Khai mạc kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIII: Phấn đấu tạo tiền đề vững chắc cho những năm tiếp theo

Một số chỉ tiêu quan trọng chưa hoàn thành
Khai mạc kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIII: Phấn đấu tạo tiền đề vững chắc cho những năm tiếp theo

(SGGP).– Sáng 20-10, kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIII đã chính thức khai mạc tại Hà Nội. Trước đó, các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội; các đại biểu Quốc hội đã vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và đến đặt vòng hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Đài tưởng niệm Bắc Sơn.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu Quốc hội vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu Quốc hội vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Toàn cảnh phiên khai mạc kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIII. Ảnh: MINH ĐIỀN

Toàn cảnh phiên khai mạc kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIII. Ảnh: MINH ĐIỀN

Tham dự lễ khai mạc kỳ họp có các đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo cấp cao khác của Đảng và Nhà nước.

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, trong năm 2011 - năm đầu triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung phát triển năm 2011) - với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, nền kinh tế nước ta đã có những chuyển biến tích cực và đạt được một số kết quả quan trọng.

“Tuy nhiên, tình hình trong nước và quốc tế tiếp tục xuất hiện những khó khăn, thách thức mới. Bối cảnh đó đòi hỏi chúng ta phải có quyết tâm rất cao, đề ra các giải pháp thích hợp bảo đảm thực hiện mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nỗ lực phấn đấu để đạt được kết quả tốt hơn trong những tháng cuối năm 2011, tạo tiền đề vững chắc cho năm 2012 và những năm tiếp theo”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý. (Bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội).

Thông báo về những nội dung chính của kỳ họp đến các vị đại biểu, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy trí tuệ, tập trung nghiên cứu, thảo luận dân chủ, góp phần để kỳ họp thành công tốt đẹp.

Nhân ngày truyền thống Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chúc mừng các nữ đại biểu Quốc hội.

Nhân ngày truyền thống Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chúc mừng các nữ đại biểu Quốc hội.

Tiếp đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trình bày Báo cáo về tình hình kinh tế xã hội năm 2011, kế hoạch năm 2012 và 5 năm 2011 - 2015. Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra về vấn đề này.

Quốc hội đã nghe Chủ tịch UB Trung ương MTTQ VN Huỳnh Đảm trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến của cử tri; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Minh Quang trình bày Tờ trình của Chính phủ về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011 – 2015) cấp quốc gia; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011 – 2015) cấp quốc gia; Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày báo cáo về dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2012. Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển cũng đã trình bày Báo cáo thẩm tra về vấn đề ngân sách.

Cuối phiên họp buổi chiều, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh báo cáo về tình hình thực hiện vốn trái phiếu Chính phủ, chương trình mục tiêu quốc gia năm 2011, dự kiến kế hoạch năm 2012 và giai đoạn 2011 – 2015. Theo đó, để hoàn thành các dự án có trong danh mục đã được Quốc hội phê duyệt giai đoạn 2003 – 2011, trong 5 năm 2011 – 2015 cần bố trí 405.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ. Trừ đi 45.000 tỷ đồng đã bố trí kế hoạch năm 2011, nhu cầu trong 4 năm còn lại là trên 360.000 tỷ đồng. Nếu tính yếu tố trượt giá trong 4 năm tới thì dự kiến nhu cầu từ nguồn vốn này lên tới trên 500.000 tỷ đồng. “Việc bố trí vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012 – 2015 sẽ rất chặt chẽ, kiên quyết không bổ sung thêm dự án mới ngoài danh mục đã được phê duyệt; giãn, hoãn tiến độ thực hiện và thực hiện các hình thức xử lý khác đối với các dự án chưa thật sự cấp bách, có nhiều vướng mắc, tiến độ thực hiện chậm. Không bố trí vốn trái phiếu Chính phủ cho phần vốn tăng thêm do điều chỉnh quy mô dự án”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư nhấn mạnh.

B.Vân


7 giải pháp của kịch bản tăng trưởng kinh tế cao

Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIII, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trình bày bản báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2011, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012. Chính phủ đã trình Quốc hội kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2012 và các năm sau ở mức cao.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tại Quốc hội.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tại Quốc hội.

Một số chỉ tiêu quan trọng chưa hoàn thành

Phân tích những nét chính của nền kinh tế năm 2011 của nước ta đến thời điểm này, Thủ tướng cho rằng lạm phát giảm dần, kinh tế vĩ mô có bước chuyển biến tích cực: CPI đã giảm; bội chi ngân sách nhà nước cả năm 2011 giảm xuống còn 4,9% GDP (kế hoạch là 5,3%), thu ngân sách tăng, đáp ứng nhu cầu chi và dành một phần để tăng chi trả nợ.

