu ông tái đắc cử vào điện Kremlin.

Về chính sách đối ngoại, ông Putin sẽ phản đối các hành động can thiệp vào Trung Đông sau các cuộc cách mạng tại các nước Ảrập, đồng thời phản đối bất kỳ cuộc tấn công phủ đầu nào nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Iran, các hành động can thiệp cũng như cấm vận đối với Syria mà không được sự chấp thuận của Hội đồng Bảo an LHQ.

Theo Reuters, trong quan hệ với Mỹ, chắc chắn ông Putin sẽ phải thừa nhận các lợi ích của Nga khi duy trì quan hệ tốt với Mỹ, đồng thời sẽ không khoan nhượng nếu Mỹ can dự vào các công việc nội bộ của Nga.

Về chính sách kinh tế, Ông Putin đặt mục tiêu cho nền kinh tế với GDP 1.900 tỷ USD của Nga sẽ quay lại mức tăng trưởng trước khủng hoảng là 6%-7% và từ vị trí thứ 11 hiện nay sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới vào cuối thập niên này. Ông chủ trương thúc đẩy giai đoạn 2 của tiến trình tư nhân hóa nền kinh tế, nhằm giúp nhà nước giảm tỷ lệ sở hữu tại các công ty khai thác tài nguyên và thậm chí là thoái vốn hoàn toàn tại các công ty không liên quan tới độc quyền tài nguyên thiên nhiên và quốc phòng. Vấn nạn tham nhũng cũng sẽ được tập trung giải quyết triệt để hơn so với thời Tổng thống đương nhiệm Medvedev.

Quân đội Nga sẽ được hiện đại hóa, với các khí tài mới thay thế thế hệ vũ khí cũ. Quân đội Nga cũng sẽ được huấn luyện để tăng tính linh hoạt khi đối phó với các xung đột quy mô nhỏ ngay trên nước Nga, ngược lại với thời Xô Viết quân đội chủ yếu được luyện tập để thích nghi với các cuộc chiến quy mô lớn. Chiếm vị trí trung tâm trong chính sách quân sự của ông Putin là cam kết chi khoảng 23 tỷ rúp, tương đương 780 triệu USD, từ năm nay cho tới năm 2020 nhằm củng cố lực lượng chiến đấu của nước này.

Thông tin liên quan

>> Lần đầu tiên, nước Nga bầu cử tổng thống với hệ thống các camera giám sát việc bỏ phiếu và kiểm phiếu

>> Nước Nga bắt đầu cuộc bầu cử tổng thống lần thứ sáu 

Tin cùng chuyên mục