Bài 1: “Vàng” hóa đồng hoang
Hơn 22 năm trước, Tứ giác Long Xuyên là vùng nhiễm phèn nặng, hoang hóa, bao trùm bởi tràm và cỏ dại… Chương trình khai phá vùng đất này đã biến “vùng đất hoang” lớn nhất nhì ĐBSCL thành cánh đồng lúa bao la, bạt ngàn.
“Mỏ lúa”
Về Tứ giác Long Xuyên những ngày tháng 3, nơi nào cũng bao trùm một màu vàng óng của những cánh đồng lúa đông-xuân chín rộ chạy dài từ huyện Thoại Sơn, Châu Thành, Tri Tôn, Tịnh Biên đến Hòn Đất, Kiên Lương, Giang Thành… của 2 tỉnh An Giang, Kiên Giang.
Đâu đâu cũng thấy nông dân đang tất bật thu hoạch lúa, tiếng máy gặt đập liên hợp, máy tuốt lúa chạy xình xịch trên đồng. Thương lái hối hả đưa ghe vào tận kênh nội đồng thu mua lúa về cung ứng cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Đặc biệt, vụ lúa đông-xuân này, nông dân Tứ giác Long Xuyên rất vui vì trúng mùa, trúng giá, thu lãi cao lớn. Bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, những dãy nhà tôn, nhà ngói dày đặc bên những dòng kinh xẻ ngang xẻ dọc; lộ nông thôn quanh vùng được bê tông hóa, láng nhựa phẳng lì thông suốt đầu làng ngõ xóm…
Đang chỉ huy 2 máy gặt đập liên hợp thu hoạch 8 ha lúa của mình, nông dân Trần Anh Trường (ấp Phú Hữu, xã Định Mỹ, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) phấn khởi nói: “Năm nay lúa trúng bể bồ luôn. Tôi thu hoạch 1 công tới 73 giạ. Hiện thương lái đã vào thương lượng mua với giá 5.800 đồng/kg lúa IR50404. Với giá này, sau khi trừ chi phí, nông dân cầm chắc lời 40 triệu đồng/ha, cao nhất từ trước đến nay”.
Bà Nguyễn Thị Hấn (xã Định Mỹ) - một nông dân gắn bó cả đời tại vùng đất này với nghề trồng lúa - nói: “Nhà tôi vừa thu hoạch 50 tấn lúa. Nhờ nhà nước đầu tư hoàn chỉnh hệ thống kênh mương nội đồng nên ngày càng ít phèn, nông dân làm lúa trúng. Vụ này, cả ấp Phú Hữu không ai thu hoạch dưới 10 tấn/ha. Chuyện trong mơ đã thành hiện thực. 2 chục năm trước, dân ở đây làm lúa chỉ được 1 vụ/năm, mong đủ ăn là may phước lắm rồi”.
Nông dân sản xuất giỏi Thạch Văn Thơ (61 tuổi, xã nông thôn mới Vĩnh Phú, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) vừa thu hoạch 10ha lúa đông-xuân được gần 120 tấn tự hào: “Nông dân Tứ giác Long Xuyên bây giờ chí thú làm ăn, chịu khó học hỏi lắm. Nhiều nông dân dành dụm mua máy gặt đập liên hợp, máy cày, máy suốt lúa… và cả xe ô tô đưa rước người dân cấp cứu miễn phí. Các biện pháp IPM, 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm áp dụng nhuần nhuyễn hết nên chi phí giảm, lợi nhuận cao lên. Vùng này bây giờ nông dân nào tệ lắm mới làm lúa đông-xuân 6 - 7 tấn/ha”.
Đi kiểm tra các công trình ngăn mặn trên cánh đồng vàng đang thu hoạch rộ, Phó Chủ tịch UBND huyện Thoại Sơn Đoàn Minh Triết tự tin: “Thoại Sơn là địa phương đầu tiên của An Giang bắt đầu chương trình khai phá vùng Tứ giác Long Xuyên. Năm 1987, huyện bắt tay làm thủy lợi nội đồng để chuyển đất lúa mùa nổi sang trồng lúa 2 vụ và khai phá hơn 9.000ha đất hoang hóa bị nhiễm phèn nặng ở các xã Tây Phú, Vọng Thê, Vọng Đông…
Đến năm 1990, Thoại Sơn có gần 39.000 ha đất trồng lúa 2 vụ. Hiện nay, hệ thống thủy lợi toàn huyện đã hoàn chỉnh. Năm 2001, toàn huyện có 101ha làm lúa vụ 3 nhưng đến năm 2004 nâng lên 34.500 ha sản xuất lúa 3 vụ/năm ăn chắc vì có đê bao khép kín. Hiện tại Thoại Sơn đang dẫn đầu về diện tích, năng suất, chất lượng lúa của tỉnh An Giang với 600.000 tấn”.
