Ý kiến trên được ra tại hội thảo khoa học phát triển hợp tác xã (HTX) kiểu mới từ thực tiễn TPHCM do Thành ủy TPHCM và Tạp chí Cộng sản phối hợp tổ chức vào ngày 21-12.
Tham dự hội thảo có các đồng chí Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; PGS.TS Đoàn Minh Huấn, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Thân Thị Thư, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy...
Cùng tham dự còn có các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các nhiều địa phương khu vực phía Nam.
Vừa là khách hàng, vừa là "chủ siêu thị"
Đề cập đến mô hình HTX thương mại kiểu mới tại TPHCM, ông Nguyễn Ngọc Hòa, nguyên là Chủ tịch HĐQT Liên hiệp HTX thương mại TPHCM (Saigon Co.op) khẳng định Saigon Co.op hiện là nhà bán lẻ hàng tiêu dùng thiết yếu lớn nhất Việt Nam.
Hiện nay, Saigon Co.op có vốn điều lệ 3.200 tỷ đồng, trong đó có 2.900 tỷ đồng là vốn tích lũy không chia.
Saigon Co.op hiện đang sở hữu mạng lưới bán lẻ khắp 40 tỉnh thành, gồm 90 siêu thị Co.op Mart, 200 cửa hàng thực phẩm Co.op Food, 2 đại siêu thị Co.op Xtra, kênh mua sắm qua truyền hình HTV Co.op… Trong năm 2016, doanh thu của Saigon Co.op lên đến 27.500 tỷ đồng.
Ngoài ra, tính đến nay Saigon Co.op đã thu hút được 2,5 triệu khách hàng thân thiết, khách hành thành viên thường xuyên gắn bó mua hàng.
“Các khách hàng này chưa góp vốn vào Saigon Co.op”, ông Hòa thông tin và cho rằng khi đối chiếu với Luật HTX 2012 thì Saigon Co.op đang đối mặt với một vấn đề lớn, bất cập. Đó là giao dịch giữa Saigon Co.op và các HTX thành viên quá ít. Cụ thể, theo thống kê, doanh số mua hàng chung của các HTX thành viên với Saigon Co.op chiếm chưa đến 1% và 99% còn lại là thông qua mạng lưới bán lẻ.
Để giải quyết bất cập này, ông Hòa đề xuất Saigon Co.op nhanh chóng triển khai mô hình HTX tiêu dùng. Theo đó, Saigon Co.op cần nhanh chóng vận động và tổ chức cho 2,5 triệu khách hàng thân thiết, khách hàng thành viên tham gia góp vốn với mức khoảng 1 triệu đồng/xã viên để trở thành HTX tiêu dùng. HTX này sẽ là thành viên tham gia mua hàng chung với Saigon Co.op theo mô hình Liên hiệp HTX mua chung bán riêng.
“Việc thành lập HTX tiêu dùng không chỉ giúp chuyển đổi Saigon Co.op theo đúng Luật HTX 2012 mà còn có ý nghĩa rất lớn trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh”, ông Hòa phân tích và khẳng định điều này còn đem lại cho Saigon Co.op lượng khách hàng ổn định, trung thành, thường xuyên gắn bó mua hàng.
Bởi lẽ lúc này người tiêu dùng vừa là khách hàng, vừa là chủ HTX. Tất cả các hoạt động của HTX đều hướng đến phục vụ tốt nhất cho nhu cầu của thành viên nên họ sẽ không rời bỏ Saigon Co.op và không bị các đối thủ cạnh tranh thu hút.
Tuy vậy, ông Hòa cũng nhấn mạnh đến các nguyên tắc tổ chức, quản lý HTX cần phải tuân thủ, trong đó, việc phát triển thành viên phải dựa trên nguyên tắc tự nguyện gia nhập. Vốn góp của các thành viên không được giao dịch tự do như thị trường cổ phiếu nên không có việc mua bán, thu gom “cổ phiếu” để cổ đông lớn, cổ đông chi phối.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa nhận xét việc tổ chức thành công HTX tiêu dùng không chỉ giúp giữ vững bản chất HTX của Saigon Co.op, khẳng định tính đúng đắn và sức sống mãnh liệt của loại hình kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc giữ vững thị trường phân phối nội địa trước sự cạnh tranh gay gắt của các tập đoàn phân phối nước ngoài.
Lập HTX ngăn tình trạng thâu chợ
Ngoài ra, ông Hòa cũng đánh giá mô hình HTX quản lý chợ bước đầu thực hiện ở TPHCM đã đạt được kết quả khả quan.
