Khai thác các tuyến kênh nội thành

Sài Gòn ngày trước có nhiều kênh rạch phục vụ có hiệu quả cho thoát nước đô thị và giao thông đường thủy thông thương với các tỉnh ĐBSCL. Hệ thống kênh rạch này đã từng tạo cho thành phố một vẻ đẹp độc đáo. Thế nhưng với đà phát triển đô thị, nhiều con kênh đã bị lấp đi, những con kênh còn lại bị tắc nghẽn vì bùn và chất thải, ô nhiễm trầm trọng.
Khai thác các tuyến kênh nội thành

Sài Gòn ngày trước có nhiều kênh rạch phục vụ có hiệu quả cho thoát nước đô thị và giao thông đường thủy thông thương với các tỉnh ĐBSCL. Hệ thống kênh rạch này đã từng tạo cho thành phố một vẻ đẹp độc đáo. Thế nhưng với đà phát triển đô thị, nhiều con kênh đã bị lấp đi, những con kênh còn lại bị tắc nghẽn vì bùn và chất thải, ô nhiễm trầm trọng.

Nạo vét làm sạch kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Ảnh: Kim Ngân

Nạo vét làm sạch kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Ảnh: Kim Ngân

Vài năm gần đây, TPHCM đã đầu tư lớn cho việc chỉnh trang, nạo vét kênh ở khu vực nội thành. Kênh Nhiêu Lộc và kênh Bến Nghé - Tàu Hủ (dọc đại lộ Võ Văn Kiệt) đã được đầu tư lớn để giải tỏa nhà trên kênh, nạo vét, xây bờ kè, làm đường ven kênh và cải thiện môi trường nước, tạo ra một bộ mặt khang trang hai bên bờ kênh. Những công trình này cho thấy TPHCM đang quyết tâm cải tạo hệ thống kênh rạch, chỉnh trang đô thị và cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường. Tuy vậy, các hành vi thiếu ý thức của nhiều cư dân vẫn diễn ra, các con kênh vẫn đang tiếp tục bị lấn chiếm, xả rác và nước thải ô nhiễm.

Báo SGGP ngày 25-11 đã có bài “Ô nhiễm kênh Tham Lương”, cho thấy thực trạng đáng lo ngại ở dòng kênh này. Cũng có thể thấy tình trạng tương tự ở nhiều con kênh khác. Ngay trên kênh Tàu Hủ, trong khi các xáng cạp đang khẩn trương nạo vét để cải thiện môi trường, chỉ cách đó chừng hơn 100m nhiều người vẫn vô tư xả rác và trên bờ kênh vẫn có người mang rác, xà bần ra đổ bừa bãi.

Đoạn kênh Tẻ ngay chân cầu Tân Thuận (quận 7) đã trở thành nơi các ghe trái cây đậu và họp chợ buôn bán rất tấp nập. Chợ nổi này là một nét sinh hoạt bán buôn vùng sông nước ngay giữa lòng đô thị, tuy nhiên cần phải quản lý chặt về vệ sinh, môi trường. Không ai quản lý nên người ta cứ tuôn rác thải xuống kênh, vừa mất vệ sinh và mỹ quan đô thị, vừa gây ô nhiễm và tắc nghẽn dòng kênh.

Gần đây, trước tình trạng ách tắc giao thông trên đường phố nội thành ngày càng trầm trọng, ý tưởng chỉnh trang các tuyến kênh chính để mở các tuyến vận tải hành khách bằng đường thủy đang được TPHCM nghiên cứu triển khai. Rất tiếc do quy hoạch thiếu tầm nhìn trước đây nên toàn bộ các cầu bắc qua kênh Nhiêu Lộc có gầm rất thấp, không đảm bảo tĩnh không thông thuyền. Việc mở các tuyến vận tải hành khách bằng đường thủy trên các tuyến kênh Tẻ, Bến Nghé - Tàu Hủ, Tham Lương khả thi hơn, với điều kiện phải đưa vào vận hành có hiệu quả hệ thống xử lý nước thải từ các nhà máy và khu dân cư đổ ra kênh.

Với ý tưởng khả thi, quyết tâm cao, quy hoạch có tầm nhìn, có phương thức gọi vốn đầu tư hiệu quả, chúng ta vẫn có thể mơ đến một tương lai không xa hệ thống kênh rạch tại TPHCM sẽ xanh trong, thoáng đẹp và người dân có thể đi lại trong nội thành và ra các tỉnh lân cận bằng tàu chở hành khách và những chiếc du thuyền. Việc này sẽ tạo ra cảnh quan và nét văn hóa mới thu hút khách du lịch đến với TPHCM.

Thu Hường - Thanh Hải

Tin cùng chuyên mục