Vùng đất phèn nặng, hoang hóa Tứ giác Long Xuyên đã trở thành một trong 2 vùng trọng điểm sản xuất lúa của ĐBSCL (vùng còn lại là Đồng Tháp Mười). Từ việc trồng 1 vụ lúa mùa mỗi năm, nhờ hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi, áp dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa… ngày nay, toàn bộ diện tích trồng lúa vùng Tứ giác Long Xuyên đều sản xuất được 2 - 3 vụ ăn chắc, hơn 90% diện tích sử dụng giống xác nhận, lúa chất lượng cao ngày càng chiếm ưu thế.
- Sức sống mới bên dòng kênh “Ông Kiệt”
Chúng tôi về xã Lạc Quới (Tri Tôn), nơi đầu nguồn kênh Võ Văn Kiệt (dân địa phương quen gọi bằng kênh Ông Kiệt hay kênh T5 trước đây). Nông dân đang tất bật thu hoạch vụ đông-xuân trên cánh đồng chín vàng trĩu hạt, tiếng cười nói gọi nhau hớn hở trước vụ mùa bội thu, trúng giá. Máy gặt đập liên hợp, máy suốt lúa chạy rào rào không ngớt. Dưới kênh, ghe thu mua lúa tấp nập ngược xuôi.
Hối hả lái chiếc xe công nông chở lúa từ ruộng ra bờ kênh chờ thương lái đến cân, ông Nguyễn Văn Năm hồ hởi nói: “Đất vùng này bây giờ còn ít phèn, mấy vụ gần đây lúa trúng mùa trúng giá nông dân tụi tui vui lắm. Ngày trước, hoàn cảnh nghèo, tôi dắt vợ con từ Long Xuyên vào đây lập nghiệp, nhận 3 ha đất trồng lúa chỉ được 1 vụ/năm nhưng hên lắm mới đủ ăn. Tôi không nghĩ đến chuyện trên vùng đất hoang vu, phèn cháy như thế này mà làm được 2 - 3 vụ lúa/năm như hôm nay. Tất cả nhờ dòng kênh Ông Kiệt mà vùng đất này hồi sinh thấy rõ. Bây giờ, dân ở đây trồng lúa đông-xuân cầm chắc 7,5 - 8 tấn/ha. Nhờ đào kênh này mới giúp đất đai ở đây được hồi sinh, trở nên trù phú”.
Theo UBND xã Lạc Quới, huyện Tri Tôn, trước khi đào kênh T5 (nay là kênh Võ Văn Kiệt), năm 1997, toàn xã Lạc Quới chỉ có hơn 1.500 ha đất nông nghiệp. Sau khi kênh hoàn tất, người dân mạnh dạn đầu tư khai hoang, nâng diện tích đất sản xuất lên 20.000 ha. Hàng trăm hộ dân địa phương trước đây trong cảnh nghèo khó giờ trở nên khấm khá.
Nông dân Trần Văn Thành (57 tuổi) từ Mỹ Hòa Hưng (Long Xuyên) vào lập nghiệp cách nay 17 năm, nói: “Bây giờ, 6ha đất của tôi mỗi năm làm 2 vụ lúa cũng được ít nhất 70 - 75 tấn, trừ chi phí còn lời 150 - 200 triệu đồng, chưa kể còn một vụ sản xuất mùa lũ. Đất lúa cặp bờ kênh bây giờ giá tới 300 - 400 triệu đồng/ha. Nhờ lúa mà tôi dành dụm cất được nhà tường, mua thêm đất cho con cái ra riêng. Khi chưa có kênh Võ Văn Kiệt, vì phèn quá, sau sạ vài ngày lúa không ra rễ được, chết hết, tôi định bán đất đi miền Đông lập nghiệp; còn giờ thì đuổi cũng không đi nữa”.
