Khắc phục bất cập trong quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh lao động

UBND TPHCM vừa có báo cáo gửi Bộ LĐTB-XH về thực hiện chương trình quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động giai đoạn 2021-2023 trên địa bàn thành phố.

Qua số liệu phân tích, các vụ tai nạn lao động chủ yếu xảy ra tại các công trình xây dựng dân dụng, nhà ở riêng lẻ, quá trình thi công không chấp hành đầy đủ các quy định pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động. UBND TPHCM nhận xét, việc tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, các công trình thi công xây dựng dân dụng, nhà ở riêng lẻ trên địa bàn TPHCM chưa tốt. Từ năm 2018-2022, tỷ lệ đơn vị y tế thực hiện khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho nhân viên cũng tăng từ 12,9% lên 34,5%.

Theo UBND TPHCM, việc đào tạo, huấn luyện kiến thức về an toàn, vệ sinh lao động chưa được người sử dụng lao động, cá thể tham gia hoạt động xây dựng quan tâm đúng mức. Thậm chí vì chạy theo lợi nhuận nên không thực hiện đầy đủ các quy định của chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động. Điều này dẫn đến tai nạn lao động trong ngành xây dựng đang ở mức cao nhất, chiếm tỷ lệ khoảng 70% trong tổng số các vụ tai nạn lao động chết người.

UBND TPHCM kiến nghị Bộ LĐTB-XH nghiên cứu ban hành các quy định phù hợp với tình hình thực tiễn xã hội, thúc đẩy xã hội hóa công tác huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, kiểm định các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động. Bên cạnh đó, khắc phục bất cập, chồng chéo trong chức năng quản lý nhà nước đối với máy móc, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; hoạt động hỗ trợ kinh phí huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động; quy định áp dụng mức đóng thấp hơn mức bình thường vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, nghề nghiệp đối với doanh nghiệp.

Tin cùng chuyên mục