Thủ tướng cũng cho rằng, trong khó khăn nhưng sản xuất kinh doanh được duy trì và tiếp tục phát triển. Trong điều kiện phải tập trung kiềm chế lạm phát, giảm mạnh tăng trưởng tín dụng, thắt chặt chi ngân sách nhưng kinh tế vẫn tăng trưởng liên tục, quý sau cao hơn quý trước, cả năm ước đạt khoảng 6%. Ngoài ra, Chính phủ cũng đã cố gắng tập trung chăm lo bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, người đứng đầu Chính phủ cũng nhìn nhận một số chỉ tiêu quan trọng của Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2011 chưa hoàn thành. Kinh tế vĩ mô chưa ổn định; lạm phát và lãi suất tín dụng còn cao; nợ xấu của hệ thống ngân hàng tăng, thanh khoản của một số ngân hàng thương mại khó khăn; dự trữ ngoại hối thấp, áp lực đối với tỷ giá còn lớn; thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản giảm sút. Sản xuất, kinh doanh còn nhiều khó khăn. Việc đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế còn chậm. Văn hóa, xã hội còn nhiều mặt bức xúc. Đời sống của nhân dân, nhất là người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội, người lao động có thu nhập thấp và đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn...

Ngoài lý do khách quan thì những yếu kém nội tại của nền kinh tế với mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế, cơ cấu đầu tư kém hiệu quả tích tụ từ nhiều năm, chậm được khắc phục và do những hạn chế, yếu kém trong lãnh đạo, quản lý, nhất là trong quản lý kinh tế vĩ mô, điều hành chính sách tài chính, tiền tệ, trong quản lý đầu tư công, quản lý doanh nghiệp nhà nước, quản lý tài nguyên và trong chỉ đạo giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc... là những nguyên nhân dẫn đến những yếu kém này.

Từ tình hình đó, Chính phủ đề ra mục tiêu phát triển KT-XH 5 năm 2011 - 2015 và năm 2012. Theo đó, năm 2012 Chính phủ vẫn xác định ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; bảo đảm phúc lợi xã hội, an sinh xã hội và cải thiện đời sống nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.

7 giải pháp trọng tâm

Để đạt tới mục tiêu này, Chính phủ trình Quốc hội 7 giải pháp. Thứ nhất, tập trung ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Năm 2012, Chính phủ chủ trương điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng và linh hoạt theo tín hiệu thị trường; kết hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để kiểm soát lạm phát.

Thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, phấn đấu giảm bội chi ngân sách. Tăng cường quản lý nhà nước về giá.

Thứ hai, ưu tiên nguồn lực thực hiện ba đột phá chiến lược và tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh. Đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa và sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước, rà soát đánh giá toàn diện hiệu quả hoạt động của các tập đoàn kinh tế và tổng công ty; Kiên quyết thực hiện thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần chi phối và thoái vốn đã đầu tư vào các hoạt động ngoài ngành kinh doanh chính. Có phương án sắp xếp kiện toàn các doanh nghiệp thua lỗ. Thực hiện công khai kết quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, đặt doanh nghiệp nhà nước vào môi trường cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác.

Thứ ba, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh và mở rộng thị trường. Cải thiện khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp. Ưu tiên tín dụng cho các sản phẩm trọng điểm.

Thứ tư, tiếp tục chăm lo bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, tập trung giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc. Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Phát triển mạnh GD-ĐT, tạo bước đột phá về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Thứ năm, đẩy mạnh phát triển KHCN và tăng cường bảo vệ, cải thiện môi trường. Xử lý nghiêm các vi phạm và các dự án không đáp ứng yêu cầu về môi trường.

Thứ sáu, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tăng cường công tác phòng chống tham nhũng.

Thứ bảy, tăng cường quốc phòng, an ninh và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại. Thực hiện có hiệu quả các giải pháp để phát huy sức mạnh tổng hợp bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ và an ninh quốc gia. Từng bước tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; củng cố thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân.

Phan Thảo

  • Các chỉ tiêu năm 2012 Chính phủ trình Quốc hội

– Phấn đấu kiềm chế lạm phát dưới 10%, các năm sau thấp hơn, đến năm 2015 lạm phát khoảng 5% - 7%.

– GDP tăng khoảng 6% - 6,5%. Để chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của tình hình và tập trung cho nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, Chính phủ đề nghị điều hành theo phương án tăng trưởng khoảng 6%, khi có điều kiện thuận lợi sẽ phấn đấu để đạt mức 6,5%. Trong giai đoạn 5 năm 2011 - 2015, tăng trưởng GDP bình quân khoảng 6,5% - 7%. Phấn đấu đạt 7%.

– Bội chi ngân sách nhà nước bằng 4,8% GDP, các năm sau giảm dần để đến năm 2015 giảm xuống còn 4,5%.

– Đến năm 2015, nợ công khoảng 60% - 65% GDP.

– Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2012 dự kiến tăng khoảng 12% - 13% so với năm 2011; nhập siêu 11,5% - 12% tổng kim ngạch xuất khẩu. Phấn đấu đến năm 2015, nhập siêu khoảng 10%.

– Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2012 bằng khoảng 33,5% - 34% GDP. Bình quân 5 năm khoảng 33,5% - 35% GDP.

– Với các chỉ tiêu xã hội và môi trường, Chính phủ đề nghị bổ sung một số chỉ tiêu phản ánh chất lượng tăng trưởng trong Kế hoạch 5 năm là: Năng suất lao động xã hội; Tỷ trọng sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp; Giảm tiêu hao năng lượng tính trên GDP; Tỷ lệ lao động qua đào tạo; Tỷ lệ đổi mới công nghệ; và Nhân tố năng suất tổng hợp đóng góp vào tăng trưởng.

L.Nguyên

  • Năm 2012, phải kiểm soát CPI tăng ở mức 1 con số

Thẩm tra báo cáo KT-XH của Chính phủ, Ủy ban (UB) Kinh tế của Quốc hội cho rằng, những hạn chế, yếu kém đã được Chính phủ nhận diện đầy đủ. Tuy nhiên, UB vẫn lo ngại kinh tế vĩ mô thiếu vững chắc, đồng tiền Việt Nam mất giá mạnh, lạm phát tăng cao, dư nợ tín dụng tăng nhanh, thâm hụt thương mại, nhập siêu kéo dài, bội chi ngân sách trong nhiều năm ở mức cao, nợ công tăng đã đến ngưỡng an toàn trong khi hiệu quả đầu tư công thấp, đặt ra những lo ngại về quản lý và trả nợ trong trung hạn và dài hạn. Các vấn đề xã hội cũng trở nên bức xúc trong nhân dân. Chủ nhiệm UB Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đề nghị Chính phủ có những giải pháp mạnh mẽ sớm khắc phục hiệu quả các hạn chế, yếu kém.

Với kế hoạch năm 2012 và 5 năm 2011-2015, UB Kinh tế đề nghị: trong 2-3 năm đầu kế hoạch tập trung thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, tăng trưởng ở mức hợp lý và tiến hành bước khởi động mạnh mẽ tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; 2-3 năm tiếp theo nhiệm vụ trọng tâm là thực hiện cơ bản công tác tái cơ cấu để đảm bảo phát triển nhanh, bền vững, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội. Trong đó, nhất trí phương án tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm khoảng 6,5%-7%. Về CPI, UB đề nghị phải kiểm soát bằng được CPI tăng ở mức 1 con số trong năm 2012 nhằm nâng cao lòng tin của xã hội, là cơ sở để ổn định kinh tế vĩ mô và nâng cao tốc độ, chất lượng tăng trưởng trong những năm sau. Năm 2013 và 2014 kiểm soát CPI dưới 6%-7% và từ 5% đến dưới 7% vào năm 2015, làm cơ sở kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng bình quân trong kế hoạch 5 năm tiếp theo dưới 5%/năm như các nước có nền kinh tế phát triển ổn định khác.

L.Nguyên

  • Quy hoạch như “giữ chỗ, lấy phần”

Chiều 20-10, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Minh Quang trình bày Tờ trình của Chính phủ về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011 – 2015) cấp quốc gia. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cũng đã trình bày Báo cáo thẩm tra về vấn đề này.

Tờ trình của Chính phủ thẳng thắn nhìn nhận, nhìn chung, công tác quy hoạch sử dụng đất vừa qua được nhìn nhận là “vẫn thiên về sắp xếp các loại đất theo mục tiêu quản lý hành chính, chưa tính toán đầy đủ về hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường”.

Định hướng và phương án quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011 – 2015), Chính phủ quán triệt quan điểm quản lý chặt chẽ, bảo đảm sử dụng đất đúng mục đích, tiết kiệm, có hiệu quả và bền vững. Quy hoạch sử dụng đất phải là công cụ quan trọng của Nhà nước thực hiện quyền định đoạt về đất đai, hỗ trợ điều tiết thị trường bất động sản.

Đặc biệt, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải duy trì và bảo vệ nghiêm ngặt diện tích đất trồng lúa cần thiết để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho chuyển đổi 308.000 ha đất trồng lúa sang sử dụng vào mục đích khác; giữ tổng diện tích đất trồng lúa trên 3,81 triệu ha trong kế hoạch 5 năm 2011 – 2015. Sau năm 2015, căn cứ thực tế của từng địa phương, trong trường hợp cần thiết mới điều chỉnh lại chỉ tiêu này khi phê duyệt kế hoạch sử dụng đất 2016 – 2020.

Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế nhận định, theo quy định của Luật Đất đai, để giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất phải căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nên nhiều địa phương, doanh nghiệp khi xác định nhu cầu sử dụng đất để lập quy hoạch, kế hoạch đã đưa ra những con số không phản ánh nhu cầu thực tế mà là các con số đăng ký để “giữ chỗ, lấy phần” dẫn đến tình trạng quy hoạch và kế hoạch không sát thực tế, “quy hoạch treo”.

B.Vân

Tin cùng chuyên mục