Cuối những năm 90 của thế kỷ 20, kênh Vĩnh Tế được nạo vét, hệ thống kênh T4, T5, T6, hệ thống đê bao chống lũ, đập tràn ngăn xả lũ Tha La, Trà Sư và hệ thống cống ngăn mặn, giữ ngọt ven biển hoàn chỉnh phát huy tối đa hiệu quả, đánh thức vùng Tứ giác Long Xuyên.
Trong đó, dòng kênh T5 - Tuần Thống (nay là kênh Võ Văn Kiệt) đóng vai trò rất quan trọng. Dẫn chúng tôi đi dọc bờ đê kênh Võ Văn Kiệt, băng qua cánh đồng lúa đông-xuân đã và đang thu hoạch từ xã Vĩnh Gia, Vĩnh Lạc đến Lương An Trà, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tri Tôn Trần Văn Mì vui mừng nói: “Hơn 11 năm trước, toàn huyện có chưa tới 20.000 ha đất nông nghiệp, nhưng nay diện tích đất lúa lên tới 43.000 ha, sản lượng 500.000 tấn/năm.
Thành quả có được nhờ vai trò quyết định từ hệ thống kênh thủy lợi, đê bao, trong đó quan trọng nhất là kênh Võ Văn Kiệt. Không chỉ rửa phèn, mở mang đất sản xuất, trên tuyến đê bao kênh Võ Văn Kiệt huyện Tri Tôn đã đầu tư xây dựng các cụm, tuyến dân cư vượt lũ an toàn từ Vĩnh Gia đến Lạc Quới, đảm bảo an toàn cho rất nhiều hộ dân, góp phần xây dựng bộ mặt nông thôn mới…”.
Hiện diện tích sản xuất lúa của An Giang hơn 235.000 ha, mỗi năm trong tổng sản lượng 3,6 triệu tấn lúa, vùng Tứ giác Long Xuyên đóng góp hơn phân nửa. Ở Kiên Giang, sản lượng lúa khoảng 3,5 triệu tấn, các địa phương vùng Tứ giác Long Xuyên vẫn đóng vai trò chủ lực. Điển hình là huyện Hòn Đất đang dẫn đầu với diện tích lúa 60.000 ha, sản lượng gần 700.000 tấn/năm. “Hệ thống thủy lợi được đầu tư xây dựng, giải pháp kỹ thuật trị phèn phát huy tối đa tác dụng ngày đêm đẩy dòng nước phèn đỏ ngầu đặc quánh lùi xa đồng ruộng ở Tứ giác Long Xuyên. Năng suất, sản lượng lúa không ngừng tăng lên. Từ lúc khởi đầu chỉ mong có ăn, rồi tăng lên 3 tấn/ha đến năm 1998 đã bắt kịp mặt bằng chung của tỉnh và vùng ĐBSCL: 6 tấn/ha. Đất vùng Tứ giác Long Xuyên từ chỗ cho không ai lấy giờ đã lên 40 - 60 triệu/công. Mỗi năm canh tác 2 - 3 vụ lúa ăn chắc, vùng Tứ giác Long Xuyên thu hoạch hàng triệu tấn lúa, góp phần đảm bảo an ninh lương thực và phục vụ xuất khẩu…” - ông Nguyễn Minh Nhị (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo khai thác vùng Tứ giác Long Xuyên của An Giang) tự hào nói. |
Bình Đại - Đình Tuyển
Bài 2: Những tỷ phú giữa rốn phèn
Quyết tâm bám trụ, mạnh dạn khai phá vùng đất mới, ngày càng nhiều nông dân đã trở thành tỷ phú giữa vùng Tứ giác Long Xuyên. Những “ông vua” trên đồng đất này đã biến những cánh đồng hoang, phèn nặng thành vùng sản xuất lớn, xây dựng nên diện mạo nông thôn mới…
- Hai lúa lập công ty
Chúng tôi tìm đến xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn cũng là lúc Sáu Đức (Nguyễn Lợi Đức) chạy như con thoi chỉ đạo hơn 100 nhân công cấy lúa hè-thu, đồng thời kiểm tra việc xây dựng kho chứa 3.000 tấn lúa giống sắp hoàn tất. “Lúa giống thu hoạch rồi, đang trong giai đoạn xử lý, đóng gói nên kho chứa đạt chuẩn phải hoàn thành sớm. Nếu kho bãi không đường hoàng, mưa chụp xuống bất ngờ coi như thua, mình mất uy tín với bà con nông dân… Còn lúa hè-thu vùng này phải tranh thủ thời tiết đang thuận lợi” - Sáu Đức phân trần.