Theo đó, HTX được phép thay mặt nhà nước quản lý hoạt động các chợ. Do đó, Nhà nước không phải duy trì và trả lương cho bộ máy Ban Quản lý chợ song lại thu được khoản kinh phí hàng năm từ HTX.
Tuy nhiên, ông Hòa cho rằng mô hình này vẫn còn một số điểm cần hoàn thiện. Từ đó, ông Hòa đề xuất vận động tiểu thương trở thành thành viên của HTX chợ.
Khi đó, HTX chợ sẽ thật sự do các tiểu thương làm chủ. Tiểu thương vừa là người kinh doanh vừa là người chủ HTX. “HTX và tiểu thương là một giúp giải quyết tận gốc những xung đột giữa hai chủ thể như thời gian qua”, ông Hòa nhận xét và phân tích thông qua HTX tiểu thương sẽ tự làm chủ, tự quản lý, tự chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của chợ.
Một ưu điểm khác nữa là khi Nhà nước giao chợ cho HTX quản lý và khai thác thì HTX sẽ nộp tiền thuê đất như các thành phần kinh tế khác. Ngoài ra, HTX sẽ chịu trách nhiệm duy tu, bảo hành và đầu tư nâng cấp chợ trở nên hấp dẫn thu hút khách hàng.
HTX chợ cũng được phép thực hiện các hoạt động kinh doanh khác để tăng nguồn thu và hiệu quả như: quảng cáo, xây dựng thương hiệu chợ, kinh doanh các dịch vụ, liên kết với các nhà cung cấp tổ chức sự kiện, tổ chức khai thác mua hàng chung, liên kết ngân hàng cung cấp tín dụng giúp hạn chế tình trạng cho vay lãi suất cao… Hiệu quả thu được sẽ được chia lại cho bà con tiểu thương theo mức độ giao dịch với HTX.
Nhà nước cũng không phải lên kế hoạch đầu tư công về chợ như hiện nay. Nói cách khác, nhà nước đã xã hội hóa hoạt động quản lý và kinh doanh chợ cho những người trực tiếp gắn bó với chợ là bà con tiểu thương.
“Đặc biệt, mô hình quản lý chợ do tiểu thương làm chủ tcó sự thống nhất lợi ích trong một chủ thể duy nhất là bà con tiểu thương”, ông Nguyễn Ngọc Hòa phân tích và khẳng định mô hình này sẽ ngăn được tình trạng thâu tóm lợi ích vào tay tư nhân hay một nhóm người không trực tiếp gắn bó với chợ.
TS Phạm Đình Đảng, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, nhận xét phương thức hoạt động của các HTX bước đầu đổi mới, phù hợp hơn với cơ chế thị trường. Nhiều HTX ở TPHCM hoạt động hiệu quả, tạo lòng tin, mang lại lợi ích cho thành viên, góp phần giải quyết việc làm và tăng thêm thu nhập cho người lao động. Tuy vậy, TS Phạm Đình Đảng cũng phân tích về những khó khăn, hạn chế đối với sự phát triển của HTX trên địa bàn TPHCM như nhận thức của một số cán bộ quản lý HTX, tổ hợp tác chưa sâu; công tác tuyên truyền chưa đáp ứng nhu cầu của người dân; một số HTX, tổ hợp tác chưa phát huy được nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm… Vốn đầu tư cho hoạt động kinh doanh của HTX cũng đang là rào cản lớn.
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Tất Thành Cang đề nghị cần tổng kết, đánh giá thực tiễn hoạt động, phát triển của HTX, trong đó có phân tích về khung pháp lý và môi trường tạo thuận lợi hoặc khó khăn đối với HTX. Trên cơ sở này nhằm hoàn thiện khung pháp lý, tạo môi trường thuận lợi cho HTX phát triển tốt hơn.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Tất Thành Cang cũng lưu ý về sự quan tâm, lãnh đạo thường xuyên, liên tục của các cấp ủy cơ sở trong việc tổ chức thực hiện đường lối, chính sách đổi mới, phát triển HTX. Kế đến là vai trò quản lý nhà nước trong việc quan tâm tháo gỡ các khó khăn về cơ chế, chính sách và tạo môi trường thuận lợi cho HTX hoạt động phát triển; hỗ trợ về điều kiện ra đời cũng như liên doanh, liên kết hỗ trợ sử dụng lao động để HTX hoạt động hiệu quả… Mặc khác cần làm tốt công tác tuyên truyền để mỗi người dân có thông tin đầy đủ và quyết định tham gia vào các mô hình kinh tế tập thể, HTX.