Quận 9 - TPHCM

Khai thác cát trái phép tràn lan, đất tiếp tục trôi xuống sông

Khai thác cát trái phép tràn lan, đất tiếp tục trôi xuống sông

Ngày 20-9, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đã trực tiếp đi kiểm tra các điểm nóng về khai thác cát trái phép, đồng thời chỉ đạo một số ban ngành tập trung chống nạn khai thác cát trái phép trên sông. Đến nay, chủ trương đã có nhưng thực hiện thì…

  • Cấm cũng như không
Khai thác cát trái phép tràn lan, đất tiếp tục trôi xuống sông ảnh 1

Mặc dù có lệnh cấm khai thác cát nhưng trên tuyến sông Đồng Nai vẫn còn nhiều xáng cạp ngang nhiên hoạt động.Ảnh: S.P.

Tình trạng sạt lở đất xảy ra dọc theo nhiều tuyến sông, kênh rạch trên địa bàn quận 9 đã làm nhiều nông dân mất đất sản xuất và gây bất an cho người dân sống trong khu vực mà nguyên nhân chủ yếu là do nạn khai thác cát trái phép gây ra.

Ông Nguyễn Văn Giác (nhà số 81 ấp Phước Thiện phường Long Bình) cho biết cứ khoảng nửa đêm là hàng chục ghe bầu có trang bị máy hút cát trong các ngõ ngách lại giăng ra trên sông Đồng Nai, sông Tắc,… hoạt động náo nhiệt cho đến tận 4 giờ sáng. Đối với khu vực sông Đồng Nai thuộc phường Long Bình thì chủ yếu là ghe từ bên ấp Long Đại phường Long Phước sang hút cát.

Do lòng sông ngày càng sâu, cát ít, nên các ghe bầu thường cập sát vào bờ để hút cát cho được nhiều. Mặc dù việc khai thác cát trên sông Đồng Nai đã có lệnh cấm từ mấy năm nay nhưng ở đây, ban ngày, có 3-4 sà lan trang bị xáng cạp neo đậu. Các cần xáng cạp được thả xuống sông rồi cạp cát đổ lên sà lan. Ban đêm, xáng cạp này di chuyển vào gần bờ để cạp cát, đất ở của dân bị lở xuống sông.

Ở doi đất thuộc ấp Trường Khánh phường Long Phước, đội quân khai thác cát lậu chủ yếu là người từ bên phía 2 huyện Nhơn Trạch và Long Thành thuộc tỉnh Đồng Nai kéo sang. Lợi dụng sự quản lý còn lỏng lẻo giữa vùng tiếp giáp chỉ giới hành chính giữa 3 quận, huyện nên việc khai thác cát trái phép rất công khai, nếu bên này truy bắt thì các ghe chạy sang bên kia trốn.

Ông Nguyễn Văn Hoàng (ở ấp Trường Khánh) cho chúng tôi biết, vùng doi đất này là mỏ cát vàng ánh ngay bên dưới lớp đất phù sa, đêm đến, có khoảng 60 ghe bầu từ con rạch phía xã Long Tân huyện Nhơn Trạch chạy qua đất cù lao Long Phước rồi chia thành nhiều nhóm, mỗi nhóm từ 5 đến 7 chiếc để bơm hút cát. Trung bình cứ khoảng 30-40 phút, các ghe hút đầy cát và tập kết số cát này về một số bãi ở ấp Long Đại phường Long Phước hoặc bên kia sông-phía huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai và mỗi đêm có vài trăm mét khối cát từ lòng sông bị lấy đi.

  • Vườn và nhà trôi ra sông

Theo một chuyên gia tư vấn công trình thủy lợi, tình trạng sạt lở đất bờ sông do cát bị hút tạo ra hàm ếch khoét sâu làm thay đổi dòng chảy gây nên sạt lở đất ngày một gia tăng. Mới đây, tại vàm Long Đại thuộc ấp Phước Thiện quận 9 đã xảy ra vụ sạt lở đất sâu vào bờ 30 mét và kéo dài trên 2.000m. Hộ bà Nguyễn Thị Hai có 1,7 ha đất nay bị sạt lở còn chưa đến 6 công đất.

Vừa rồi, có cặp vợ chồng từ trong nội thành ra ngồi khóc nức nở, trên tay cầm sổ đỏ với diện tích trên một hécta nhưng tìm hoài không thấy đất ở đâu do khu đất đã sạt lở xuống sông Đồng Nai. Theo ước tính của người dân, đã có 10 ha đất tại khu vực ấp Trường Khánh bị sạt xuống sông và cứ đà khai thác cát trái phép tràn lan với tốc độ sạt lở đất ngày một cao như hiện nay, chỉ trong vài tháng nữa doi đất và con rạch sẽ biến mất trong dòng sông.

  • Lực lượng có nhưng kém hiệu quả, vì sao?

Bức xúc trước tình trạng đất bị sạt lở, nhiều người phản ánh đến Tổ Quản lý Trật tự sông rạch quận 9, Trạm cảnh sát đường sông số 4, số 6 và chính quyền địa phương nhưng không có kết quả. Bà Dương Kim (ấp Trường Khánh) cho biết, thấy các ghe đến hút cát nhưng gọi điện thoại cho các cơ quan chức năng thì luôn bị đùn đẩy qua lại và khi cử lực lượng đến nơi thì các ghe cát đã biến mất.

Người dân dùng nhiều cách để bảo vệ đất của mình như dựng chòi, dắt theo chó hoặc rủ nhau âm thầm mai phục bắt các ghe khai thác cát. Trong tháng 8 và đầu tháng 9-2005, một số bà con mai phục bắt được 3 chiếc ghe hút cát và giao về cho Trạm cảnh sát giao thông đường thủy số 6 xử lý.

Do trạm gác trên các tuyến sông quá thưa lại không đặt đúng ngay điểm nóng nên khi lực lượng kiểm tra đến hiện trường thì đã muộn. Thêm vào đó, lực lượng kiểm tra được cấp ghe quá lớn nên nước ròng là bó tay không thể vào các con rạch để truy bắt.

Cho nên, dù được trang bị hiện đại nhưng hiệu quả của việc tuần tra đạt được còn rất thấp. Một câu hỏi được đặt ra là: cách khoanh vùng, mai phục chặn bắt các ghe khai thác cát vừa tiết kiệm, hiệu quả ít được lực lượng chống khai thác cát trái phép sử dụng, vì sao?

TRẦN THANH

Tin cùng chuyên mục