Năm 1996, từ bỏ nghề nuôi cá bè trên sông Hậu ở huyện An Phú, Sáu Đức đưa vợ con vào xã mới thành lập Lương An Trà với ý định “cắm dùi”. Sáu Đức mua lại 3 ha đất hoang với giá 15 triệu đồng. Vợ Sáu Đức nhìn nước phèn đặc quẹo mà rơi nước mắt… Để lấy ngắn nuôi dài, Sáu Đức bỏ vốn mở một cửa hàng vật tư nông nghiệp cho vợ quán xuyến. Còn mình ra sức cải tạo đồng đất, xẻ kênh xổ phèn, đồng thời tìm đọc các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật trồng lúa trên vùng phèn nặng, tranh thủ ý kiến của các kỹ sư nông nghiệp địa phương. Ngay vụ lúa đông-xuân đầu tiên, Sáu Đức thu hoạch 4 tấn/ha. Nông dân, chính quyền địa phương bắt đầu chú ý học hỏi nhân rộng cách sản xuất mới.
Làm ăn ngày một thuận lợi, đến năm 2000, Sáu Đức có trong tay 30 ha đất lúa được cải tạo hoàn chỉnh. Từ canh tác một vụ lên 2 vụ, rồi 3 vụ/năm, năng suất lúa 4 tấn lên 7 - 8 tấn/ha/vụ. Sáu Đức mở rộng quy mô lên hơn 140 ha, hình thành một vùng sản xuất tập trung của mình để mạnh dạn đầu tư thủy lợi, cơ giới hóa, kỹ thuật đồng bộ. Đặc biệt, Sáu Đức tự chế ra máy phun thuốc công suất cao, chỉ cần một người điều khiển có thể phun 20ha/ngày.
Trên đà thuận lợi, 2 năm nay, Sáu Đức mạnh dạn thành lập công ty nông nghiệp, chuyên sản xuất kinh doanh lúa giống, mỗi năm cung ứng hơn 1.000 tấn giống với 20 bộ lúa thơm chất lượng cao cho nông dân khắp 13 tỉnh, thành ĐBSCL và cả Đông Nam bộ.
Sáu Đức bật mí: “Để dần hoàn thiện mô hình sản xuất lớn, hiện đại, tôi đang tiếp cận công nghệ tổ hợp máy làm mạ - cấy lúa hiện đại của Đài Loan trị giá gần 2 tỷ đồng. Đồng thời chuẩn bị các điều kiện để áp dụng quy trình sản xuất lúa giống theo Global GAP…”.
- Lái xe hơi... thăm đồng
Tại rốn phèn nặng nhất Tứ giác Long Xuyên, không ai xa lạ với ông nông dân đời mới. Đặng Văn Hiện (Tư Hiện, chủ trang trại Anh Huy). 10 năm trước đang làm công chức ở Tịnh Biên ông xin nghỉ, vào xã Lương An Trà huyện Tri Tôn mua 130 ha đất làm nông. Trồng tràm không có ăn, suy đi nghĩ lại, Tư Hiện quyết tâm làm lúa. Gom hết vốn liếng, cầm cố nhà cửa, chủ quyền đất, ông Hiện đầu tư xẻ kênh nội đồng để xả phèn, đắp đê bao khép kín, san bằng mặt ruộng… để theo nghề trồng lúa.
Đậu chiếc xe hơi đời mới trị giá gần 1 tỷ đồng trên bờ đê bao quanh ruộng, ông Tư Hiện xắn quần lội xuống ruộng theo 3 chiếc máy gặt đập liên hợp đang rào rào cắt lúa đông-xuân. Tư Hiện phấn khởi nói: “Vùng này phèn nặng lắm, 10 năm rồi mà vẫn còn. Mấy năm đầu lỗ, nhưng giờ đỡ lắm rồi, đất của tôi làm được 3 vụ lúa/năm, cầm chắc 15 - 16 tấn/ha/năm. So với những vùng khác thì chưa bằng nhưng đất đang được cải tạo tốt, tương lai năng suất lúa sẽ còn tăng”.
