Kêu gọi tư nhân tham gia trồng rừng

Đó là quan điểm của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng như các nhà tài trợ quốc tế tại Hội nghị đối thoại giữa Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu (BĐKH) với các nhà tài trợ cho chương trình BĐKH và các đối tác phát triển vừa diễn ra tại Hà Nội ngày 8-10 vừa qua.
Kêu gọi tư nhân tham gia trồng rừng

Đó là quan điểm của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng như các nhà tài trợ quốc tế tại Hội nghị đối thoại giữa Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu (BĐKH) với các nhà tài trợ cho chương trình BĐKH và các đối tác phát triển vừa diễn ra tại Hà Nội ngày 8-10 vừa qua.

Gắn kết chiến lược BĐKH với tăng trưởng xanh

Báo cáo kết quả công tác của Ủy ban Quốc gia về BĐKH nêu rõ: từ đầu năm 2014 đến nay nói riêng và 3 năm gần đây nói chung, Việt Nam đã gắn kết mạnh mẽ việc thực hiện chiến lược quốc gia về BĐKH với chiến lược tăng trưởng xanh. Trong đó có các hoạt động chính: Chủ động sẵn sàng ứng phó với thiên tai và quan trắc khí hậu; Đảm bảo an ninh nước và an ninh lương thực trong điều kiện BĐKH; Quản lý và phát triển rừng bền vững; Giảm nhẹ phát thải nhà kính; Tăng cường năng lực cho các cơ quan Chính phủ ứng phó với BĐKH; Nâng cao năng lực cộng đồng ứng phó BĐKH; Tăng cường đầu tư và đa dạng hóa các nguồn tài chính.

Cục trưởng Cục Khí tượng - Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Bộ TN-MT ông Nguyễn Văn Tuệ cho biết: Những hành động chính sách quan trọng của Việt Nam được các nhà tài trợ đánh giá hoàn thành tốt là: Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý tài nguyên nước; Điều chỉnh chiến lược phát triển GTVT có lồng ghép các yếu tố BĐKH đến 2020, tầm nhìn 2030; Quy hoạch tổng thể đa dạng sinh học đến 2020, tầm nhìn 2030. “Theo đánh giá của đoàn công tác về BĐKH của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA - công bố tháng 7-2014 thì nhiều hành động chính sách của Việt Nam đã có ảnh hưởng tốt tới các hoạt động liên quan tới ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh tại các bộ, ngành…” - ông Nguyễn Văn Tuệ cho hay.

Trồng rừng ven biển và rừng phòng hộ là một trong những dự án ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam (trong ảnh: Rừng phòng hộ Cần Giờ). Ảnh: PHẠM CAO MINH

Phát biểu với các nhà tài trợ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định, trong những năm qua, Việt Nam đã và đang hết sức nỗ lực để cùng cộng đồng quốc tế tìm ra các giải pháp ứng phó và giảm nhẹ tác động của BĐKH. Nhiều cơ chế, chính sách đã được xây dựng và ban hành để phục vụ cho công tác ứng phó với BĐKH của Việt Nam trong quy mô dài hạn.

Vẫn theo Phó Thủ tướng, chương trình Hỗ trợ ứng phó với BĐKH được đề xuất từ năm 2009 và bắt đầu được thực hiện vào năm 2010. Đến nay, chương trình đã xây dựng trên 200 chương trình hành động chính sách và nhận được khoảng 1 tỷ USD vốn tài trợ. “Đây là nguồn vốn vô cùng quan trọng để Việt Nam thực hiện các dự án ứng phó với BĐKH như: trồng rừng ven biển và rừng phòng hộ, xây dựng các công trình ứng phó với nước biển dâng tại những vùng dễ bị tác động. Việt Nam đã thực hiện tốt việc gắn kết chiến lược BĐKH với tăng trưởng xanh. Chương trình ứng phó BĐKH đã tạo ra một diễn đàn đối thoại chính sách cả về chiều rộng về phạm vi và chiều sâu về chuyên môn” - Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh.

Tại cuộc họp, các nhà tài trợ như Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Cơ quan phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng Thế giới (WB)… cũng đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc hoàn thiện các chính sách về BĐKH cũng như triển khai các dự án cụ thể. Các nhà tài trợ cam kết sẽ tiếp tục ủng hộ công cuộc ứng phó với BĐKH ở Việt Nam trong tương lai. Tuy nhiên, bên cạnh nguồn tài chính hỗ trợ từ các đối tác phát triển, nhà tài trợ, Chính phủ Việt Nam cần thu hút được nguồn tài chính từ khu vực tư nhân đầu tư cho chương trình hỗ trợ ứng phó với BĐKH.

