- Đề nghị giám sát tối cao về thủy điện, tác động của biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long
(SGGPO).- Sáng 9-4, phiên họp thứ 17 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chính thức khai mạc. Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về dự kiến chương trình giám sát năm 2014 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo Tờ trình do Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày tại phiên họp, căn cứ tình hình thực tế, yêu cầu nhiệm vụ và điều kiện thực hiện của các cơ quan của Quốc hội, trong năm 2014, đề nghị Quốc hội giám sát hai chuyên đề tại hai kỳ họp; Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát hai chuyên đề tại phiên họp; Hội đồng Dân tộc giám sát 2-3 chuyên đề, mỗi Ủy ban giám sát 1-2 chuyên đề, báo cáo kết quả với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và gửi báo cáo đến đại biểu Quốc hội.
Về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội, tại kỳ họp thứ 7 (dự kiến vào tháng 5-6/2014), ngoài các hoạt động giám sát thường xuyên, Văn phòng Quốc hội đề nghị lựa chọn một trong hai chuyên đề: công tác quy hoạch, đầu tư phát triển hệ thống sân bay, cảng biển tại các địa phương hoặc việc thực hiện các quy định của pháp luật trong quản lý đầu tư, xây dựng các công trình thủy điện. Tại kỳ họp thứ 8 (dự kiến vào tháng 10-11/2014), có hai chuyên đề được đề nghị: hiệu quả tổng thể về kinh tế, xã hội gắn với đảm bảo an ninh, quốc phòng của hai dự án bauxite Tân Rai và Nhân Cơ do Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam làm chủ đầu tư hoặc việc thực hiện chính sách pháp luật về đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
Về chương trình hoạt động giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tại phiên họp tháng 8-2014, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, chọn một trong hai nội dung: việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư nhưng không thực hiện đúng kế hoạch được phê duyệt (hoặc việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tại phiên họp tháng 9-2014, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, chọn một trong hai nội dung: việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục mầm non hoặc việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, giai đoạn 2006-2013.
Tại phiên họp, đa số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý với số lượng chuyên đề giám sát như Tờ trình, song cũng gợi ý thêm nhiều chuyên đề mới. Chẳng hạn, đối với hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, các vấn đề được đề nghị bổ sung bao gồm: hiệu quả của việc thực hiện thí điểm bỏ HĐND quận, huyện, phường; thành tựu và hạn chế của việc thực hiện chính sách giảm nghèo; tác động của biến đổi khí hậu – đặc biệt là ở vùng đồng bằng sông Cửu Long; quy hoạch phát triển năng lượng gắn với mục tiêu phát triển bền vững; kết quả thực hiện tái cơ cấu kinh tế - tập trung vào các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, ngân hàng thương mại…
* Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghe Đoàn giám sát báo cáo; Chính phủ báo cáo bổ sung về việc thi hành Luật Thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2006 – 2012.
Anh Phương