Thấy chúng tôi trầm trồ chiếc xe đời mới, Tư Hiện phân bua: “Suy đi tính lại, tôi quyết định lấy tiền tích cóp mua xe hơi làm phương tiện đi thăm đồng. Đồng thời làm phương tiện an toàn cho việc mỗi tuần vượt hơn 40 km về Châu Đốc thăm vợ con. Trên xe lúc nào cũng có những công cụ thường dùng, chỗ nào có vấn đề cần xử lý mình xuống trực tiếp làm cùng nhân công.
Mấy năm gần đây, ở Tri Tôn, hình ảnh mấy ông chủ trang trại tự lái xe hơi đi uống cà phê, giao dịch với ngân hàng, các cơ quan của huyện không còn xa lạ. Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tri Tôn Trần Văn Mì cho biết: “Hiện toàn huyện có hơn 10 ông chủ trang trại có xe hơi, trong đó xã Lương An Trà có 4 người. Phần lớn chủ trang trại đều có ruộng đất xa nơi ở. Ngoài làm ruộng họ còn buôn bán lúa giống, vật tư nông nghiệp, di chuyển, giao dịch làm ăn nhiều nên chiếc xe hơi rất cần thiết”.
Chia tay vùng rốn phèn Lương An Trà đang đổi mới từng ngày, tôi thấy tâm đắc với suy nghĩ của nông dân Tư Hiện: Đời sống nhà nông ngày càng khá lên, có nhiều nông dân tự lái xe hơi đi thăm ruộng, quan hệ giao dịch… tạo nên một hình ảnh đẹp trong quá trình xây dựng nông thôn mới giữa lòng Tứ giác Long Xuyên.
Năm 1980, rời quê hương Thái Bình, nông dân Đỗ Quí Hạo vào Kiên Giang lập nghiệp với hai bàn tay trắng. Đến Mỹ Hiệp Sơn - Hòn Đất (Kiên Giang), nghề đầu tiên anh làm kiếm sống là giữ rẫy khoai lang, dưa hấu cho người khác. Hơn 4 năm sau, anh dành dụm mua được 1ha đất rồi khởi nghiệp trồng khoai. Nhiều vụ liền nông dân Hạo trồng khoai lời to nên có tiền tậu thêm 3ha đất. “Hồi đó chẳng cần biết kỹ thuật gì mà làm cũng lời vì đất mới, chưa xì phèn, diện tích trồng khoai chưa nhiều nên ít sâu bệnh. Nhưng đến năm 1992, 1993, diện tích khoai lang của nông dân Hòn Đất lên cả 1.000 ha. Lúc này mầm bệnh, sâu hại, dịch hại bùng phát dữ dội trên đất lên phèn, thất bại thảm hại. Nhiều người trắng tay, bỏ rẫy, gánh nợ nần” - Ba Hạo nhớ lại.
Quyết không bỏ cuộc, anh nông dân “đen nhẻm” lặn lội lên Cần Thơ tìm mua sách kỹ thuật nông nghiệp, công nghệ sinh học, quản trị kinh doanh… về nhà đọc, nghiên cứu và áp dụng. Tiếp đó, Ba Hạo đem hơn 30 triệu đồng lên TPHCM tìm mua kính hiển vi, ống nghiệm, các hóa chất và vật dụng cần thiết để làm thí nghiệm. Từ phòng thí nghiệm nho nhỏ này, anh đã nhận dạng ra nhiều loại bệnh, nấm ký sinh trên khoai, dưa hấu, lúa, rồi tìm cách phòng trị hiệu quả.