Dành 3.000 tỷ đồng ứng phó BĐKH

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho biết: Sau khi rà soát điều chỉnh, nhu cầu vốn từ nguồn ngân sách Trung ương để hỗ trợ triển khai những nội dung cấp bách của 62 dự án BĐKH trong thời gian tới là trên 9.400 tỷ đồng. Trong số này, Ủy ban Quốc gia về BĐKH đã lựa chọn 24 dự án cần triển khai trong năm 2015 với nhu cầu vốn khoảng 3.000 tỷ đồng. Trong số này có: 16 dự án chuyển tiếp, nhu cầu vốn để tiếp tục triển khai các hạng mục ưu tiên cấp bách là 1.860 tỷ đồng; 5 dự án có liên quan đến trồng rừng phòng hộ tại các tỉnh: Bắc Kạn, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh và Quảng Ngãi dự kiến sử dụng 150 tỷ đồng; 3 dự án ưu tiên cấp bách ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng và tài sản của người dân tại các tỉnh Thái Bình, Quảng Bình và Ninh Thuận sử dụng 330 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, theo Ủy ban Quốc gia về BĐKH, có 22 dự án mới đề xuất liên quan đến trồng rừng phòng hộ đầu nguồn và trồng rừng ngập mặn ven biển đã được bổ sung nhu cầu vốn thực hiện là 660 tỷ đồng. Trong số này có 12 dự án trồng rừng ngập mặn ven biển thuộc các tỉnh thành: Hải Phòng, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, TPHCM, Tiền Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang. “Hiện Bộ TN-MT cùng Bộ NN-PTNT và các cơ quan liên quan đang khẩn trương rà soát các dự án trồng rừng ngập mặn ven biển thuộc đề án “Bảo vệ và phát triển rừng ven biển ứng phó với BĐKH” để triển khai trong năm 2015” - ông Trần Hồng Hà cho hay.

Cũng trong khuôn khổ cuộc họp với các nhà tài trợ ngày 8-10, đại diện Chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết: Để giảm thiểu những thiệt hại do thiên tai gây ra, trong năm 2015, Chính phủ Việt Nam đã cho phép sử dụng 3.000 tỷ đồng vốn cho ứng phó với BĐKH, tập trung vào các dự án trồng rừng ven biển và rừng phòng hộ để hạn chế tác động của BĐKH và nước biển dâng.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng: việc trồng rừng cần bàn đến khu vực tư nhân và chủ yếu sử dụng hình thức đầu tư tư nhân. “Trong 3.000 tỷ dành cho trồng rừng trong năm tới Chính phủ sẽ kêu gọi xã hội hóa. Thay vì Nhà nước đứng ra trồng rừng, đối với khu rừng có khả năng kinh tế thì giao cho tư nhân, hỗ trợ tư nhân làm và họ quản lý thì chương trình sẽ phát triển bền vững. Tôi cho rằng đây là phương cách hay và sẽ đem lại hiệu quả đối với chương trình ứng phó với BĐKH” - Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nói.

WB tiếp tục tài trợ Việt Nam ứng phó với BĐKH sau năm 2015

Đó là khẳng định của bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam trong buổi làm việc với Bộ TN-MT do Thứ trưởng Trần Hồng Hà chủ trì chiều 3-10 tại Hà Nội.

Bà Victoria Kwakwa cho biết: Ứng phó với biến đổi khí hậu là một phần quan trọng trong hỗ trợ của WB dành cho Việt Nam, vì thế WB sẽ tăng cường hợp tác với Bộ TN-MT. “Tôi khẳng định WB sẽ hợp tác và hỗ trợ nhiều hơn nữa cho chương trình ứng phó BĐKH nhất là giai đoạn sau năm 2015. Dự kiến sau năm 2015, WB sẽ đưa ra một gói hỗ trợ bao gồm cả tài chính, cơ chế, chính sách, kỹ thuật để Bộ TN-MT Việt Nam tiếp tục thực hiện và phát triển chương trình ứng phó BĐKH” - bà Victoria Kwakwa cam kết.

Bà Giám đốc WB tại Việt Nam cũng mong muốn các đơn vị chức năng của Việt Nam sẽ có những hành động mạnh mẽ hơn nữa trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

NGỌC TUẤN - PHƯƠNG CHÂU

Tin cùng chuyên mục