Dấu mốc nhớ đời của Đỗ Quí Hạo là sáng kiến góp phần diệt trừ bọ hào (sùng) trên khoai lang, từ 90% xuống dưới 10%, mang lại hiệu quả rất lớn cho nông dân trồng khoai, được các nhà khoa học đánh giá cao… Trong khoảng 10 năm liền, nhiều sinh viên nông nghiệp trường ĐH Cần Thơ, ĐH An Giang, ĐH Nông Lâm TPHCM đã quen dần với sự có mặt của bác nông dân “chính hiệu” Đỗ Quí Hạo trong giảng đường, trại thực hành, phòng thí nghiệm…
Hiện tại, trang trại khoai lang Ba Hạo có quy mô hơn 50ha, được đắp đê bao khép kín, đảm bảo an toàn trong mùa nghịch - mùa lũ. Hầu hết các công đoạn đánh luống, bỏ phân, chăm sóc, phun thuốc trừ sâu, thu hoạch đều bằng máy móc do chính Ba Hạo cải tiến, chế tạo. Đặc biệt, Ba Hạo là nông dân đầu tiên lập trang web quảng cáo khoai lang ở Việt Nam với tên: http://www.khoailangbahao.com.vn, lập văn phòng giao dịch ở TPHCM để tiện làm ăn.
|
BÌNH ĐẠI - ĐÌNH TUYỂN
Bài 3: Hình thành vùng sản xuất lớn
Đúng như nhận định của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, với nhiều lợi thế, tại vùng Tứ giác Long Xuyên đang từng bước hình thành vùng sản xuất lớn, chuyên nghiệp với quy trình khép kín, hiệu quả cao. Tuy nhiên, vùng đất này đang đối mặt nhiều thách thức cần phải vượt qua để phát triển bền vững…
- Cản ngại cần tháo gỡ
Xã Vĩnh Phú nằm giữa vùng Tứ giác Long Xuyên, thuộc huyện Thoại Sơn được chọn là xã điểm tập trung xây dựng nông thôn mới của tỉnh An Giang. Ông Huỳnh Phước Liền, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: “Vĩnh Phú đi đầu về sản xuất lúa của huyện với diện tích gần 3.200 ha, 3 vụ/năm, năng suất bình quân 8 tấn/ha. Hơn 95% nông hộ áp dụng thành thạo các quy trình sản xuất tiên tiến như “3 giảm-3 tăng”, “1 phải - 5 giảm”; hơn 90% diện tích sử dụng giống chất lượng cao, thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp… giúp giảm nhiều chi phí. Tuy nhiên, mối lo thường trực của nông dân hiện nay là đầu ra không ổn định, nguy cơ trúng mùa mất giá vẫn lơ lửng mỗi khi vào vụ thu hoạch. Điều này khiến họ không yên tâm sản xuất, nảy sinh tâm lý mạnh ai nấy lo, không dám liên kết làm ăn lớn”.
Tứ giác Long Xuyên đang đối mặt với nguy cơ mặn hóa rất lớn. Tại 3 huyện Thoại Sơn, Tri Tôn, Tịnh Biên, có hàng chục cống đập thủy lợi ngăn mặn chỉ được xây dựng tạm, nguy cơ vỡ, gây thiệt hại lớn. Trong khi đó, trên địa phận tỉnh Kiên Giang có 27 cống ngăn mặn, tiêu úng, xả lũ cho vùng Tứ giác Long Xuyên vận hành tốt. Nhưng 7 cửa sông chưa có cống, trong đó, có 2 cửa sông chính dẫn nước biển xâm nhập mặn sâu là cửa Đông Hồ và cửa Sông Kiên. Theo số liệu quan trắc cho thấy độ mặn tại cửa Đông Hồ lên đến 26‰ và đẩy sâu nước mặn vào địa phận tỉnh An Giang.
Một trở ngại khác là rào cản hạn điền. Ông Nguyễn Lợi Đức, Chủ trang trại sản xuất lúa giống ở xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, phản ánh: “Quan trọng là việc quy hoạch và chính sách sao cho nhà đầu tư an tâm gắn bó với đồng đất. Hiện tại, ở vùng Tứ giác Long Xuyên, việc giao đất có thời hạn 20 năm là quá ngắn. Cụ thể trang trại của tôi, đến năm 2013 hết hạn, phải làm lại, như vậy sao yên tâm được?!”.
- Xây dựng cánh đồng lớn
Huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang đang triển khai đề án thí điểm mô hình xóa bờ thửa - sản xuất lớn quy mô 200ha. Theo đó, sẽ thành lập một công ty nông nghiệp huy động nông dân hùn hoặc cho thuê đất, góp vốn bằng tiền để có diện tích ruộng lớn, áp dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa, giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận.
Ông Đoàn Minh Triết, Phó chủ tịch UBND huyện Thoại Sơn, phân tích: “Hiện nay, ở nông thôn, một gia đình có 3 ha lúa chỉ đủ ăn chứ không dư dả cho con ăn học. Do vậy phải giải phóng sức lao động bằng cách góp vốn bằng đất, được chia lợi nhuận sau mỗi mùa vụ. Hoặc cho công ty thuê lại đất với giá bằng với năng suất mà nông dân sản xuất mỗi vụ. Như vậy, nông dân được giải phóng sức lao động, đi làm thêm nghề khác, có thêm thu nhập cho gia đình…”.
Là vùng sản xuất lúa gạo lớn, chất lượng cao nhất tỉnh An Giang lại có vị trí trung tâm của Tứ giác Long Xuyên nên Thoại Sơn đang thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn sẵn sàng cung ứng giống, kỹ thuật, phân bón, thuốc trừ sâu, bao tiêu lúa cho nông dân trên các cánh đồng lớn, tập trung từ vài trăm đến cả ngàn hécta; xây dựng hệ thống nhà máy sấy, xay xát, lau bóng gạo xuất khẩu…, giúp nông dân hưởng lợi lớn.
Chúng tôi đến xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang, nơi có cánh đồng mẫu sản xuất lúa quy mô lớn được khởi xướng đầu tiên ở ĐBSCL. Dù đang vào cuối vụ thu hoạch nhưng không khí rất sôi nổi. Nông dân Đoàn Văn Kết phấn khởi nói: “Mấy chục năm làm lúa, tới giờ tui mới thu được lời số tiền lớn như vầy. Tôi có 2,6 ha đất trồng lúa thơm xuất khẩu, đạt 8 tấn/ha. Công ty Bảo vệ thực vật (BVTV) An Giang thu mua toàn bộ với giá 6.300 đồng/kg. Tổng cộng tiền bán lúa được 131 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lời gần 90 triệu đồng”.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà máy Chế biến gạo Vĩnh Bình, cho hay: Vụ lúa đông xuân này, toàn bộ 485 hộ nông dân tham gia cánh đồng mẫu diện tích 1.070 ha ở xã Vĩnh Bình đều đạt lợi nhuận cao. Bình quân, chi phí sản xuất 1kg lúa trong cánh đồng mẫu chỉ 2.200 đồng, trong khi các nơi khác luôn 3.200-3.500 đồng/kg. Khi thu hoạch nông dân bán cho công ty giá 6.300-6.700 đồng/kg nên lợi nhuận rất cao.
Cánh đồng mẫu tại xã Vĩnh Bình được Công ty BVTV An Giang đầu tư toàn bộ lúa giống, phân… cho nông dân; cử hơn 30 cán bộ hướng dẫn kỹ thuật canh tác; bao tiêu sản phẩm tận ruộng. Nông dân có thể gởi lúa miễn phí tại kho chờ giá hợp lý bán. Tại nhà máy có hệ thống kho bãi, máy sấy, xay xát, lau bóng; có thể tiếp nhận cùng lúc 35.000 tấn lúa, công suất máy sấy 300 tấn/ngày sẽ nâng lên 1.000 tấn/ngày vào vụ hè thu này…
Theo ông Huỳnh Văn Thòn, Giám đốc Công ty BVTV An Giang, đây chỉ là vụ đầu tiên thực hiện dự án. Nhưng đến thời điểm này, có thể khẳng định, công ty đã điểm trúng “chỗ ngứa” của nông dân. Trước đây, mình nghĩ rằng điểm yếu lớn nhất của nông dân là khâu kỹ thuật. Nhưng giờ, vấn đề bà con lo nhất là đầu ra sản phẩm. Do đó, khi triển khai dự án cánh đồng mẫu lớn tại xã Vĩnh Bình rất được bà con đồng tình. Thực hiện chương trình này, chúng tôi có sản phẩm lúa hàng hóa chất lượng đồng đều, số lượng lớn. Khi chúng tôi giới thiệu, có doanh nghiệp đồng ý đặt hàng với giá gạo cao hơn 20USD/tấn so với giá thị trường…
BÌNH ĐẠI
|